A- A A+ |

Chủ động phòng, chống đuối nước trẻ em mùa nắng nóng

Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 19 vụ tai nạn đuối nước, làm 22 người chết. Những vụ đuối nước này xảy ra liên tiếp, gây hậu quả nghiêm trọng, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tai nạn đuối nước mùa nắng nóng...

Với địa bàn rộng, địa hình phức tạp, mật độ sông, suối, ao hồ tương đối dày đặc, hàng năm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra hàng chục vụ đuối nước thương tâm gây thiệt hại về người và để lại nỗi đau khôn nguôi, sự day dứt, ám ảnh cho gia đình các nạn nhân.

Nguyên nhân của thực trạng trên, trước hết là do nhận thức, hiểu biết chung của gia đình và cộng đồng về phòng chống tai nạn đuối nước còn chưa cao. Điều này không chỉ phổ biến ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả các vùng thành thị. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đuối nước là 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Tuy nhiên, nhận thức chung của người dân và toàn xã hội về vấn đề này vẫn còn hạn chế và rất chủ quan. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ em còn thiếu kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước. Sự quan tâm, giám sát không đầy đủ của người lớn cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ đuối nước cao ở trẻ em. 

Tuyên truyền kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước trong dịp hè cho trẻ em

Một nguyên nhân khác xuất phát từ chính đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em thường hiếu động, ham vui, thích rủ nhau đi tắm biển, sông, suối, hồ… trong khi các em lại không biết bơi, thể lực còn yếu, không có kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Trong khi đó môi trường sống xung quanh trẻ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, hệ thống sông ngòi, ao, hồ chằng chịt; nhiều ngôi nhà, trường học gần sông ngòi, ao, hồ không có rào chắn, nhiều hố nước sâu ở khu vực sản xuất, tại các lò gạch, các khu vực khai thác đá, cát… rất nguy hiểm. 

Trước thực trạng trên, để chủ động phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn đuối nước có thể xảy ra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu và phối hợp triển khai các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng phòng ngừa đuối nước đối với trẻ em. Theo đó, Công an các cấp đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn các kỹ năng, biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em. Trong đó chú trọng các hình thức tuyên truyền miệng, trên hệ thống loa truyền thanh, mạng xã hội Zalo, Facebook phối hợp với đoàn thanh niên các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn và hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống đuối nước tại các nhà trường; treo băng rôn, khẩu hiệu, phát hơn 14 nghìn tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống đuối nước trẻ em. 

Ra mắt công trình phao cứu sinh phòng chống đuối nước tại dọc khu vực đê Sông Mã

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an đã phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ các cấp, các Trung tâm huấn luyện kỹ năng sống tổ chức hướng dẫn 89 lớp kỹ năng bơi cứu nạn kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu... cho hơn 12 nghìn đối tượng là cán bộ làm công tác PCCC, CNCH và giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Công an các đơn vị đã phối hợp rà soát các điểm có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn, sự cố đuối nước và tích cực tham mưu, triển khai cắm biển cảnh báo, tăng cường tuần tra, kiểm soát ở những khu vực có nguy cơ gây đuối nước, làm rào chắn với ao, hồ tại cộng đồng dân cư, công trình công cộng.

Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình cần nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng ngừa. Trong đó cần chú trọng một số vấn đề sau: (1) Khuyến cáo, động viên những người chưa biết bơi đặc biệt là trẻ nhỏ, học sinh nên học, tập bơi. (2) Chỉ nên bơi ở những nơi quy định (bể bơi, bãi biển..), có người giám sát và có các phương tiện cứu hộ; tuyệt đối tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Đối với trẻ em khi đi tắm nên mặc áo phao và có người lớn giám sát. (3) Không nên bơi hoặc chơi đùa gần ao, hồ, sông, suối và những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. (4) Khi tắm ở bãi biển hoặc sông, hồ thì chỉ được tắm ở trong khu vực giới hạn quy định hoặc chỉ nên tắm gần bờ. Đặc biệt phải rất cẩn thận khi tắm ở các bãi biển có sóng lớn, vì nếu chủ quan thì rất dễ bị sóng cuốn ra ngoài và nguy hiểm đến tính mạng. (5) Khi di chuyển bằng các phương tiện giao thông đường thủy (tàu, xuồng, ca nô...) phải chấp hành các quy định an toàn như: Mặc áo phao, ngồi ổn định, không chạy nhảy, trêu đùa trên tàu, xuồng... (6) Khi phát hiện thấy người đang có nguy cơ bị đuối nước thì phải hô hoán, báo động để mọi người gần đó đến ứng cứu. Đồng thời, nhanh chóng gọi điện báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo số 114. Tuyệt đối không vội vàng lao xuống nước để cứu nạn nhân nếu không biết bơi hoặc không có kỹ năng và các phương tiện cứu đuối, vì trong trường hợp đó người cứu đuối cũng có thể bị đuối nước giống như người gặp nạn trước đó./.


Tác giả: Minh Phương
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu