Công an Thanh Hóa: Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy mùa nắng nóng

Hàng năm vào mùa nắng nóng ( từ tháng 6 đến tháng 9) thường xảy ra các vụ cháy gây hậu quả lớn về người và tài sản, đặc biệt nguy cơ xảy ra cháy tại các chợ, siêu thị và các cơ sở kinh doanh, kho, xưởng, khu dân cư là rất cao …

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng cháy và giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra, thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn dân tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Tập trung củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động, khả năng sẵn sàng ứng phó với các tình huống cháy, nổ xảy ra của lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác của các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là tại các thành phố, thị xã, các khi công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm, các địa bàn có rừng có nguy cơ cháy cao…

Trong những ngày nắng nóng này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong công tác PCCC trên địa bàn tỉnh ta đó chính là công tác phòng ngừa và ngăn chặn nguy cơ cháy chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và khu tập trung đông dân cư… Giám đốc công an tỉnh đã có Kế hoạch tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao, nhất là các chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, các kho bãi trông giữ xe ô tô, xe máy, các cơ sở sản xuất, buôn bán các mặt hàng dễ cháy như vải, quần áo, giày dép..vv.. nhằm đánh giá đúng tình hình thực tế công tác chỉ đạo, triển khai công tác PCCC trên lĩnh vực này.

 

Tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn PCCN tại chợ Vườn Hoa

 

Chiều 27/5/2021, chúng tôi có mặt tại Công ty cổ phần chợ Vườn Hoa thuộc địa bàn phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa. Ông Lê Văn Ngạn, Giám đốc Công ty cho biết: Với 400 hộ và 570 quầy kinh doanh quần áo và đồ tiêu dùng nên nguy cơ cháy nổ là rất cao. Xác định được tầm quan trọng của công tác PCCC nhất là trong mùa nắng nóng này, 15 đồng chí trong đội dân phòng của Công ty đã được tập huấn và huấn luyện về công tác PCCC. Đồng thời, Công ty đã trang bị cho các hộ các bình bọt chữa cháy đặt ngay tại quầy và được huấn luyện kĩ năng chữa cháy. Khi có sự cố, từng chủ hộ kinh doanh đã biết tự phun và dập tắt đám cháy ngay tại chỗ. Bà Nguyễn Thị Hương, chủ quầy bán quần áo ki ốt số 337 của chợ Vườn Hoa phấn khởi nói: "Từ ngày được các anh bảo vệ tập cho sử dụng được bình bọt chữa cháy, tôi tự tin hẳn. Tôi luôn tâm niệm "nước xa không cứu được lửa gần" nên mình biết sử dụng bình chữa cháy cũng là một điều kiện thuận lợi để nâng cao kĩ năng an toàn về PCCC cho chính gia đình tôi".

Riêng lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, bắt đầu từ ngày 24/5 đã chủ động phối hợp với các phòng nghiệp vụ và công an 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh vừa chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, vừa tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC. Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra theo chức năng, thẩm quyền được phân cấp quản lý. Trong đó tập trung kiểm tra việc lập hồ sơ theo dõi công tác quản lý các hoạt động PCCC và việc sắp xếp, bố trí tạo khoảng cách, hành lang an toàn PCCC; Kiểm tra việc quản lý, sử dụng các nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn nước, hệ thống đường điện, các phương tiện chữa cháy tại chỗ, lối thoát nạn khi có tình huống cháy xảy ra....Từ đó phát hiện các sơ hở, thiếu sót có nguy cơ dẫn đến cháy, nổ và hướng dẫn cơ sở kịp thời có biện pháp khắc phục, đồng thời xử phạt nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Nhờ đó đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị cơ sở trong công tác PCCC.

Trên lĩnh vực đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy rừng, lực lượng công an đã tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng như Biên phòng, Kiểm lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là các chủ rừng về Luật bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Đồng thời, tập trung kiểm tra, củng cố, kiện toàn các tổ chức quần chúng tham gia công tác PCCC ở cơ sở đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Đến nay hầu hết các xã có rừng đã xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy và thành lập ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng. Định kỳ, các đơn vị, địa phương có rừng đều tổ chức diễn tập các phương án PCCC rừng với các tình huống giả định cụ thể nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trong công tác PCCC rừng, đồng thời, nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng các phương tiện PCCC cũng như khả năng hợp đồng tác chiến, chỉ huy, điều hành của các cấp chính quyền và các lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống cháy xảy ra.

Riêng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh và công an các huyện, thị xã, thành phố sẽ tăng cường quân số, đảm bảo thường trực, ứng trực 24/24h tại đơn vị trung tâm và các đội chữa cháy khu vực sẵn sang huy động lực lượng tham gia cứu chữa khi có cháy, nổ xảy ra./.

Tác giả: Thái Thanh
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu