Sự kiện số 48: Triển khai mô hình "Doanh nhân với an ninh trật tự
Người lầm lỗi, đặc biệt là người mới mãn hạn tù về địa phương với hai bàn tay trắng, không việc làm, không tiền vốn, không định hướng lại luôn phải đối mặt với những cám dỗ, sự kỳ thị, xa lánh của xã hội, thậm chí là của cả những người thân dễ đẩy họ vào con đường tái phạm tội, nguy cơ tái phạm rất cao. Ranh giới giữa cái thiện và cái ác rất mong manh. Vấn đề cảm hóa giáo dục tái hoà nhập cộng đồng đã được xã hội đề cập đến bằng nhiều hình thức nhưng vẫn còn mang nặng tính văn bản, nặng về kèm cặp, kiểm điểm. Việc cảm hóa đích thực phải tạo cho người lầm lỗi một tay nghề, việc làm, đồng vốn, kinh nghiệm kinh doanh để họ có thể tự nuôi sống bản thân. Cùng với sự phát triển của xã hội, doanh nhân chính là những người có khả năng giúp đỡ những người lầm lỗi bởi họ là những người có uy tín, có tiềm lực kinh tế, có khả năng giải quyết việc làm.
Nhận thức được vấn đề đó, cuối năm 2008, Công an huyện Nga Sơn đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai xây dựng mô hình “Doanh nhân với an ninh trật tự”. Đây là mô hình mới, được xây dựng trên cơ sở phối hợp giữa 3 lực lượng: Công an, Hiệp hội Doanh nhân và Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Mục tiêu của mô hình này là nhằm tạo điều kiện, môi trường thông thoáng, giúp cho các doanh nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời phát huy vai trò, tiềm năng và thế mạnh của đội ngũ doanh nhân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho những người có quá khứ lỗi lầm. Điểm mới nhất của mô hình này đó là, ngoài việc thành lập một trung tâm tư vấn pháp lý để hướng dẫn các doanh nhân nắm vững và thực hiện nghiêm các quy định, quy trình sản xuất kinh doanh liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự, Công an huyện Nga Sơn còn phối hợp với Hiệp hội doanh nhân thành lập quỹ “Doanh nhân phòng, chống tội phạm”. Quỹ này hoạt động như quỹ tín dụng của Ngân hàng chính sách do Hiệp hội doanh nhân quản lý, Công an huyện có trách nhiệm khảo sát và xác định đối tượng cho vay. Đồng chí Trưởng Công an huyện sẽ là người đề xuất cho vay, Chủ tịch hội sẽ quyết định chi tiền, Ngân hàng chính sách có nhiệm vụ giải ngân và làm các thủ tục theo quy định của Nhà nước. Đối tượng thụ hưởng chính của nguồn quỹ là những người lầm lỗi có hoàn cảnh khó khăn (theo phương thức cho 20% và 80% còn lại được vay với lãi xuất thấp bằng 50% lãi xuất của Ngân hàng chính sách).
Tính đến cuối năm 2008, 100% số tù tha, đặc xá, số người lẫm lỗi trong năm được vay vốn, chỉ có 01 đối tượng tái phạm tội. Phần lớn những người được vay vốn từ “Quỹ doanh nhân phòng, chống tội phạm” đều sử dụng đồng vốn có hiệu quả, đúng mục đích, đã và đang từng bước thoát nghèo, trong đó có tới 97% người vay vốn làm ăn có lãi và hoàn trả đúng hạn. Mô hình “Doanh nhân với an ninh trật tự” triển khai thực hiện hiệu quả đã góp phần giúp tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn huyện Nga Sơn luôn được giữ vững ổn định. Phạm pháp hình sự giảm từ 8% đến 10%, riêng tội phạm trộm cắp giảm 50%, tỷ lệ tái phạm tội của các đối tượng hình sự giảm xuống còn 8%.
Đây là một mô hình mới, một cách làm độc đáo và sáng tạo của Công an huyện Nga Sơn. Điều quan trọng hơn cả đó là mô hình này đã góp phần xã hội hóa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đề cao trách nhiệm của toàn dân trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, xóa bỏ được sự kỳ thị, xa lánh của xã hội đối với những người lầm lỗi, tạo cho họ một điểm tựa trong cuộc sống, giúp họ vững tin hơn trên con đường hoàn lương hòa nhập với cộng đồng. Từ hiệu quả của mô hình “Doanh nhân với an ninh trật tự” ở huyện Nga Sơn, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã được chỉ đạo nhân rộng trong toàn tỉnh. Nhiều địa phương trong cả nước đã đến huyện Nga Sơn tham khảo, học hỏi kinh nghiệm.
Nguồn sách “Biên niên lịch sử lực lượng Cảnh sát Công an tỉnh Thanh Hóa (1962 - 2022)”