Lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Công an Thanh Hóa - 65 năm thầm lặng những chiến công

Cách đây 65 năm, ngày 27/3/1957, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã ký Quyết định số 530 thành lập Phòng Hồ sơ thuộc Văn phòng Bộ Công an. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời và phát triển của lực lượng Hồ sơ CAND. Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với lực lượng Hồ sơ Công an cả nước, lực lượng Hồ sơ Công an Thanh Hóa đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao…

Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, lực lượng Cảnh sát xung phong Thanh Hoá chính thức được thành lập. Cùng với các lực lượng nghiệp vụ khác, công tác hồ sơ nghiệp vụ cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ty Công an Thanh Hoá lúc bấy giờ.

Tháng 4/1958, thực hiện quyết định của Bộ Công an, Ty Công an Thanh Hóa đã chính thức thành lập Tổ hồ sơ thuộc Văn phòng Ty. Tuy mới được thành lập, lực lượng mỏng, nghiệp vụ giản đơn, trang bị phương tiện còn thiếu thốn, nhưng với lòng nhiệt tình cách mạng; sự tận tâm, tận tụy, trách nhiệm đối với công việc, lực lượng Hồ sơ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với việc vận chuyển, thu hồi và bảo vệ an toàn tuyệt đối hàng trăm tấn hồ sơ, tài liệu nghiệp vụ, lực lượng hồ sơ đã tra cứu và khai thác kịp thời các thông tin, tài liệu, hồ sơ giúp các đơn vị, lực lượng nghiệp vụ điều tra, bóc gỡ hàng chục vụ án gián điệp, phản động, đập tan nhiều âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch và các tổ chức phản động, tay sai của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. 

Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh luôn chú trọng làm tốt công tác giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị tư tưởng cho CBCS

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực hiện chủ trương của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), tháng 11/1977, Ty Công an Thanh Hóa đã ra Quyết định thành lập Phòng Hồ sơ nghiệp vụ. Đây dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Hồ sơ, đồng thời cũng xác định rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hồ sơ trong công tác Công an nói chung, công tác bảo đảm ANTT nói riêng.  

Đồng chí Lê Hữu Chính, nguyên Phó Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ (giai đoạn 1992 - 2014) cho biết: Thời kỳ đầu, cán bộ làm công tác hồ sơ vô cùng khó khăn, 1 tổ chỉ có 3 người; tất cả phương tiện, hồ sơ chưa có nơi để lưu trữ, nhiều lúc phải đựng hồ sơ vào bồ, vào thúng nhưng yêu cầu phải bảo mật rất cao nên gần như cán bộ làm công tác hồ sơ phải thay phiên nhau canh giữ ngày đêm; các phương tiện để phục vụ công tác đọc tài liệu, tra cứu, tra tìm cũng chưa có. Vượt qua mọi khó khăn, vất vả đó, các cán bộ làm công tác hồ sơ đều giữ vững sự trung thành với Đảng, với Nhà nước và Nhân dân, làm việc tận tụy như con ông chăm chỉ góp phần hỗ trợ, thầm lặng góp chiến công vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm ANTT, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Tuy không trực tiếp đấu tranh với tội phạm nhưng trong từng chuyên án, vụ án được các đơn vị nghiệp vụ điều tra, làm rõ đều có sự hi sinh, cống hiến thâm lặng của những chiến sĩ hồ sơ. Sau khi được thành lập, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mình, Phòng Hồ sơ đã nhanh chóng củng cố, kiện toàn mô hình tổ chức, biên chế, tích cực tham mưu cho lãnh đạo Ty Công an Thanh Hóa nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hồ sơ nghiệp vụ, phục vụ đắc lực cho công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh. 

Tháng 8/1988, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Công an trong tình hình mới, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ được tách ra thành 2 tổ gồm: Tổ Hồ sơ An ninh thuộc Ban Chỉ huy An ninh và Tổ Hồ sơ Cảnh sát được nhập thêm tàng thư chứng minh nhân dân và tàng thư căn cước can phạm để thành lập Phòng hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát. Đến tháng 4/1992, thực hiện Chỉ thị số 01 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Tổ Hồ sơ An ninh được nhập về Phòng hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát để thành lập Phòng Hồ sơ nghiệp vụ. Mặc dù trải qua nhiều tên gọi khác nhau, song dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, các thế hệ lãnh đạo và CBCS làm công tác hồ sơ Công an tỉnh cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh và sự tận tâm, tận tụy với công việc, thầm lặng vượt qua mọi khó khăn, thử thách phục vụ tốt mọi yêu cầu tra cứu của các lực lượng nghiệp vụ, góp phần vào thành tích chiến công chung của lực lượng Công an Thanh Hóa.

CBCS Phòng Hồ sơ nghiệp vụ kiểm tra hệ thống hồ sơ lưu trữ tại đơn vị

Trên lĩnh vực bảo vệ An ninh quốc gia, từ khi thành lập đến nay, lực lượng hồ sơ đã tổ chức bảo quản, khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại hồ sơ từ chế độ cũ để lại, qua đó đã giúp các đơn vị nghiệp vụ phát hiện, bóc gỡ và vô hiệu hóa nhiều mạng lưới phản động, cơ sở do địch cài cắm lại. Điển hình như: năm 1962, lực lượng hồ sơ đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng, giúp Ban chuyên án T263 đấu tranh triệt xóa tổ chức phản động “Đảng cách mạng quốc gia” do Lường Mạnh Huân cầm đầu; bắt giữ toàn bộ những tên cầm đầu, cốt cán của tổ chức phản động, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật có liên quan đến hoạt động phản cách mạng. Năm 1984 đã phối hợp lập chuyên LH85 đấu tranh triệt phá tổ chức phản động "Mặt trận cách mạng chân chính" do Lường Quang Hoà (con trai Lường Mạnh Huân) cầm đầu, góp phần làm tan rã các tổ chức phản động và nâng cao tinh thần cảnh giác cho Nhân dân.

Không chỉ phục vụ có hiệu quả cho công tác đấu tranh chuyên án, qua công tác quản lý, khai thác, bổ sung hồ sơ, tài liệu nghiệp vụ, lực lượng hồ sơ đã góp phần quan trong trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước. Đặc biệt, trong các kỳ đại hội Đảng, các cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, lực lượng Hồ sơ đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tra cứu hàng chục vạn lượt yêu cầu về công tác nhân sự; phát hiện và cung cấp nhiều thông tin, tài liệu về những trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định... góp phần vào thành công chung của các kỳ Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, không để cho các thế lực phản động lợi dụng chống phá.

Trên lĩnh vực giữ gìn trật tự an toàn xã hội, lực lượng hồ sơ nói chung, hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát nói riêng đã không ngừng được củng cố, kiện toàn. Công tác lập, đăng ký, quản lý hồ sơ đều được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Chất lượng hồ sơ nộp lưu ngày càng được nâng cao, nhiều tài liệu có giá trị phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Trung bình mỗi năm, số hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát đăng ký hiện hành hơn 16 nghìn hồ sơ, đăng ký lưu trữ gần 10 nghìn hồ sơ. Đặc biệt, trong những năm gần đầy, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác hồ sơ, trong đó đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm thông tin tội phạm; hệ thống nhận dạng vân tay tự động Vafis. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm xác định đối tượng gây án thông qua dấu vết vân tay thu được tại hiện trường. Bên cạnh đó, lực lượng hồ sơ đã thường xuyên phối hợp, trao đổi, thu thập thông tin, đồng thời mỗi năm tiếp nhận và giải quyết hàng nghìn lượt yêu cầu nghiệp vụ của các đơn vị trong và ngoài tỉnh, góp phần điều tra, khám phá nhanh nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. 

Thượng tá Nguyễn Văn Xiêm, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh cho biết: Đơn vị chúng tôi thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với Phòng hồ sơ nghiệp vụ trong việc lập đăng ký quản lý khai thác và sử dụng tài liệu, phục vụ tốt cho công tác phòng chống tội phạm. Hằng năm phòng hồ sơ nghiệp vụ cũng luôn luôn quan tâm đến công tác hồ sơ tại các đơn vị cơ sở, đặc biệt là tập huấn công tác hồ sơ, hướng dẫn công tác nghiệp vụ để nâng cao nhận thức cũng như trình độ chuyên môn nghiệp vụ trên lĩnh vực hồ sơ nghiệp vụ cho cán bộ chiến sĩ tại đơn vị cơ sở. Chính vì vậy trong những năm qua chất lượng công tác hồ sơ nghiệp vụ tại đơn vị đã nâng lên một cách rõ rệt, phục vụ đắc lực cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên lĩnh vực môi trường.

CBCS phòng Hồ sơ nghiệp vụ hướng dẫn Công an cấc đơn vị làm tốt công tác hồ sơ, phục vụ đắc lực cho công tác chuyên môn

Không chỉ phục vụ đắc lực cho công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an, lực lượng hồ sơ còn cung cấp nhiều thông tin quan trọng để chứng minh, giải tỏa nhiều băn khoăn, vướng mắc của Nhân dân về chế độ chính sách, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, tìm thân nhân cho gia đình có người bị lưu lạc. Điển hình như năm 2012, thông qua chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, ông Nguyễn Ngọc Ân, Việt Kiều Mỹ đã nhờ tìm người anh ruột có thời gian công tác tại Thanh Hóa. Yêu cầu tìm kiếm của ông Ân đã được chuyển cho Phòng Hồ sơ Công an Thanh Hóa xác minh, tìm kiếm. Qua tra cứu tàng thư, đã tìm được tờ khai, chỉ bản của ông Nguyễn Tân An có lai lịch giống với yêu cầu. Sau khi phối hợp với Cảnh sát khu vực nơi ông An thường trú và trao đổi với gia đình, kết luận những thông tin về lai lịch gia đình ông An hoàn toàn trùng khớp với thông tin trên tờ khai, chỉ bản và thông tin trong đơn của ông Nguyễn Ngọc Ân. Từ đó, mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho ông Ân khi thực hiện được tâm nguyện cuối đời là được gặp lại người anh trai ruột của mình.

Phát huy những thành tích đạt được, từ năm 2020 đến nay, thực hiện các Chỉ thị và Thông tư của Bộ Công an về công tác hồ sơ, Phòng Hồ sơ đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh xây dựng và ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm quy trình, quy định, chế độ công tác hồ sơ an ninh, cảnh sát; gắn chế độ công tác hồ sơ với thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, điều tra xử lý tội phạm, thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Tiếp tục phát huy hiệu quả việc tra cứu “Một cửa” trong cung cấp thông tin, trả lời các yêu cầu của các đơn vị nghiệp vụ cũng như các yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, công dân, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, đầy đủ; không gây phiền hà, sách nhiễu.

Cùng với đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hồ sơ, Phòng Hồ sơ đã tham mưu, phối hợp và tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác hồ sơ nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hồ sơ của các đơn vị Công an trong tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện chế độ công tác hồ sơ, thống kê nghiệp vụ theo phương châm “Hướng dẫn sâu, kiểm tra kỹ, xây dựng cơ quan hồ sơ hiện đại”... Qua đó đã tạo bước chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định về công tác lập, đăng ký, quản lý, sử dụng, kết thúc nộp lưu hồ sơ tại các đơn vị. 

Có thể khẳng định: Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt. Từ chỗ chỉ là một bộ phận thuộc Văn phòng Công an tỉnh, đến nay lực lượng Hồ sơ đã có một đơn vị cấp phòng với 3 đội nghiệp vụ công tác chuyên sâu. Tại các phòng nghiệp vụ An ninh, Cảnh sát và ở Công an cấp huyện đều có cán bộ hồ sơ bán chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. 

Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Công an Thanh Hoá cũng đều có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đảm bảo ANTT, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Với những thành tích đạt được, lực lượng hồ sơ Công an tỉnh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý; hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân, huy chương, Bằng khen, giấy khen; một đồng chí đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn lực lượng.

65 năm một chặng đường vẻ vang, nhìn lại quá khứ để phấn khởi, tự hào, để nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm; để siết chặt đội ngũ, thống nhất ý chí và hành động, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đó là tâm niệm, cũng là lời hứa của lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Công an Thanh Hóa hôm nay, nguyện ra sức thi đua lập công xuất sắc, ghi thêm nhiều thành tích, chiến công mới góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Công an Thanh Hóa Anh hùng./.

Tác giả: Minh Phương
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu