A- A A+ |

Cảnh báo tai nạn đuối nước mùa nắng nóng

Mặc dù mới chỉ bước vào những ngày nắng nóng đầu tiên trong năm 2025, nhưng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ tai nạn đuối nước, cướp đi sinh mạng của 10 người, trong đó chủ yếu là trẻ em. Đây là hồi chuông cảnh báo về tình trạng trẻ em bị đuối nước, đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc ngay của các cấp, các ngành và toàn xã hội…

Chiều 27/02/2025, một vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra tại khu vực cầu Phao xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, khiến hai em học sinh lớp 6 là Đỗ Như Q. và Trình Văn Quốc T. bị đuối nước. Nguyên nhân là do một nhóm bạn rủ nhau ra bờ sông Chu để chơi, trong lúc chơi không may 2 em Q và T bị ngã xuống sông và bị dòng nước siết cuốn trôi. Nhóm bạn đi cùng đã hô hoán người dân gần đó ra ứng cứu nhưng không kịp. 

Tròn một tháng sau, ngày 27/3/2025, tại địa phận xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thuỷ cũng xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm 2 người chết. Nạn nhân là cháu Lê Đình C. (sinh năm 2013) và Nguyễn Văn H. (sinh năm 2012). Nguyên nhân cũng là do đi tắm sông.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH triển khai phương án tìm kiếm 2 nạn nhân đuối nước
tại khu vực cầu Phao xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân

Mới đây nhất, ngày 12/4/2025, một nhóm học sinh lớp 10 và lớp 11 ở huyện Triệu Sơn rủ nhau đi đá bóng, sau đó xuống hồ tắm. Trong lúc tắm, không may em Lê Anh T. và em Nguyễn Văn D. bị chới với giữa hồ nước. Mặc dù các học sinh đi cùng đã tìm cách cứu bạn nhưng không thành dẫn đến tử vong.

Đây là 3 trong số những vụ tai nạn đuối nước xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ đầu năm 2025 đến nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm trên, nhưng phần lớn là do sự hiếu động, chưa được trang bị các kỹ năng cần thiết về phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ. Bên cạnh đó có không ít gia đình chủ quan, lơ là, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ. Nhiều phụ huynh do quá bận rộn công việc, hoặc lao động mưu sinh mà giao con cái cho ông, bà già ở nhà trông coi. Điều này rất khó quản lý giờ giấc, hoạt động của các cháu, chỉ khi xảy ra sự cố đáng tiếc, nước mắt tuôn rơi thì mọi thứ đã muộn. 

Chưa kể trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương có nhiều hệ thống sông, suối, ao, hồ... trong khi đó việc trang bị cho các em những kỹ năng ứng phó khi gặp sự cố, nhiều trẻ em chưa được dạy bơi... khiến tình trạng đuối nước ở trẻ em xảy ra ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng, nhất là trong dịp hè. Trong bối cảnh mùa hè nắng nóng đã bắt đầu, học sinh sắp tới sẽ được nghỉ hè, nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước càng trở nên đáng lo hơn khi mà những mối đe doạ tiềm ẩn đuối nước vẫn còn hiện hữu chưa được khắc phục.

Trước thực trạng trên, để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước, Công an tỉnh Thanh Hoá đã tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước, bảo vệ an toàn cho trẻ em.Đồng thời, tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về phòng ngừa tai nạn đuối nước, các biện pháp, phương pháp sơ cấp cứu đối với nạn nhân bị tai nạn đuối nước; khảo sát, cắm biển báo tại các địa điểm có nguy cơ đuối nước trên địa bàn. Duy trì việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em, học sinh tại tất cả các cấp học để nâng cao ý thức của người dân, nhất là trẻ em về công tác phòng, chống đuối nước. 

Lực lượng Công an tuyên truyền cho các em học sinh và quần chúng nhân dân các kỹ năng phòng, chống đuối nước

Riêng đối với Công an các xã, phường, thị trấn, bên cạnh việc làm tốt công tác tuyên truyền, đã thường xuyên phối hợp với các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các gia đình, nhà trường tăng cường công tác quản lý, giám sát, nhắc nhở trẻ em phòng tránh tai nạn đuối nước; phát khuyến cáo và ký cam kết phòng, chống đuối nước trẻ em đến từng hộ gia đình có trẻ em; hướng dẫn, huấn luyện và vận động phong trào dạy bơi, tập bơi đối với trẻ em trên địa bàn cấp thôn, xã. Cùng với đó, các lực lượng sẽ tăng cường tuần tra, nhắc nhở cảnh báo nguy cơ xảy ra đuối nước tại các khu vực, địa bàn có sông suối, ao hồ; nơi có nhiều trẻ em thường xuyên qua lại, đến trường có tiếp giáp nguồn nước và các điểm trẻ em thường tập trung vui chơi. Tổ chức rà soát, lập bản đồ cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước (bãi biển, bãi tắm, sông, hồ, ao, giếng, hố sâu có nước, khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước,…) để tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế là nguyên nhân dẫn đến đuối nước.  

Phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không phải chỉ của riêng ai, mà là trách nhiệm của toàn xã hội, cần được các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn dân tham gia với những giải pháp đường bộ, có hiệu quả - Vì sự an toàn của con em mình và mọi người./.


Tác giả: Minh Phương
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu