Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn thủ đoạn “bất tuân dân sự”

Trong giai đoạn hiện nay, một thủ đoạn mới mang tên “bất tuân dân sự” được các thế lực thù địch sử dụng nhằm tăng cường“diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhận diện thủ đoạn “bất tuân dân sự” ở Việt Nam hiện nay để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, góp phần tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ sự ổn định chính trị - xã hội là hết sức cần thiết.

/upload/81582/20231110/grab098cd987.jpg
Năm 2017, một số lái xe đã có hành động quá khích, vi phạm pháp luật nhằm gây áp lực cho trạm BOT Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang.

Thuật ngữ “bất tuân dân sự” bắt nguồn lần đầu tiên trong tập tiểu luận của tác giả người Mỹ Henry David Thoreau với tiêu đề “Dân sự bất hợp tác” viết vào tháng 5/1849. Nhằm bào chữa cho việc phải ngồi tù vì tội không đóng thuế ở Massachusetts, Henry David Thoreau viết tập tiểu luận để khẳng định rằng cá nhân (hoặc một bộ phận thiểu số công dân) không cần tuân thủ và phục tùng nhà nước, thậm chí có thể chống lại việc thực thi luật pháp của nhà nước nếu thấy không phù hợp.

Thực chất, đây là quan điểm cực đoan, vô chính phủ, tiềm tàng nguy cơ bất ổn cho xã hội. Sau này, “bất tuân dân sự” dần được chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế sử dụng thành thủ đoạn phản cách mạng nhằm chống phá, lật đổ chính quyền, âm mưu làm thay đổi chế độ chính trị ở những quốc gia tiến bộ, không cùng “quỹ đạo” với chúng. Dù bề ngoài có vẻ ôn hòa, núp bóng “dân sự”, không bạo lực vũ trang, nhưng phong trào “bất tuân dân sự” đem lại những hiểm họa khôn lường cho xã hội.

Hiện nay, “bất tuân dân sự” được hiểu là hoạt động công khai từ chối tuân theo hoặc cố ý vi phạm với một số quy định pháp luật của nhà nước với những lý do không chính đáng. Về cơ bản, những hành động “bất tuân dân sự” là hình thức phản kháng ôn hòa, bất bạo động nhưng lại thể hiện rõ ràng sự coi thường kỷ cương, pháp luật, trái với các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền trong một xã hội văn minh.

Đặc biệt, với chiến lược “diễn biến hòa bình” từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa đế quốc xây dựng tư tưởng chủ đạo muốn chuyển cuộc đấu tranh vào bên trong các nước xã hội chủ nghĩa bởi vậy “bất tuân dân sự” dần trở thành phương thức thủ đoạn có sự liên hệ chặt chẽ các phương thức, thủ đoạn khác của chiến lược “diễn biến hòa bình”.

Nhận thấy sự lợi hại của phương thức đấu tranh bất bạo động, các đối tượng cơ hội chính trị, các thế lực thù địch ra sức cổ xúy cho “bất tuân dân sự”. Trong các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng nhung” ở Tiệp Khắc và Đông Đức; “cách mạng hoa hồng” ở Gruzia; “cách mạng cam” ở Ucraina; “cách mạng hoa nhài” (Mùa xuân Ả Rập) ở các nước Trung Đông và Bắc Phi trong những năm đầu thế kỷ XXI, phong trào “cách mạng dù” của sinh viên vùng lãnh thổ Hồng Công (Trung Quốc) hay các cuộc biểu tình phản đối sửa đổi Dự luật dẫn độ ở vùng lãnh thổ Hồng Công (Trung Quốc) năm 2019, năm 2020… đều có dấu ấn của “bất tuân dân sự”. Điểm chung của các phong trào này là nhằm gây trở ngại cho hoạt động thực thi công lý, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây khủng hoảng toàn diện cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ở Việt Nam, thủ đoạn “bất tuân dân sự” được các thế lực thù địch triệt để sử dụng dựa trên các vấn đề nhạy cảm liên quan đến dân tộc, tôn giáo, các sự kiện, vụ việc, bất cập, hạn chế trong triển khai các quyết sách phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, đối ngoại... Các đối tượng chống phá lợi dụng một số sai phạm, yếu kém của tổ chức, cá nhân để rêu rao Việt Nam vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền, từ đó kích động lôi kéo người dân tụ tập, biểu tình, tuần hành, tập dượt kịch bản đấu tranh chuẩn bị cho những bước chống phá cao hơn. Các đối tượng không ngừng tuyên truyền cho rằng: “Lối thoát cho Việt Nam là bất tuân dân sự”, hay “Bất tuân dân sự là con đường tự do cho Việt Nam”.

Trong những năm gần đây diễn ra hàng loạt vụ việc mang bóng dáng “bất tuân dân sự” như khi giải phóng mặt bằng ở Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Đắk Nông, Gia Lai, một số đối tượng đã “bất tuân cưỡng chế”, chống lại cơ quan thực thi pháp luật; hay “bất tuân” quy định về thành lập hội (nhóm) để lập các tổ chức dân sự nhân danh tự do, dân chủ, nhân quyền như “hội văn đoàn độc lập”, “hội nhà báo độc lập Việt Nam”, “hội anh em dân chủ”, “hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam”, “hội phụ nữ nhân quyền”… lập ra để phản đối các bộ luật ở nước ta. Vụ việc phức tạp tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội tháng 1/2020 là điển hình của việc coi thường pháp luật, vi phạm các quy định pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, khiến dư luật hết sức bất bình.

Hậu quả của hoạt động “bất tuân dân sự” rất nặng nề, tác động tiêu cực cả về kinh tế, chính trị, trật tự an toàn xã hội, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các đối tượng kích động người dân tụ tập, gây cản trở giao thông, đập phá trụ sở chính quyền, đốt phá tài sản nhà nước, doanh nghiệp và người dân, nhiều cán bộ thực hiện nhiệm vụ bị thương, hoạt động của cơ quan nhiều nơi bị ngưng trệ.

Đồng thời các đối tượng tìm mọi thủ đoạn hòng móc nối, lôi kéo, mua chuộc cán bộ, đảng viên và người dân phản đối, gây sức ép thay đổi chính sách, hệ thống pháp luật, lĩnh vực tư pháp để chống lại Đảng, Nhà nước Việt Nam. Cần khẳng định rằng các hành vi này xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam là tạo sự chuyển hóa từ bên trong nội bộ Đảng, Nhà nước ta, chúng tập trung chống phá cả về lý luận, quan điểm, đường lối, xóa bỏ nền tảng tư tưởng và đòi tước bỏ cơ sở pháp lý bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; khuyến khích những quan điểm lệch lạc và những khuynh hướng xã hội “dân chủ”.

Chúng kêu gọi và thổi phồng rằng người dân cần phải được “khơi dậy lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm công dân”, “ý thức pháp luật”, lên tiếng để thay đổi luật pháp cho phù hợp với ý chí của cá nhân, và kêu gọi rằng không thể chỉ dừng lại ở đấu tranh cho một số đạo luật, và muốn bảo đảm “thượng tôn pháp luật” phải thực hiện đa nguyên đa đảng theo mô hình dân chủ phương Tây.

Về bản chất, hoạt động “bất tuân dân sự” là tác động, làm thay đổi nhận thức về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; không ngừng sử dụng luận điệu kêu gọi thúc đẩy “dân chủ đa nguyên”, thay đổi thể chế chính trị, đổi tên Đảng, tên nước, sửa Cương lĩnh, Hiến pháp, “phi chính trị hóa” quân đội, công an; thực hiện “tam quyền phân lập”; thúc đẩy, kích động tuần hành, biểu tình, bạo động, khiếu kiện, gây “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...

Trước những âm mưu, thủ đoạn “bất tuân dân sự” hiện nay đòi hỏi cả hệ thống chính trị cùng mọi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm xã hội, chủ động nắm chắc tình hình, âm mưu, ý đồ của các đối tượng chống phá để có biện pháp ngăn chặn, dập tắt ngay từ đầu những mầm mống mới phát sinh, kịp thời xử lý một cách linh hoạt, mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả những tình huống phức tạp.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật cho các cá nhân và tổ chức ở Việt Nam. Nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phải được thường xuyên đổi mới, phù hợp với thực tế, đặc biệt chú ý đến phương pháp, phù hợp với trình độ dân trí, phong tục tập quán… để mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến được với người dân một cách cụ thể, gần gũi, dễ hiểu, dễ tuân thủ, chấp hành.

Khi xảy ra các vụ việc “bất tuân dân sự”, các tổ chức và người dân cần hết sức tỉnh táo; nhận định, đánh giá đúng tính chất, mức độ, xác định rõ nguyên nhân; kiên trì, khôn khéo, lấy biện pháp đối thoại, tuyên truyền, vận động, thuyết phục là chính; thực hiện phân hóa lực lượng cốt cán, cầm đầu với quần chúng bị dụ dỗ, lôi kéo. Phát huy tốt vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc bám nắm cơ sở, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động trong việc kích động, lôi kéo nhân dân thực hiện “bất tuân dân sự”.

Cần khẳng định rằng, không một quốc gia nào trên thế giới lại cổ xúy và bảo vệ những hành vi vi phạm pháp luật, gây trở ngại cho hoạt động công quyền, thực thi công lý tổn hại đến trật tự, an toàn xã hội; dung túng cho những hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ để chống phá đất nước, xâm phạm đến lợi ích Nhà nước và đông đảo quần chúng nhân dân. Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi công dân đều bình đẳng, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Nếu để những hoạt động “bất tuân dân sự”, những âm mưu, thủ đoạn coi thường pháp luật xảy ra kéo dài thì hậu quả để lại rất nặng nề, không chỉ ảnh hưởng về kinh tế - xã hội, mà còn gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất lòng tin của người dân đối với chính quyền.

Từ đây cũng đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính và cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là việc thực thi các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, tài chính, tài nguyên, môi trường…

Phát huy dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân; gắn dân chủ với tăng cường kỷ cương, kỷ luật, pháp luật của Nhà nước. Các quyền tự do, dân chủ luôn là các quyền thiêng liêng, là một biểu hiện cho tiến bộ, phát triển của xã hội nhưng tuyệt đối không thể là sự tự do “vô chính phủ”. Điều này được thể hiện rõ nét trong pháp luật các quốc gia và pháp luật quốc tế.

Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng “bất tuân dân sự” của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị để kích động, chống phá là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong tình hình hiện nay, góp phần thống nhất nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị và của từng người dân vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước./.

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo

Tác giả: PA03
Nguồn: Tạp chí tuyên giáo
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu