A- A A+ |

Cảnh báo tai nạn đuối nước mùa nắng nóng

Mới chỉ bước vào đầu hè năm 2021 nhưng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều tai nạn đuối nước thương tâm cướp đi sinh mạng của nhiều người, đặc biệt là trẻ em. Thực trạng đó gióng lên hồi chuông cảnh báo về tai nạn đuối nước mùa nắng nóng và công tác quản lý học sinh, trẻ em từ phía nhà trường, gia đình, xã hội…

Điển hình, chiều ngày 26/6/2021 vừa qua đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm tại phường Thiệu Khánh, TP.Thanh Hóa, khiến hai anh em ruột tử vong. Cha mẹ đi vắng, cháu L.X.N sinh năm 2011 và L.X.Đ sinh năm 2014, hiện là học sinh Trường tiểu học Thiệu Khánh được nghỉ hè ở nhà đã rủ nhau ra bờ kè sông Chu để tắm mát, tuy nhiên do dòng nước xiết, hai cháu đã không may bị dòng nước cuốn trôi. 

Trước đó, chiều ngày 09/6/2021, tại biển xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm 3 người chết. Nạn nhân là cháu Trần Văn Khôi (9 tuổi), Trần Đức Anh (11 tuổi) và Ngô Văn Sơn (11 tuổi) trong đó có 2 cháu là 2 anh em ruột. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng Công an xã Quảng Nham và Công an huyện Quảng Xương đã đến nhà chia buồn với gia đình nạn nhân đồng thời tổ chức tăng cường lực lượng làm công tác tuyên truyền và tuần tra kiểm tra tại các bãi biển, bãi tắm nhằm phòng ngừa không để xảy ra tai nạn đuối nước trên địa bàn.

Công an huyện Quảng Xương tổ chức tuần tra tại các bãi biển, bãi tắm 
nhằm phòng ngừa không để xảy ra tai nạn đuối nước trên địa bàn.

 

Trung tá Nguyễn Minh Đức – Phó trưởng Công an huyện Quảng Xương cho biết: Ngay sau khi xảy ra vụ đuối nước đau lòng vào chiều ngày 9/6/2021, Công an huyện đã tham mưu cho chủ tịch UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng ngừa tai nạn đuối nước trên địa bàn toàn huyện. Đơn vị đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và biện pháp để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các thanh thiếu niên trong việc thực hiện các kỹ năng phòng chống đuối nước; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng bơi lội cho các cháu thanh thiếu niên trên địa bàn toàn huyện.

Qua tổng hợp từ cơ quan chức năng, trong thời gian qua tình hình tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, trong năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 27 vụ đuối nước làm 34 người chết. Tiếp đó trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ làm 19 người thiệt mạng vì đuối nước. Với địa bàn rộng, địa hình phức tạp, mật độ sông, suối, ao hồ tương đối dày đặc, hàng năm trên địa bàn tỉnh ta vẫn xảy ra hàng chục vụ đuối nước thương tâm gây thiệt hại về người và để lại nỗi đau khôn nguôi, sự day dứt, ám ảnh cho gia đình các nạn nhân, nỗi xót xa cho toàn xã hội.

Nguyên nhân của thực trạng trên, trước hết là do nhận thức, hiểu biết chung của gia đình và cộng đồng về phòng chống tai nạn đuối nước còn chưa cao. Điều này không chỉ phổ biến ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả các vùng thành thị. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đuối nước là 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Tuy nhiên, nhận thức chung của người dân và toàn xã hội về vấn đề này vẫn còn hạn chế và rất chủ quan. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ em còn thiếu kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước. Sự quan tâm, giám sát không đầy đủ của người lớn cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ đuối nước cao ở trẻ em. Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước do rơi xuống sông, suối, ao hồ, cống nước và các vũng nước sâu trong lúc đang vui vẻ nô đùa cùng bè bạn… một phần cũng vì chưa có sự giám sát của gia đình, nhà trường, xã hội .

 

Một nguyên nhân quan trọng nữa xuất phát từ chính đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em thường hiếu động, ham vui, thích rủ nhau đi tắm biển, sông, suối, hồ… trong khi các em lại không biết bơi, thể lực còn yếu, không có kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Trong khi môi trường sống xung quanh trẻ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, hệ thống sông ngòi, ao, hồ chằng chịt; nhiều ngôi nhà, trường học gần sông ngòi, ao, hồ không có rào chắn, nhiều hố nước sâu ở khu vực sản xuất, tại các lò gạch, các khu vực khai thác đá, cát… rất nguy hiểm. Hình ảnh từng tốp trẻ em đùa vui tắm biển, tắm sông mà không hề có phương tiện bảo hộ, hay sự giám sát của người lớn là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng tình trạng đuối nước ở trẻ em. Đây một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về tình hình tai nạn đuối nước cũng như những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, tạo sân chơi lành mạnh bổ ích cho trẻ em mỗi khi hè về nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp. 

Thượng tá Lê Văn Hùng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết: Để có thể giảm thiểu tai nạn do đuối nước, mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình cần nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng ngừa. Trong đó cần chú trọng một số vấn đề sau: (1) Khuyến cáo, động viên những người chưa biết bơi đặc biệt là trẻ nhỏ, học sinh nên học, tập bơi. Khi gặp tình huống có nguy cơ bị đuối nước, nếu biết bơi thị sẽ có khả năng tự thoát hiểm hoặc có thể duy trì, kéo dài thời gian nổi của cơ thể đến khi có được sự cứu giúp của những người xung quanh hoặc bản thân họ có thể cứu, hỗ trợ những người khác bị đuối nước. (2) Chỉ nên bơi ở những nơi quy định (bể bơi, bãi biển..), có người giám sát và có các phương tiện cứu hộ; tuyệt đối tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Đối với trẻ em khi đi tắm nên mặc áo phao và có người lớn giám sát. (3) Không nên bơi hoặc chơi đùa gần ao, hồ, sông, suối và những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Tại những nơi nguy hiểm có thể dẫn đến đuối nước cần phải có các biển báo cấm hoặc cảnh báo để mọi người biết, đề phòng. (4) Khi tắm ở bãi biển hoặc sông, hồ thì chỉ được tắm ở trong khu vực giới hạn quy định hoặc chỉ nên tắm gần bờ. Đặc biệt phải rất cẩn thận khi tắm ở các bãi biển có sóng lớn, vì nếu chủ quan thì rất dễ bị sóng cuốn ra ngoài và nguy hiểm đến tính mạng. (5) Khi di chuyển bằng các phương tiện giao thông đường thủy (tàu, xuồng, ca nô...) phải chấp hành các quy định an toàn như: Mặc áo phao, ngồi ổn định, không chạy nhảy, trêu đùa trên tàu, xuồng... (6) Khi phát hiện thấy người đang có nguy cơ bị đuối nước thì phải hô hoán, báo động để mọi người gần đó đến ứng cứu. Đồng thời, nhanh chóng gọi điện báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo số 114. Tuyệt đối không vội vàng lao xuống nước để cứu nạn nhân nếu không biết bơi hoặc không có kỹ năng và các phương tiện cứu đuối, vì trong trường hợp đó người cứu đuối cũng có thể bị đuối nước giống như người gặp nạn trước đó.

Các tổ tổ cứu nạn, cứu hộ trên biển tại bãi tắm thành phố Sầm Sơn làm tốt công tác phòng ngừa tai nạn đuối nước

 

Từ thực tế trên cho thấy, để phòng chống đuối nước hiệu quả, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành chức năng thì còn cần hơn nữa sự quan tâm quản lý giáo dục từ phía nhà trường, công tác dạy dỗ và quản lý con em của từ phía gia đình và phụ huynh. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về các kỹ năng phòng chống đuối nước cho người dân, đặc biệt là trẻ em, học sinh./.


Tác giả: Minh Phương
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu