A- A A+ |

Sự kiện số 36: Công an tỉnh Thanh Hóa được Bộ Công an chọn chỉ đạo điểm triển khai Nghị quyết số 09 của Chính phủ và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm

      Trước tình hình một số loại tội phạm nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, ngày 31/7/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP về “Tăng cường phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Nghị định số 138/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm và thành lập Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm (gọi tắt là Ban chỉ đạo 138). Chính phủ cũng đã phân công Bộ Công an làm nhiệm vụ thường trực Ban chỉ đạo, là lực lượng chủ công trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, bảo đảm cuộc sống yên bình cho nhân dân. Công an tỉnh Thanh Hóa được Bộ Công an chọn chỉ đạo điểm.

Ngày 20/7/1999, Công an tỉnh ra Kế hoạch số 57/PV11 về “Thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm trong lực lượng Công an”, Quyết định số 563/QĐ-PX13 thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 09 và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm Công an tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt là Ban chỉ đạo 138 CA). Thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành chủ động tấn công trấn áp các loại tội phạm, trước hết ở các địa bàn trọng điểm. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật ở các cấp. Từng bước làm giảm các loại tội phạm, nhất là giảm cơ bản loại tội phạm nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức, có sử dụng bạo lực. Kiên quyết truy bắt tội phạm còn lẩn trốn, thực hiện triệt để công tác thi hành án.

Đối tượng tập trung đấu tranh là tội phạm có tổ chức hình thành băng, ổ, nhóm, bọn tội phạm chuyên nghiệp, tội phạm giết người, cướp của, cướp giật, lừa đảo, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý huỷ hoại tài sản công dân có tính chất khủng bố, côn đồ, hung hãn, đâm thuê, chém mướn…. Tội phạm kinh tế tập trung vào loại tham ô, hối lộ, cố ý làm trái nguyên tắc về quản lý kinh tế, buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả. Tội phạm tệ nạn xã hội tập trung vào loại chủ chứa, môi giới mại dâm, buôn bán sản xuất, vận chuyển các chất ma túy, tổ chức sử dụng các chất ma túy.

Công an tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ra Thông báo số 01 về tiến độ triển khai ở các cấp, các ngành, các đoàn thể. Soạn thảo và in ấn hàng chục ngàn bản tài liệu tuyên truyền, phát hành xuống tận thôn, bản, làng, xóm, đường phố. Chọn huyện Như Thanh là đơn vị chỉ đạo điểm trong toàn tỉnh. Tăng cường trên 1 ngàn cán bộ, chiến sĩ Công an xuống cơ sở, tập trung ở các địa bàn trọng điểm. Gắn việc triển khai Nghị quyết số 09 với công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở và địa bàn dân cư. Cán bộ công an được tăng cường đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, công an xã khảo sát, thống kê, phân loại đối tượng có trên địa bàn, giúp công an cơ sở triển khai các biện pháp phòng ngừa, tấn công có hiệu quả các loại tội phạm.

Tính đến giữa tháng 12/1999, Công an tỉnh đã huy động 02 đợt với 1.785 lượt cán bộ, chiến sĩ về 630 xã, phường, thị trấn. Các đơn vị công an trong tỉnh đã bắt 78 đối tượng có lệnh truy nã, 57 đối tượng trốn thi hành án, 51 đối tượng gây án bỏ trốn; Công an tỉnh đã điều tra 790 vụ, xử lý 1.049 đối tượng; triệt phá 51 ổ nhóm tội phạm, 152 đối tượng; Công an cơ sở đã điều tra, xử lý 1.485 vụ, 2.119 đối tượng vi phạm hình sự nhỏ ở địa phương.

          Ngày 25/4/2003, Ban chỉ đạo 138 Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết chỉ đạo điểm thực hiện Nghị quyết số 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm về “Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm; cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”. Dự chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trung tướng Lê Thế Tiệm - Thứ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo 138 Bộ Công an; đồng chí Phạm Minh Đoan - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo 138 Thanh Hóa.

           Trong 4 năm (1999 - 2003) thực hiện Nghị quyết số 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm quần chúng nhân dân đã phát hiện cung cấp cho lực lượng Công an 21.098 tin liên quan đến an ninh, trật tự; tố giác trên 10.000 đối tượng vi phạm pháp luật; bắt giữ 1.547 đối tượng phạm pháp quả tang giao cho chính quyền, công an xử lý; đã hòa giải, giải quyết trên 20.762 mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ nhân dân không để phát sinh thành tội phạm; vận động, thuyết phục được 493 đối tượng truy nã, trốn thi hành án, gây án bỏ trốn ra đầu thú, trong đó có nhiều đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm; vận động gia đình, dòng họ, các đoàn thể tổ chức quần chúng đảm nhận cảm hóa, giáo dục 5.319 đối tượng có quyết định đưa vào diện quản lý theo Nghị định số 19/CP của Chính phủ. Công an tỉnh đã phối hợp với các ngành Ngân hàng, Thương binh xã hội tạo điều kiện giúp đỡ việc làm cho 1.148 người, cho vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đối với 484 người với tổng số vốn 532,3 triệu đồng. Quá trình cảm hóa, giáo dục đã có 1.894 đối tượng có tiến bộ rõ rệt được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường quyết định đưa ra trước thời hạn quản lý; bắt xử lý, đưa đi giáo dục tập trung 184 đối tượng vi phạm pháp luật, cấp giấy chứng nhận hoàn thành thời hạn quản lý cho 2.128 đối tượng. Công an tỉnh đã điều tra làm rõ 8.521 vụ phạm pháp hình sự, xử lý 11.431 đối tượng. Lực lượng Công an xã, phường, thị trấn điều tra xử lý theo chức năng 7.059 vụ, 8.553 đối tượng; đã giải quyết 218 tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, xử lý 6.562 vụ, 7.758 đối tượng vi phạm hành chính về trật tự xã hội…

Nguồn sách “Biên niên lịch sử biên niên lực lượng Cảnh sát Công an tỉnh Thanh Hóa (1962 - 2002)”


Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu