Sự kiện số 32: Công tác giải quyết "Điểm nóng" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Sau hơn 10 năm thống nhất đất nước nhất là công cuộc đổi mới đất nước đã làm cho bộ mặt nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thanh Hóa có những bước phát triển. Đời sống mọi mặt của quần chúng nhân dân được nâng lên, một bộ phận nông dân trở nên khá giả, số hộ đói nghèo giảm dần, cơ sở hạ tầng được xây dựng làm cho bộ mặt nông thôn đang thay đổi theo xu hướng tiến bộ. Tuy vậy, tình hình nông thôn, nông dân và an ninh, trật tự ở Thanh Hóa cũng bắt đầu xuất hiện nhiều vấn đề cần phải quan tâm tập trung giải quyết. Trong đó nổi lên là các mâu thuẫn do tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân; tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; đạo đức lối sống có phần giảm sút; một bộ phận cán bộ ở cơ sở có biểu hiện quan liêu, tham nhũng, vi phạm dân chủ… làm cho nhân dân bất bình, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Lợi dụng những vấn đề đó, một số đối tượng bất mãn, cực đoan, quá khích đã lôi kéo, kích động quần chúng đấu tranh, gây áp lực với chính quyền cơ sở, coi thường kỷ cương, pháp luật làm cho tình hình diễn biến phức tạp thêm. Trong giai đoạn 1986 - 1990, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 113 vụ tranh chấp xung đột, khiếu kiện đông người, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tập trung giải quyết dứt điểm 5 “điểm nóng” nổi cộm:
1. Giải quyết tình hình “điểm nóng” ở xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân
Từ những năm 1980 đến năm 1986 một số quần chúng ở xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân liên tục gửi đơn khiếu kiện lên cấp trên tố cáo số cán bộ trong Ban chủ nhiệm Hợp tác xã như Ngô Xuân Tài, Đoàn Mạnh Sơn, Lê Huy Tô... tư lợi, tham ô tài sản tập thể và vi phạm các quyền dân chủ, ức hiếp quần chúng nhân dân. Ủy ban tỉnh, Thanh tra tỉnh đã có kết luận về sai phạm của số cán bộ nói trên nhưng họ đã không bị xử lý mà còn được giữ chức vụ cao hơn (như Ngô Xuân Tài từ Chủ nhiệm Hợp tác xã được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã, Đoàn Mạnh Sơn từ Phó Chủ nhiệm lên làm Chủ nhiệm Hợp tác xã) càng gây bất bình trong quần chúng nhân dân.
Năm 1987, sau Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, dựa vào việc mở rộng dân chủ công khai, Lê Viết Khảm người đã từng thảo đơn khiếu kiện trước đây tập hợp một nhóm người bất mãn xưng danh là “Hội chống tiêu cực” tiếp tục kéo về tỉnh kiến nghị giải quyết.
Ngày 28/10/1988, Ủy ban nhân dân tỉnh cử đoàn cán bộ do Ủy ban thanh tra tỉnh chủ trì về Nam Giang làm việc. Sau hơn 1 tháng kiểm tra, Đoàn đã đưa ra một số kết luận trong đó có vấn đề không đúng với đơn thư tố cáo. Từ đó số người trong “Hội chống tiêu cực” đã tung dư luận Đoàn thanh tra nhận hối lộ của Ngô Xuân Tài và Đoàn Mạnh Sơn 12 cây vàng. Nguồn tin này đã được kiểm tra xác minh và kết luận là có sự vu khống, bôi đen.
Ngày 03/11/1988 “Hội chống tiêu cực” tiếp tục vận động lôi kéo 140 người đến cơ quan Tỉnh ủy khiếu kiện đề nghị xử lý số cán bộ chủ chốt của xã và Hợp tác xã tham ô, vi phạm quyền dân chủ.
Ngày 28/7/1989, đoàn cán bộ Thanh tra tỉnh về Nam Giang công bố kết quả kiểm tra, “Hội chống tiêu cực” đã tổ chức gây rối trật tự trị an, cướp micrô, lăng mạ cán bộ cản trở không cho đoàn làm việc.
Vào thời điểm tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân 3 cấp, “Hội chống tiêu cực” ra sức vận động quần chúng giới thiêu người của họ vào danh sách hiệp thương ứng cử viên nhưng không đạt được mục đích.
Trong 2 ngày tiến hành bầu cử (18 và 19/11/1989), “Hội chống tiêu cực” tiếp tục vận động quần chúng không đi bỏ phiếu Hội đồng nhân dân xã. Tại điểm bầu cử số 7, Lê Viết Khảm bố trí người giữ hòm phiếu lu loa Tổ bầu cử vi phạm pháp luật không cho mở hòm phiếu, sau 5 ngày tình hình mới được giải quyết ổn định.
Đầu năm 1990, “Hội chống tiêu cực” đứng đầu là Lê Viết Khảm đã gửi văn bản cho chính quyền xã, huyện đề nghị bố trí trụ sở, cấp kinh phí, phương tiện để hội này hoạt động. Ngoài các gọi là “Chống tiêu cực” tổ chức này còn lưu truyền tài liệu của phái đa nguyên, đa đảng do Phạm Lê Thịnh, Việt Kiều ở Pháp gửi về nhằm tuyên truyền kích động quần chúng nhân dân, phê phán đả kích chế độ, xuyên tạc đường lối và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam.
Để giải quyết tình hình “điểm nóng” ở Nam Giang, lực lượng Công an đã tham mưu cho cấp ủy và chính quyền thành lập các đoàn cán bộ trực tiếp xuống địa bàn, nắm tình hình, phát động quần chúng tham gia xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, chính quyền từ chi bộ đến Ban Chấp hành Đảng ủy, từ xóm, đội sản xuất đến Ủy ban nhân dân xã. Công an huyện Thọ Xuân đã tiến hành khởi tố bắt giam số đối tượng cầm đầu các vụ gây rối trật tự, chống người thi hành công vụ, gây rối Hội nghị hiệp thương bầu cử, cản trở công tác bầu cử, đánh người thương tích… Đồng thời tăng cường các biện pháp phát động quần chúng nhất là vận động cá biệt để nắm tình hình, tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng Nhân dân nhận thức rõ đúng sai, cảnh giác với luận điệu phản tuyên truyền của những người bất mãn và phần tử xấu.
2. Giải quyết “điểm nóng” ở xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn
Năm 1989, được phép của Ủy ban nhân dân huyện Nga Sơn, xã Nga Nhân tiến hành xây dựng chợ của xã. Tuy nhiên chợ xã Nga Nhân chỉ cách chợ của xã Nga Thạch chỉ khoảng 100 mét. Khi đi vào hoạt động, do vị trí thuận lợi và tổ chức quản lý kinh doanh tốt, chợ Nga Nhân đã thu hút đông người buôn bán, chợ Nga Thạch vắng dần. Lợi nhuận bị ảnh hưởng, những người đấu thầu chợ Nga Thạch đã tung tin xấu, kích động quần chúng nhân dân và chính quyền địa phương làm đơn khiếu kiện cấp trên đòi giải tán chợ Nga Nhân. Khi động cơ, mục đích cá nhân không thực hiện được, những người đấu thầu quản lý chợ Nga Thạch gồm: Cao, Quyền, Thuyết, Chấn, Loan, Hánh ngang nhiên gây rối trật tự, hành hung những người địa phương đi chợ Nga Nhân rồi vu cáo cho nhân dân Nga Nhân để khoét sâu mâu thuẫn trong quần chúng nhân dân 2 xã.
Từ tháng 01 đến tháng 11/1989, bọn chúng đã gây ra nhiều vụ hành hung gây thương tích. Nghiêm trọng nhất là vào ngày 25, 26/11/1989, tên Cao cùng đồng bọn đem dao và gậy gộc kéo đến nhà anh Nghiêm ở xã Nga Nhân để hành hung. Bị bọn xấu kích động bà con xã Nga Nhân đã đánh kẻng báo động, kéo đến bao vây; hai bên xảy ra xô xát làm 3 người bị thương (tên Loan và Hánh ở Nga Thạch bị thương nặng). Sau sự việc này, tình hình trật tự trị an ở khu vực giáp ranh hai xã trở nên căng thẳng. Mâu thuẫn, hằn thù không còn bó hẹp trong phạm vi những người đấu thầu chợ mà đã lan rộng trong quần chúng nhân dân 2 xã.
Chiều 14/12/1989, đoàn cán bộ của Công an huyện và Viện kiểm sát gồm 12 đồng chí về xã Nga Thạch thực hiện lệnh bắt các tên Trần Văn Cao và Đoàn Văn Quyền. Trong khi đoàn làm nhiệm vụ, một số cán bộ cốt cán của địa phương đã cố ý cản trở, gây khó khăn. Một số tên quá khích đã đánh kẻng, kéo chuông báo động lôi kéo quần chúng ra bao vây trụ sở Ủy ban nhân dân xã. 17 giờ cùng ngày, đồng chí Phó Bí thư thường trực và Trưởng Công an huyện trực tiếp về Nga Thạch để giải quyết tình hình, đám đông dùng gạch đá ném bị thương. 12 đồng chí trong đoàn làm nhiệm vụ đã bị bắt giữ trong phòng kín, chúng bố trí lực lượng canh gác suốt ngày đêm từ ngày 14 đến 21/12. Trong thời gian bị bắt giữ, đoàn cán bộ luôn bị những phần tử quá khích chửi bới, lăng mạ và đe dọa tính mạng. Chính quyền xã Nga Thạch đã đứng đằng sau thao túng cho bọn tội phạm hoành hành bất chấp luật pháp và kỷ cương xã hội.
Triển khai các biện pháp công tác, chủ động nắm tình hình, ngày 27/11/1989, Công an huyện Nga Sơn đã ra lệnh khởi tố vụ án và khởi tố bị can; Viện Kiểm sát nhân dân huyện đã ký lệnh bắt 2 đối tượng Cao và Quyền về tội gây rối trật tự và cố ý gây thương tích. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Ban Nội chính và Giám đốc Công an tỉnh, chiều ngày 21/12/1989, tình hình Nga Thạch đã được giải quyết ổn định. Đảng ủy và chính quyền xã Nga Thạch đã tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết định cảnh cáo Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng ủy xã Nga Thạch, khai trừ khỏi Đảng đối với Bí thư và Phó Bí thư kiểm chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.
3. Giải quyết “điểm nóng” ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương
Xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương có 6500 nhân khẩu, là xã nông nghiệp thuần túy. Trước năm 1986, Quảng Lộc có nền kinh tế tương đối khá so với toàn huyện. Đảng bộ có 9 chi bộ, 265 đảng viên, năm 1986 được công nhận là Đảng bộ vững mạnh. Từ năm 1987 đến năm 1992, một số cán bộ địa phương có biểu hiện sai phạm trong lãnh đạo và quản lý kinh tế. Số đảng viên và quần chúng tích cực làm đơn tố cáo gửi đi các cấp yêu cầu điều tra làm rõ để xử lý.
Trước tình hình đó, Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện đã lập đoàn cán bộ thanh tra, kiểm tra về Quảng Lộc để làm rõ những khiếu kiện của quần chúng. Kết quả thanh tra cho thấy hầu hết số cán bộ chủ chốt của xã và hợp tác xã có tham ô, lợi dụng công quỹ, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc quản lý kinh tế (tham ô 20 triệu đồng, 30 tấn thóc, 10 tấn phân đạm, 5 tấn thịt lợn). Huyện đã ra quyết định khai trừ ra khỏi Đảng Chủ tịch và Chủ nhiệm hợp tác xã. Tỉnh ủy cũng đã ra Thông báo số 156/TB-TU ngày 27/12/1990 khẳng định sự đứng đắn trong đấu tranh chống tham nhũng của quần chúng và giao nhiệm vụ cho huyện Quảng Xương kiện toàn bộ máy cấp ủy, chính quyền ở xã Quảng Lộc.
Không bằng lòng với kết quả thanh tra và xử lý của huyện, Hà Văn Ninh - đảng viên, Phó Giám đốc xí nghiệp đá hoa Ninh Bình về hưu đã kích động, lôi kéo số đảng viên và quần chúng nói trên tiếp tục đấu tranh. Họ đến từng gia đình vận động quyên góp tiền làm lộ phí để cử người đi lên tỉnh, Trung ương khiếu kiện.
Ngày 15/01/1991, 2 đồng chí cán bộ Huyện ủy xuống chỉ đạo Đại hội chi bộ 1 của xã Quảng Lộc, Hà Văn Ninh cùng một số đảng viên, quần chúng tiêu cực đến gây rối trật tự bắt 2 cán bộ huyện về Hội trường Ủy ban khiến Đại hội không tiến hành được.
Ngày 10/4/1991, Đảng bộ xã Đại hội, số cầm đầu “Chống tham nhũng” mệnh danh là “Phái phong trào” không có chân trong Đảng ủy mới nên họ càng tích cực kích động quần chúng không chấp hành sự lãnh đạo của Đảng ủy và Hội đồng nhân dân xã. Đồng chí Long cán bộ Công an huyện về xã công tác đã bị họ bắt giữ.
Ngày 03/9/1991, trong lúc Hội đồng nhân dân xã đang họp, một số phần tử trong “Phái phong trào” đã đến lăng mạ hành hung đại biểu, giật xe khẩu hiệu, biên bản, đập phá bàn chỉ tọa làm cuộc họp phải bỏ dở.
Ngày 12/9/1991, những người trong “Phái phong trào” đã thành lập “Mặt trận nhân dân chống tham nhũng” gồm 47 thành viên và ra tuyên cáo gửi tỉnh và huyện. Ủy ban nhân dân tỉnh đã có thông báo không công nhận tổ chức bất hợp pháp này.
Đầu năm 1992, “Phái phong trào” tự động tổ chức bầu trưởng phó các thôn, xóm. Đến tháng 4/1992 họ đã bầu được 8/9 xóm trong xã.
Ngày 20/4/1992, xảy ra vụ xô xát giữa những người trong “Phái phong trào” với một số quần chúng đội 3 và đội 4, trong đó có ông Lê Hữu Lại – nguyên chủ tịch xã bị cách chức làm 5 người bị thương. Tình hình an ninh trật tự càng trở nên phức tạp, nhân dân không yên tâm làm ăn. Một số anh em họ hàng ông Lại và một số cán bộ xã tham nhũng phải chạy sang các xã khác lưu trú.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành Nội chính và huyện Quảng Xương đã có nhiều cuộc họp bàn biện pháp giải quyết. Riêng lực lượng Công an (cả tỉnh và huyện) đã cử nhiều cán bộ xuống cơ sở, bám địa bàn, nắm chắc tình hình, nhất là hoạt động của số cầm đầu, thủ mưu. Trên cơ sở đó đề xuất nhiều biện pháp răn đe, giáo dục, kìm chế những nảy sinh phức tạp. Đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từng bước giải quyết ổn định tình hình.
Ngày 16/5/1992, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Quảng Xương thành lập đoàn công tác do đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy làm Trưởng đoàn (có sự tham gia của Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) về Quảng Lộc để phát động phong trào quần chúng củng cố tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, lập lạo trật tự kỷ cương. Trong thời gian đoàn cán bộ làm việc, những người thuộc “Phái phong trào” lại tổ chức bầu Ban quản trị hợp tác xã gồm 5 người và lập ra 10 điều quy ước an ninh trật tự của xã trong đó có lệnh giới nghiêm từ 21 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Đồng thời lôi kéo quần chúng gây khó khăn, tẩy chay đoàn công tác.
16 giờ ngày 28/5/1992, “Phái phong trào” đã tụ tập 25 người là những phần tử tiêu cực, bất mãn đến nhà Nguyễn Văn Ong đội 5 để bàn kế hoạch chống phá cuộc họp Hội đồng nhân dân xã dự định tổ chức vào ngày 30/5/1992. Xét thấy dây là một cuộc họp bất hợp pháp nên Công an huyện Quảng Xương và lực lượng vũ trang tăng cường đã bắt giữ 25 đối tượng phạm pháp quả tang (có 18 đảng viên) sau đó bắt tiếp 21 đối tượng thuộc loại lưu manh côn đồ chống người thi hành công vụ. Một số phần tử xấu và thân nhân số bị bắt đã hành hung bị thương nhẹ 5 đồng chí (4 đồng chí Công an, 1 đồng chí bộ đội), cướp 4 súng nhưng nhanh chóng bị lực lượng Công an khống chế thu lại ngay.
Ngày 29/5/1992, Thủ trưởng cơ quan điều tra đã ký quyết định khởi tổ vụ án hình sự số 134 về tội gây rối an ninh theo điều 83 Bộ luật hình sự và khởi tố bị can, ra lệnh bắt giam 23 tên phạm tội gây rối an ninh trật tự.
4. Giải quyết “điểm nóng” ở thôn Cộng Hòa, xã Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn
Thôn Cộng Hòa, xã Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn là địa phương vốn có truyền thống cách mạng. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân địa phương đã tích cực đóng góp sức người, sức của phục vụ tiền tuyến và xây dựng quê hương. Nhưng vào đầu năm 1989, một số quần chúng nhân dân thôn Cộng Hòa đã gửi đơn lên các cấp chính quyền khiếu kiện một số cán bộ quản lý hợp tác xã và chính quyền xã tham ô tài sản tập thể, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân lao động. Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Triệu Sơn đã tiến hành thanh tra kết luận và xử lý số cán bộ sai phạm ở xã nhưng quần chúng nhân dân trong đó có Đinh Văn Ngãi cán bộ quân đội về hưu tại địa phương không đồng ý với kết luận của huyện nên tiếp tục lôi kéo, kích động một số người đi khiếu kiện. Tháng 3/1989, xã tổ chức bầu lại cán bộ đội sản xuất nhưng 2 đội 7 và 8 của thôn Cộng Hòa không chấp hành chủ trương trên, tự động tách khỏi sự lãnh đạo của chính quyền địa phương. Nghiêm trọng hơn tất cả các hộ trong thôn không chịu nộp thuế nông nghiệp cho Nhà nước.
Ngày 24/02/1989, hợp tác xã Thọ Ngọc ký hợp đồng cho 8 gia đình xã viên đấu thầu 12 héc ta ao hồ để nuôi cá trong thời hạn 5 năm. Ông Lạc và những gia đình trúng thầu đã bỏ ra 2.210.000 đồng mua cá giống thả xuống hồ. Tối ngày 30/3/1989, Lê Văn Màn và Lê Văn Bày đã đánh kẻng triệu tập bà con xã viên đội 7 và 8 họp bàn phá hồ cá. Tại cuộc họp này, tên Bày tuyên bố hồ của cha ông ta, không chi kẻ nào đấu thầu, chúng làm thì ta phá.
Sáng ngày 31/3/1989, tên Màn đã cho người đánh kẻng tập hợp quần chúng đội 7 và 8 mang cuốc xẻng ra phá hồ cá. Trước tình hình ấy, ngày 18/4/1989, Huyện ủy Triệu Sơn đã cử đồng chí Đoàn Văn Nẫm - Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban kiểm tra về xã Thọ Ngọc dể chỉ đạo địa phương giải quyết mâu thuẫn ổn định tình hình. Khi đồng chí Nẫm xuống thôn Cộng Hòa để làm nhiệm vụ thì các tên Lê Văn Màn, Lê Văn Bày, Đoàn Văn Đáng đã kích động quần chúng bắt giữ và lăng nhục đồng chí Nẫm. Bọn chúng còn lập biên bản ép đồng chí Nẫm ký vào theo yêu sách của chúng.
Ngày 20/4/1989, Công an huyện Triệu Sơn đã quyết định khởi tố vụ án hình sự và triệu tập một số đối tượng liên quan đến cơ quan Công an để làm việc nhưng bọn chúng không chấp hành.
Sáng ngày 30/4/1989, Công an huyện cùng Viện kiểm sát nhân dân cử cán bộ xuống thôn Cộng Hòa để tống đạt các quyết định khởi tố bị can cho một số đối tượng trong vụ án. Khi đến nhà Lê Văn Bày đã chống đối và kích động số phần tử xấu bao vây bắt giữ 11 cán bộ đang thực thi nhiệm vụ (đến 19 giờ cùng ngày chúng mới thả).
Ngày 01/7/1989, được sự phối hợp của Công an tỉnh, đoàn cán bộ của Công an và Kiểm sát nhân dân huyện Triệu Sơn tiếp tục đến Cộng Hòa để thực hiện lệnh bắt các đối tượng Lê Văn Màn, Lê Văn Bày, Đoàn Văn Đáng, Đinh Văn Hải. Khi đoàn cán bộ đến nhà, tên Màn đã hành hung chống lại, buộc đoàn cán bộ phải dùng biện pháp cưỡng chế. Lợi dụng tình hình đó những người quá khích đã xông vào hành hung, cướp vũ khí và phương tiện làm việc của đoàn cán bộ, làm 2 đồng chí cán bộ Công an huyện bị thương. Để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, đoàn cán bộ đã tạm thời rút khỏi thôn Cộng Hòa. Khi biết một số cán bộ của Công an và Viện kiểm sát huyện đang làm việc tại nhà đồng chí Nê - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, các tên Nguyễn Văn Huê, Nguyễn Anh Dũng, Đinh Văn Năm đã xông vào đe dọa, đập phá nhà đồng chí Nê, buộc 4 đồng chí Lê Đình Cận, Lê Hữu Tiến, Lê Văn Cớn và Nguyễn Quang Vinh phải ra khỏi nhà để chúng bắt giữ.
Ngày 02/7/1989, bọn này đã tổ chức họp tại nhà tên Đáng để bàn bạc cách đối phó, bố trí lực lượng canh giữ những người bị bắt, đặt trạm gác khắp các đường trong thôn, xét hỏi giấy tờ những người qua lại. Trong suốt 33 ngày (từ ngày 01/7 đến ngày 03/8/1989), Lê Văn Bày và đồng bọn đã bất chấp pháp luật, đạo lý, dùng mọi thủ đoạn, hành vi đánh đập dã man, nhục hình số cán bộ đang bị chúng bắt giữ, kích động quần chúng chống đối chính quyền, làm cho tình hình trở nên phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân, gây dư luận xấu ở địa phương.
Để giải quyết tình hình trên, Công an tỉnh đã cử 100 lượt cán bộ, chiến sĩ, cùng với Công an huyện Triệu Sơn trực tiếp về thôn Cộng Hòa trong suốt thời gian 3 tháng để làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân hiểu rõ và chấp hành luật pháp của Nhà nước, lên án những hành vi lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật. Đồng thời thuyết phục, tác động số đối tượng trong vụ án thấy rõ sai phạm, tự giác chấp hành luật pháp, ra đầu thú. Sau một thời gian kiên trì áp dụng các biện pháp công tác, từ ngày 07 đến 20/10/1992, các tên Lê Văn Bày, Lê Văn Màn, Đoàn Văn Đáng và một số tên cầm đầu khác đã lần lượt bị bắt.
5. Giải quyết “điểm nóng” ở thôn Bùi, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc
Đầu năm 1992, quần chúng nhân dân thôn Bùi, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc phát hiện một số cán bộ địa phương có biểu hiện bất minh về kinh tế. Lợi dụng tình hình đó, tối ngày 30/1/1992, trong khi đang tiến hành đại hội xã viên, các tên: Phạm Lê, Hoàng Ngọc Tráng, Hoàng Dy Hằng đã công khai lăng mạ những người lãnh đạo địa phương và có hành động gây rối trật tự. Tiếp đó tối ngày 11/2/1992, trong cuộc họp chi bộ thôn Bùi, số người này tiếp tục gây rối làm cuộc họp không tiến hành được.
Để ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương, ngày 13/02/1992, đoàn cán bộ của Công an huyện Hậu Lộc về thôn Bùi thi hành lệnh bắt các tên Phạm Lê, Hoàng Dy Hằng nhưng đã bị số này chống đối và kích động một bộ phận quần chúng tiêu cực bắt giữ đoàn cán bộ. Tình hình an ninh trật tự ở thôn Bùi trở nên phức tạp, sản xuất và các phong trào khác ở địa phương trì trệ, đời sống nhân dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Tháng 3/1992, Công an Thanh Hóa đã khởi tố vụ án nhưng do tình hình quá phức tạp nên chưa giải quyết dứt điểm được. Cuối năm 1993, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, sau một thời gian ngắn các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền ở thôn Tiến Lộc đã được kiện toàn vững chắc. Các vụ việc tiêu cực đã được làm sáng tỏ, xử lý nghiêm minh. Tình hình an ninh trật tự ở thôn Bùi đã bình yên trở lại. Những kẻ cố tình vi phạm pháp luật đã bị xử lý thích đáng.
Từ thực tiễn giải quyết “điểm nóng” của Công an tỉnh Thanh Hóa đã được Bộ Công an tổng kết xây dựng thành quy trình giải quyết “điểm nóng’ chung trong cả nước.
Nguồn sách “Lịch sử biên niên Công an nhân dân Thanh Hóa (5/1975 - 6/1996)”