Cảnh giác trước chiêu trò tuyển cộng tác viên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Với thủ đoạn lập ra các tài khoản mạng xã hội "ảo" như facebook, zalo, telegram,... rồi tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shoppe, Lazada, Tiki, Sendo..." với chiết khấu hậu hĩnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của những người nhẹ dạ cả tin dễ dàng sập bẫy lừa…
Theo tường trình của chị P.T.H (sinh năm 1991) ở huyện Hoằng Hoá thì trong một lần lướt facebook thấy quảng cáo đăng thông tin tuyển dụng cộng tác viên xử lý đơn trong ngày cho các sản phẩm thương mại điện tử làm việc tại nhà. Nhận thấy công việc cũng nhàn hạ, phù hợp với mình, lại đúng lúc đang có nhu cầu tìm việc làm kiếm thêm thu nhập nên chị T.H đã liên hệ qua mạng xã hội xin việc làm.
Sau khi liên hệ, chị được “nhân sự” của fanpage này hướng dẫn nhiệt tình để trở thành một cộng tác viên mua, bán hàng. Với công việc là thông qua mua sắm online trên Shopee để nâng cao doanh số và mức độ phổ biến các sản phẩm của cửa hàng, cửa hàng sẽ trả hoa hồng tùy theo nhiệm vụ và phần trăm hoa hồng tương ứng với sản phẩm. Tuy nhiên, chị P.T.H, cũng như nhiều người khác, chỉ là nạn nhân của trò lừa đảo tinh vi của một nhóm đối tượng, cấu kết với nhau để móc túi của những người đang khao khát có được việc làm trong thời buổi dịch giã hoành hành như hiện nay.
Theo Trung úy Khương Huy Hoàng, Đội Hướng dẫn, phòng ngừa đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao và yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Các đối tượng ban đầu sẽ gửi đường link các sản phẩm có ở trên trang thương mại điện tử đến người dân để tạo sự tin tưởng, từ đó lôi kéo người dân chuyển tiền đến tài khoản do các đối tượng đã chuẩn bị sẵn. Sau đó các đối tượng sẽ gửi thông báo số tài khoản của người tham gia chưa được xác minh, tiếp đó các đối tượng sẽ hướng dẫn người tham gia chuyển tiền để xác minh lại tài khoản, nhưng thực chất là chiếm đoạt tài sản của người tham gia”
Qua điều tra, xác minh các vụ việc liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như thế này cho thấy phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, chúng thường sử dụng các tài khoản xã hội “ảo” như facebook, zalo, telegram… đăng bài chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội với những nội dung “tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, lazada, Tiki, Sendo…”. Theo đó, mỗi lần mua hàng, các “cộng tác viên bán hàng” sẽ được hoàn trả tiền cộng thêm tiền “hoa hồng” từ 10-20% giá trị đơn hàng.
Sau khi bị hại nhận làm “cộng tác viên mua bán hàng”, đối tượng sẽ gửi một đường link sản phẩm thật trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… yêu cầu bị hại “tạo đơn hàng” bằng cách thanh toán số tiền bằng đúng số tiền của sản phẩm thật vào tài khoản các đối tượng cung cấp, sau đó “hệ thống” sẽ hoàn tiền, kèm theo hoa hồng. Đối với những đơn hàng giá trị nhỏ, đầu tiên cộng tác viên sẽ được thanh toán kèm "hoa hồng" như đã hứa nhằm tạo lòng tin và đánh vào lòng tham vì việc kiếm tiền quá dễ dàng.
Những lần tiếp theo, sau khi có được lòng tin của bị hại các đối tượng yêu cầu tạo đơn hàng lớn hơn, số tiền chuyển khoản nhiều hơn, ... khi đã chuyển tiền tạo đơn thành công các đối tượng lừa đảo đưa ra nhiều lý do như: nhiệm vụ chưa hoàn thành, hệ thống bị lỗi, tín nhiệm thấp, bị đóng băng tài khoản... yêu cầu bị hại phải chuyển thêm tiền cho đơn hàng để được hoàn trả tiền và hoa hồng, nếu không sẽ bị mất toàn bộ tiền trước đó. Bị hại với tâm lý muốn nhận lại tiền, tin vào lời hứa số tiền chuyển vào sẽ được hoàn trả nên liên tục chuyển tiền cho các đối tượng cho đến khi không còn khả năng chi trả, phát hiện đã bị lừa thì sẽ bị các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt. Trong nhiều trường hợp một số đối tượng đã biến tướng hình thức trên yêu cầu bị hại cài đặt phần mềm mã độc nhằm đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.
Nạn nhân mà các đối tượng lừa đảo nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu kiếm thêm thu nhập. "Mồi nhử" mà bọn chúng đưa ra rất hấp dẫn với, mức lương hấp dẫn, phần trăm hoa hồng cao. Tuy nhiên đó chỉ là chiêu trò để nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà thôi.
Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không nên tham gia đầu tư, mua bán trên mạng hoặc chuyển tiền cho những tài khoản ngân hàng mà mình không quen biết để tránh bị lừa, khi phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật./.