Gần 3 tỷ đồng với 32 khách hàng được vay vốn là những người đã chấp hành xong án phạt tù. Đó là những nỗ lực không nhỏ của các cấp, các ngành của thị xã Nghi Sơn nhằm hỗ trợ những người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng.
Song hành cùng với các mô hình tái hòa nhập cộng đồng ở địa phương, thời gian qua, thực hiện chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Công an thị xã Nghi Sơn và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã đã phối hợp triển khai, giúp đối tượng được vay vốn nhanh chóng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp chấp hành xong án phạt trở về địa phương đều mong muốn có công ăn việc làm, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, một trong những trở ngại mà họ thường gặp đó là cơ hội tìm kiếm việc làm, thiếu vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ra đời đã tiếp thêm động lực, mở ra cơ hội tái hòa nhập cộng đồng cho họ. Đây là chính sách mang tính nhân văn rất cao của Đảng và Nhà nước, thể hiện rất rõ phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhất là đối với các đối tượng ở thế yếu trong xã hội hiện nay, là những người chấp hành xong án phạt tù, đang khát khao được quay trở lại tái hòa nhập với cộng đồng, làm lại cuộc đời sau những sai lầm, vấp ngã trong quá khứ.
Như trường hợp của anh Lê Văn Sơn, sinh năm 1994 hiện đang là chủ một cơ sở kinh doanh vận tải ở xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn. Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó, khi bước vào tuổi 18, do bản thân còn bồng bột, thiếu hiểu biết, lại bị bạn bè xấu lôi kéo, rủ rê nên anh Lê Văn Sơn đã vướng vào vòng lao lý, bị kết án 24 tháng tù giam về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Ngày mới ra tù, với quyết tâm hoàn lương, làm lại cuộc đời, phụ giúp cha mẹ để chuộc lại lỗi lầm của những năm tháng tuổi trẻ nhưng tôi không nghĩ đây lại là khoảng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời mình. Những ánh mắt kì thị của những người xung quanh chỉ xem tôi như một người lầm lỗi và không chấp nhận tôi ở bất kỳ công việc nào. Đôi khi tôi cảm thấy gục ngã và không thể gượng dậy được, có lúc bế tắc định quay lại con đường phạm tội vì không có con đường, công việc nào khác để lựa chọn và bám víu – anh Sơn ngậm ngùi chia sẻ.
Trong lúc khó khăn ấy, anh Sơn may mắn được cấp ủy, chính quyền và lực lượng Công an thị xã Nghi Sơn quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ anh trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Với quyết tâm hoàn lương, anh đã đăng ký lớp học lái xe ô tô, sau đó được mọi người tin tưởng ủng hộ, giúp đỡ và giới thiệu để được vay vốn kinh doanh tại Ngân hàng chính sách xã hội của thị xã Nghi Sơn.
Với những sự giúp đỡ đó, năm 2021, anh Sơn đã đứng ra thành lập doanh nghiệp vận tải. Cho đến thời điểm này, cuộc sống của anh đã dần ổn định, có thể giúp đỡ được bố mẹ và tạo công ăn việc làm cho 12 người khác. Được biết, hiện nay, trên địa bàn thị xã Nghi Sơn có 286 người chấp hành xong án phạt tù đang sinh sống, làm việc và cư trú tại địa phương, tham gia nhiều ngành nghề khác nhau, như: sản xuất nông, lâm ngư nghiệp, công nhân, v.v…Để tạo điều kiện tốt nhất cho người lầm lỗi khi trở về địa phương được tiếp tục vươn lên, có nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, Công an thị xã Nghi Sơn đã cùng ban, ngành, đoàn thể địa phương xuống tận nơi thăm hỏi, động viên các trường hợp hoàn lương có nhu cầu vay vốn. Đồng thời lập danh sách phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thẩm định, xét duyệt các trường hợp đủ điều kiện.
Hiện trên địa bàn thị xã có 32 người là người lầm lỗi được vay vốn sản xuất với số tiền gần 3 tỷ đồng. Điều đáng mừng là nguồn vốn vay này được sử dụng đúng mục đích, dần phát huy hiệu quả. Việc người chấp hành xong án phạt tù được tạo điều kiện vay vốn, có việc làm, ổn định cuộc sống đã góp phần làm giảm tỷ lệ phạm tội (ở mức 1-1,5%), góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn.
Mong muốn chính sách nhân văn này tiếp tục lan tỏa và thực hiện hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo, Công an thị xã Nghi Sơn tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với Ngân hàng Chính sách xã hội, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, thống nhất phương pháp thực hiện, tiến tới đơn giản thủ tục để nguồn vốn nhanh chóng đến tay người vay, giúp họ có điều kiện vươn lên, vững bước trên hành trình tái hòa nhập cộng đồng./.