Công nhận 6 chợ, siêu thị đạt chuẩn về PCCC

Thực hiện Quyết định số 1436/2017/QĐ-UBND và Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 03/5/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai xây dựng mô hình chợ, siêu thị, TTTM đạt chuẩn về PCCC trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ngày 18/3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định công nhận 6 chợ, siêu thị đạt chuẩn về phòng cháy, chữa cháy

Theo đó, các chợ, siêu thị đạt chuẩn về phòng cháy, chữa cháy được công nhân đợt này gồm: chợ Càng Nàng, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước; siêu thị điện máy HC Sầm Sơn, phường Bắc Sơn, TP. Sầm Sơn; siêu thị A&S Mart Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân; siêu thị điện máy HC Yên Định, thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định; siêu thị Long tơ Plaza, thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống và siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, phường Điện Biên, TP.Thanh Hóa.

Các thành viên Tổ thẩm định kiểm tra thực tế tại siêu thị Co.opmart Thanh Hóa

Để được công nhận đạt chuẩn về PCCC các chợ, siêu thị và Trung tâm thương mại phải bảo đảm đủ 19/19 tiêu chí sau: 

(1) Có hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC theo quy định

(2) Có quy định phân công chức trách, nhiệm vụ PCCC

(3) Chợ được đầu tư xây dựng theo đúng tiêu chuẩn thiết kế theo quy định; được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC (nếu có); mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định

(4) Có quy định, nội quy an toàn PCCC, biển cấm, biển báo, sơ đồ và biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với đặc điểm hoạt động của chợ. Đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn được lắp đặt, bố trí trên các cửa ra vào, hành lang, cầu thang thoát nạn, lối rẽ trên đường thoát nạn để chiếu sáng, chỉ dẫn lối đi và dễ quan sát

(5) Ban quản lý chợ thực hiện đúng chế độ tự kiểm tra an toàn PCCC và chế độ bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy theo quy định

(6) Các kiốt, gian, quầy hàng phục vụ kinh doanh mua bán hàng hóa của các hộ kinh doanh không bị mưa dột, đảm bảo an toàn, mỹ quan, vệ sinh môi trường

(7) Có hệ thống loa, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ kinh doanh, khách hàng nâng cao ý thức về PCCC và hướng dẫn cho họ lối thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra

(8) Có đường giao thông xung quanh chợ phục vụ cho xe chữa cháy hoạt động đảm bảo chiều rộng của mặt đường không được nhỏ hơn 4m, chiều cao của khoảng không tính từ mặt đường lên phía trên không được nhỏ hơn 4,25m, mặt đường phải đảm bảo chịu được tải trọng của xe chữa cháy

(9) Lối đi trong chợ: Lối đi chính có chiều rộng không nhỏ hơn 3,6m; lối đi phụ có chiều rộng không nhỏ hơn 2,4m; khoảng cách giữa các lối đi chính không lớn hơn 20m; chiều rộng lối đi giữa 2 dãy quầy kinh doanh từ 1,2m đến 2,4m

(10) Phải có nhà để xe hoặc bãi để xe không làm cản trở đường, lối thoát nạn và xe chữa cháy hoạt động. Nhà thường trực PCCC, bảo vệ được bố trí ở vị trí dễ quan sát các hoạt động trong chợ và đảm bảo tiếp ứng nhanh khi có tình huống cháy, nổ xảy ra

(11) Không bố trí, sắp xếp, treo hàng, bày hàng hóa lấn chiếm, cản trở đường, lối thoát nạn. Không tự ý làm mái che mưa, che nắng bằng vật liệu dễ cháy; các vật liệu công trình phải là loại khó cháy hoặc không cháy

(12) Không tàng trữ, mua bán và sử dụng các chất, hàng phóng xạ hoặc chất có nguy hiểm về cháy, nổ

(13) Nơi thờ tự, tín ngưỡng (nếu có) phải bố trí ở nơi riêng biệt, ngoài khu vực kinh doanh; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong chợ phải bảo đảm an toàn về PCCC

(14) Nguồn điện cung cấp cho sinh hoạt, bảo vệ và chiếu sáng sự cố khi cháy, báo cháy, chữa cháy tự động phải riêng biệt từ tủ điện chính của chợ

(15) Hệ thống điện tại chợ phải được tính toán, thiết kế và đấu mắc bảo đảm an toàn về PCCC; có thiết bị bảo vệ chống quá tải, ngắt mạch; không bố trí, sắp xếp hàng hóa dễ cháy gần dây dẫn điện, thiết bị điện, ổ điện. Hằng ngày trước khi ngừng hoạt động kinh doanh trong chợ phải phân công người trong Ban quản lý chợ có trách nhiệm kiểm tra ngắt cầu dao tổng nguồn điện phục vụ sinh hoạt và kinh doanh toàn chợ

(16) Có lực lượng PCCC cơ sở đủ về số lượng và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, tổ chức thường trực 24/24h, đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ

(17) Có phương án chữa cháy, thoát nạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và tổ chức thực tập định kỳ hàng năm

(18) Có nguồn nước dự trữ chữa cháy, hệ thống, phương tiện PCCC, cứu nạn cứu hộ phù hợp với đặc điểm, quy mô tính chất của chợ, đảm bảo về số lượng, chất lượng theo quy định; 

(19) Mỗi chủ hộ kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ trong chợ phải tự trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy (bằng bột loại 4kg hoặc bằng khí loại 3kg trở lên) phù hợp với đặc điểm, tính chất của loại hàng hóa đó. Nhân viên bán hàng phải sử dụng thành thạo bình chữa cháy và định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện theo quy định.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh phát "cẩm nang an toàn PCCC" cho cán bộ, nhân viên siêu thị điện máy HC

Theo thống kê, đến tháng 4/2022, trên địa bàn tỉnh đã có 38 chợ, siêu thị, TTTM được UBND tỉnh công nhận chợ đạt chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Việc nhân rộng các mô hình chợ đạt chuẩn về PCCC góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy, từ đó phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng PCCC tại chỗ trong công tác bảo đảm an toàn PCCC, bảo vệ của Nhà nước và tài sản, tính mạng của Nhân dân./.

Tác giả: Minh Phương – Cao Hường
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu