A- A A+ |

Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Chủ quyền không gian mạng: Yêu cầu thời đại và nghĩa vụ quốc gia”

Sáng 21/4/2022, tại Trường Đại học ANND, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ, với chủ đề: Bình luận khoa học sách “Chủ quyền không gian mạng: Yêu cầu thời đại và nghĩa vụ quốc gia” của tác giả Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an.

Đồng chí Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng tham dự có các đồng chí lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các tướng lĩnh CAND, QĐND, cùng nhiều nhà khoa học.

Hội nghị được truyền hình trực tuyến từ đầu cầu Trường Đại học ANND TP. Hồ Chí Minh đến các điểm cầu Công an 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu Công an tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Thượng tá Nguyễn Hữu Mạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh và các đồng chí lãnh đạo các phòng Công an tỉnh tham dự hội nghị.

 
Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Công an tỉnh Thanh Hoá

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng Phan Xuân Tuy, Hiệu trưởng Trường Đại học ANND nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất mạnh mẽ. Không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược. Việc nhận diện rõ thời cơ và thách thức từ không gian mạng, quản trị không gian mạng là yêu cầu lịch sử, bài toán chiến lược về chủ quyền, thời đại đặt ra cho toàn thể nhân loại. Nội dung cuốn sách “Chủ quyền không gian mạng: Yêu cầu thời đại và nghĩa vụ quốc gia” của Đại tướng, GS.TS Tô Lâm là công trình lý luận và thực tiễn, giải đáp nhiều vấn đề quan trọng đang đặt ra cho chủ quyền không gian mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”.

Để góp phần triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược An ninh mạng quốc gia, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Luật An ninh mạng, Trường Đại học ANND được tổ chức cuộc Hội thảo khoa học này. Kết quả hội thảo sẽ cung cấp luận cứ khoa học thiết thực cho Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ tiếp tục tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước để lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Chiến lược An ninh mạng quốc gia, Luật An ninh mạng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Lương Tam Quang đã đánh giá rất cao về buổi Hội thảo và cho biết: chúng ta đã nhận được 123 báo cáo khoa học, hội thảo đã nghe nhiều tham luận báo cáo với nội dung phong phú, đi sâu phân tích, bình luận được nhiều nội dung đã được đề cập trong cuốn sách “Chủ quyền không gian mạng: Yêu cầu thời đại và nghĩa vụ quốc gia” của tác giả, Đại tướng, GS.TS Tô Lâm  - Bộ trưởng Bộ Công an.

 
Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu Bộ Công an

Thứ trưởng chỉ ra 5 vấn đề cốt lõi đã được tác giả - Đại tướng, GS.TS Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an nêu trong cuốn sách “Chủ quyền không gian mạng: Yêu cầu thời đại và nghĩa vụ quốc gia”; và cùng được các đại biểu thông qua tại hội thảo.

Cuốn sách “Chủ quyền không gian mạng: Yêu cầu thời đại và nghĩa vụ quốc gia” của tác giả đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, củng cố lý luận về An ninh không gian mạng. Một mảng lý luận mới mẻ, không chỉ với Việt Nam mà cả Thế giới. Trong đó, đã phản ánh đầy đủ, khá đậm nét về hệ thống mạng Internet. Tập trung nội hàm có ý nghĩa, căn cơ củng cố lý luận về không gian mạng như: không gian mạng, cư dân mạng, vũ trụ ảo…; chỉ ra yếu tố cốt lõi của vấn đề chủ quyền Quốc gia không gian mạng như: chủ quyền quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền bên trong và bên ngoài. Đưa ra các khái niệm về vấn đề chủ quyền quốc gia không gian mạng: Lãnh thổ mạng, biên giới mạng, vấn đề chiến tranh mạng, các phạm vi chủ quyền trên không gian mạng.

Cuốn sách đã đưa ra chỉ dẫn cụ thể về áp dụng pháp luật Quốc tế bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng và nghĩa vụ của Việt Nam trong tham gia xây dựng pháp luật Quốc tế. Vạch ra con đường để nắm bắt thời cơ vượt qua thách thức của vấn đề chủ quyền quốc gia không gian mạng. Trong đó, ở Việt Nam không gian mạng đã được ứng dụng sâu rộng trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước, bảo đảm An ninh quốc phòng. Song, không gian mạng cũng đặt ra nhiều thách thức như: chuyển hoá chính trị, tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, chiến tranh mạng, mất kiểm soát về An ninh mạng… Để tranh thủ nắm thời cơ và vượt qua thách thức, việc nắm kỹ lý luận nghiên cứu thấu đáo việc áp dụng pháp luật quốc tế cũng như tham gia vào Luật Quốc tế về không gian mạng như nội dung cuốn sách đã đề cập là những chỉ dẫn, kim chỉ nam cụ thể, quan trọng, giúp Việt Nam chủ động tham gia, định hình "cuộc chơi" ở tầm quốc tế.

Tác giả cuốn sách cũng đã trực tiếp chỉ rõ biện pháp, cách thức xác lập chủ quyền quốc gia không gian mạng là cơ sở để các cơ quan chức năng nghiên cứu áp dụng triển khai thực hiện góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng của Việt Nam cũng như sử dụng không gian mạng hiệu quả bảo vệ Tổ quốc. Cuốn sách thể hiện tầm tư duy, tầm nhìn thời đại cũng như trí tuệ, sự sắc bén, thể hiện sâu sắc tâm huyết, trăn trở của tác giả với mục tiêu bảo vệ chủ quyền lợi ích quốc gia đối với vùng, lãnh thổ rất mới của Tổ quốc.

Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh: “Cuốn sách được nghiên cứu công phu, hàm chứa nhiều lý luận mới có cơ sở vững chắc từ tổng kết những vấn đề thực tiễn của Việt Nam và trên thế giới, qua thế giới quan và phương pháp luận của một nhà lãnh đạo dày dạn trong công tác bảo vệ An ninh chủ quyền quốc gia, đóng góp quan trọng trong bảo vệ kho tàng lý luận, bảo vệ An ninh Quốc gia nói riêng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung”. 


Tác giả: Sơn Hà
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu