Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và ngăn chặn hiện tượng cá nuôi lồng chết hàng loạt dọc trên tuyến sông Mã
Dọc tuyến Sông Mã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay có hàng trăm nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ hoạt động gần với tuyến sông, phần lớn trong số đó là các cơ sở sản xuất giấy vàng mã, chế biến lâm sản, dăm, đũa, sản xuất tinh bột sắn, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm…Hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất đã tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu và tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực đối với kinh tế, hoạt động này cũng đã tác động và gây ra những hậu quả tiêu cực đối với môi trường, hệ sinh thái trên các tuyến sông, suối, từ đó làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT, thậm chí gây thiệt hại cho kinh tế và sinh kế của người dân địa phương.
Năm 2020, 2021 vào khoảng tháng 3, 4 liên tục xảy ra hiện tượng cá lồng nuôi của người dân chết hàng loạt trên tuyến sông Mã thuộc huyện Bá Thước, Cẩm Thuỷ, thiệt hại hàng chục tấn cá lồng của người dân; Công an tỉnh Thanh Hoá đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, lực lượng chức năng như Sở Tài nguyên và môi trường, Công an tỉnh, UBND các huyện có liên quan tổ chức thanh, kiểm tra toàn diện, phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, môi trường…vv. Đặc biệt cùng với các ngành, chính quyền địa phương, tham mưu tạm đình chỉ hoạt động đối với hầu hết các cơ sở sản xuất giấy vàng mã, yêu cầu phá dỡ công trình vi phạm về xây dựng, lấn chiếm đất đai; khai đào, phát hiện buộc tháo gỡ đường ống, đường xả thải ngầm; phải xây dựng hoàn thiện công trình xử lý môi trường, báo cáo cơ quan chức năng kiểm tra, vận hành thử nghiệm và chỉ được tổ chức sản xuất khi được cho phép…tình hình cơ bản đã được kiểm soát ổn định.
Đến tháng 4 năm 2024 lại tiếp tục xảy ra hiện tượng cá lồng chết trên tuyến sông Mã đi qua địa bàn huyện Bá Thước, Cẩm Thuỷ, gây thiệt hại khoảng 14 tấn cá lồng của người dân. Công an tỉnh đã cùng các sở, ban, ngành phối hợp với UBND cấp huyện, xã có liên quan tiến hành công tác kiểm tra, lấy mẫu phân tích chất lượng nguồn nước và xác định nguyên nhân cá chết. Kết quả kiểm tra cho thấy, các mẫu nước trên sông Mã và khu vực nuôi cá lồng của nhân dân có dấu hiệu suy giảm nồng độ ô xi hoà tan (chỉ tiêu DO thấp), một số mẫu nước có các chỉ tiêu COD, BOD5, tổng Ni tơ vượt quy chuẩn; Qua phân tích mẫu bệnh phẩm cá chết kết quả không phải do bệnh truyền nhiễm, hiện tượng cá chết trên chưa có khẳng định là do nguyên nhân nào. Tuy nhiên không loại trừ nguyên nhân chất lượng nước sông Mã bị tác động từ các nguồn chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh phía thượng nguồn sông Mã đổ về. Mặt khác do các hộ nuôi cá lồng nằm phía hạ lưu của Thuỷ điện Bá Thước 1 vào mùa khô ít nước, Thuỷ điện ngăn để tích trữ nước, nên đến thời điểm tháng 3,4 hàng năm là thời điểm giao mùa, thời tiết nắng nóng, lượng nước cạn kiệt dòng chảy không lưu thông nhiều ở phía hạ lưu nên nồng độ ô xi hoà tan trong nước giảm gây nên hiện tượng cá yếu và chết.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại các nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến lâm sản, sản xuất tinh bột sắn, trang trại chăn nuôi…trên địa bàn tỉnh; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và ngăn chặn hiện tượng cá nuôi lồng chết hàng loạt dọc trên tuyến sông Mã, Công an tỉnh kiến nghị và khuyến cáo một số nội dung sau:
1. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các các nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến lâm sản, sản xuất tinh bột sắn, trang trại chăn nuôi…. Chú trọng và thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, chuyển giao xử lý chất thải rắn; kiểm soát việc vận hành công trình xử lý nước thải và hoạt động xả thải của các cơ sở, tránh tình trạng bỏ mặc, thiếu kiểm tra giám sát sau khi các nhà máy, cơ sở hoàn thiện xây dựng, được thẩm định công trình bảo vệ môi trường và được cấp giấy phép môi trường. Kiên quyết phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về môi trường, gây dư luận trong nhân dân.
2. Chính quyền địa phương nơi có tuyến sông Mã chạy qua cần chỉ đạo phòng chức năng tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Linh hoạt áp dụng các biện pháp, đề cao vai trò giám sát của người dân và tinh thần tự giác của doanh nghiệp như: Phát động phong trào quần chúng thành lập các tổ giám sát nhân dân để giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Nếu phát hiện các trường hợp đổ thải, chôn lấp chất thải rắn trái quy định, gây ô nhiễm môi trường; các trường hợp lắp đặt đường ống, đường xả thải ngầm để xả nước thải trái phép ra tuyến sông thì báo cáo ngay cho lực lượng Công an địa phương để kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm theo quy định.
Đồng thời có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp kỹ thuật, quy hoạch vùng nuôi an toàn, hạn chế rủi ro đối với người dân tại các tuyến sông có hoạt động nuôi cá lồng bè, đánh bắt, khai thác nguồn lợi thuỷ sản như: Kịp thời phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước và thông báo cho các hộ dân nuôi trồng thuỷ sản để di chuyển các lồng nuôi cá đến nơi an toàn; Giảm mật độ nuôi, về sinh môi trường khu vực lồng nuôi; Không sử dụng quá lượng thức ăn cần thiết, hướng dẫn bơm sục khí lồng cá khi phát hiện hàm lượng ô xi trong nước thấp, đảo nước khi cá có hiện tượng yếu (đặc biệt là vào thời điểm giao mùa vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 hàng năm)
Lực lượng Công an Thanh Hóa sẽ tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường như: xả nước thải trái phép, xả nước thải không đạt quy chuẩn kỹ thuật cho phép ra các tuyến sông, đổ thải, chôn lấp chất thải rắn trái quy định….