Phường Hải Ninh ra mắt mô hình "Tuyên truyền công tác phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật gắn với ứng dụng tiện ích VneID"
Ngày đăng: 03/12/2023 - 12:34
Sáng 02/12/2023, Ban Chỉ đạo ANTT phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn tổ chức Lễ ra mắt mô hình "Tuyên truyền công tác phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật gắn với ứng dụng tiện ích VneID". Đại tá Phùng Xuân Tiến, Phó Giám đốc Công an tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ ra mắt...
Phường Hải Ninh nằm ở phía Bắc thị xã Nghi Sơn. Đây là một trong những địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về ANTT, nhất là tình hình trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật hoặc có nguy cơ làm trái pháp luật có nhiều diễn biến phức tạp. Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn phường có 2.463 công dân trong độ tuổi từ 10 - 18 tuổi; có Trường THPT Tĩnh Gia 2 với khoảng 1.375 học sinh trong độ tuổi từ 14 - 18 tuổi thuộc 12 xã, phường của thị xã Nghi Sơn.
Bên cạnh những yếu tố tiềm ẩn phức tạp về ANTT, tình hình trật tự ATGT, trật tự công cộng tại cổng trường vào các khung giờ cao điểm cũng diễn biến phức tạp. Tình trạng học sinh tham gia giao thông dàn hàng ngang, điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe điện không đội mũ bảo hiểm, chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, dừng, đỗ xe tràn lan gây cản trở, ùn tắc giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh do ham chơi, đua đòi, bị ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng, thích hưởng thụ, ăn chơi sa đà vào con đường hư hỏng, thậm chí là rủ rê bạn bè cùng tham gia… Đây là những nguyên nhân tiềm ẩn gây mất ANTT trên địa bàn.
Xuất phát từ thực tế trên, Công an phường Hải Ninh đã tham mưu cấp ủy,chính quyền ban hành Nghị quyết xây dựng mô hình "Tuyên truyền công tác phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật gắn với ứng dụng tiện ích VneID". Mục tiêu của mô hình này là: Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sức mạnh đoàn kết của toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, các tổ chức đoàn thể và các cơ quan, đơn vị, trong đó lực lượng Công an, dân quân tự vệ, tổ bảo vệ dân phố, đoàn thanh niên đóng vai trò nòng cốt trong công tác bảo đảm ANTT. Đồng thời phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng các mô hình tự phòng, tự quản về ANTT, trong đó phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi, thanh, thiếu niên hư có nguy cơ phạm tội và vi phạm pháp luật cao. Chú trọng và đề cao vai trò, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp Nhân dân; tăng cường công tác phối hợp nắm chắc tình hình ANTT liên quan đến học sinh, trẻ em, người chưa thành niên; tuyên truyền, hướng dẫn quần chúng nhân dân trong việc sử dụng tiện ích của ứng dụng VneID, mạng xã hội.... trong công tác nắm tình hình, phối hợp quản lý, giáo dục, phòng ngừa học sinh, trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Để mô hình phát huy hiệu quả tích cực, Ban Chỉ đạo ANTT phường Hải Ninh đã đề ra 2 giải pháp trọng tâm đó là: Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng nhân dân trong xây dựng và duy trì hoạt động của mô hình, trong đó Đảng ủy phường trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về mọi mặt; UBND phường có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện và duy trì, điều hành hoạt động của mô hình, lực lượng Công an là nòng cốt. Đồng thời gắn hoạt động của mô hình với triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của chính quyền, cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể. Thông qua mô hình để thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển bền vững và ngày càng sâu rộng, thực chất.
Ban Chỉ đạo ANTT phường Hải Ninh đã thành lập tổ mô hình tại 13 tổ dân phố để tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, quy định của địa phương về phòng ngừa trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật; phương thức, thủ đoạn mà các loại tội phạm thường sử dụng để lôi kéo, dụ dỗ, kích động trẻ em, người chưa thành niên thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; các kỹ năng tự phòng chống, tự bảo vệ của trẻ em; các phương thức báo tin nhanh nhất cho lực lượng Công an và kỹ năng, quy trình tham gia giải quyết các tình huống thực tế có thể xảy ra khi trẻ em, người chưa thành niên thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; Tuyên truyền các tiện tích của ứng dụng VneID trong chia sẻ, kết nối thông tin, hướng dẫn, vận động học sinh nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật; sử dụng tiện ích “Tin báo” của ứng dụng VNeID để tố giác, báo tin cho lực lượng Công an khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em, người chưa thành niên và các hành vi xâm hại trẻ em, người chưa thành niên.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ ra mắt mô hình, Đại tá Phùng Xuân Tiến, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: Thời gian qua tình trạng trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật diễn biến rất phức tạp. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh đã lựa chọn 4 địa bàn cấp xã để thành lập mô hình điểm gồm: Phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn; phường Đông Sơn, TP.Thanh Hóa; thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân và xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn.
Mục tiêu của việc thành lập mô hình là nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tiện ích của VneID, sổ liên lạc điện tử, các APP, nền tảng mạng xã hội trong việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa lực lượng Công an cơ sở với gia đình, nhà trường và cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác nắm tình hình, phối hợp quản lý, giáo dục, phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Phấn đấu đến tháng 9/2024 (sơ kết 01 năm thực hiện mô hình) phải giảm ít nhất 50% số thanh, thiếu niên hư trên địa bàn xã, phường, thị trấn; giảm ít nhất 50% số vụ vi phạm pháp luật do trẻ em, người chưa thành niên gây ra so với năm 2023.
Để mô hình thực sự phát huy hiệu quả, Đại tá Phùng Xuân Tiến, Phó Giám đốc Công an tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo ANTT phường Hải Ninh cần xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp, trong đó, việc tuyên truyền cần có sự tương tác 2 chiều, trực quan, sinh động, dễ hiểu để phù hợp với lứa tuổi thanh, thiếu niên. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi gia đình phải có trách nhiệm quan tâm giáo dục đạo đức, văn hóa, lối sống cho các em ngay từ khi còn nhỏ để các em có kiến thức pháp luật, có nhận thức đúng đắn và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.
“Để mô hình hoạt động có hiệu quả, tránh hình thức, Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình cần xây dựng chế độ họp, giao ban định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất để kịp thời trao đổi, nắm bắt thông tin tình hình tư tưởng, các dấu hiệu vi phạm của trẻ em, người chưa thành niên, từ đó kịp thời giáo dục, uốn nắn…” đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh.
Riêng đối với lực lượng Công an cần thường xuyên làm tốt công tác điều tra cơ bản, tiến hành quản lý, gọi hỏi, răn đe và cảm hóa giáo dục các thanh, thiếu niên hư trên địa bàn. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các hệ, loại đối tượng trên địa bàn, nhất là các đối tượng hình sự và tệ nạn xã hội, không để các đối tượng mua chuộc, lôi kéo, kích động, xúi giục, ép buộc, khống chế trẻ em, người trên địa bàn vi phạm pháp luật.