A- A A+ |

Cảnh giác với bẫy “tín dụng đen” núp bóng cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gần 800 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, với việc cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 tạo điều kiện cho hoạt động phát triển kinh tế được thúc đẩy, hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ cũng trở lại trạng thái bình thường. Nhìn chung, đa số các cơ sở hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một số cơ sở tiềm ẩn và có dấu hiệu vi phạm pháp luật như: Chứa chấp, tiêu thụ tài sản không rõ nguồn gốc, cầm cố tài sản với lãi suất cao, tiêu thụ tài sản, “hợp thức hóa” các tài sản do người khác phạm tội mà có; cầm cố những giấy tờ, tài sản (Căn cước công dân, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...) trái quy định; tại một số cơ sở dịch vụ cầm đồ có dấu hiệu cho vay lãi nặng hoặc khi đối tượng đến cầm cố tài sản có nghi vấn vi phạm pháp luật nhưng không báo cho cơ quan Công an,...

Đáng chú ý, do nắm bắt được nhu cầu rất lớn của người dân (đặc biệt là số thanh, thiếu niên không chịu lao động, ham mê cá độ cờ bạc, game online…) cần vay tín dụng với các thủ tục đơn giản, nhanh gọn, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen" đã lợi dụng dịch vụ cầm đồ, núp bóng thành Công ty mua bán nợ, Công ty tài chính… với những hoạt động biến tướng dưới các hình thức như: khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư…; các cá nhân cho vay tài chính bất hợp pháp như cho vay đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao, “vay nóng” tiêu dùng… để cho vay với lãi suất cao.

 

 

Lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH

tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ 

 Thủ đoạn của các đối tượng này là in tờ rơi, quảng cáo ghi các thông tin cho vay tiền nhanh gọn, không cần thế chấp, phát hoặc dán tại các địa điểm công cộng như tường rào, trụ điện... Khi người dân đến vay tiền, chỉ cần cung cấp bản photo căn cước công dân (hoặc chứng minh nhân dân), giấy phép lái xe..., các đối tượng sẽ lập tức cho vay tiền và yêu cầu người vay ký hợp đồng vay mượn, trả góp, trong đó có kèm theo lãi suất nhưng không quá mức lãi suất mà pháp luật quy định, tuy nhiên hợp đồng này không đưa cho người vay.

Hệ lụy của vấn đề này là đến hạn thanh toán, nếu không trả đủ lãi thì số tiền lãi sẽ được cộng dồn vào tiền gốc dẫn đến số tiền nợ theo thời gian sẽ ngày càng tăng lên, đến khi người vay không còn khả năng trả nợ, các đối tượng cho vay sẽ gây sức ép bằng nhiều thủ đoạn như: đe dọa, hành hung, bắt cóc, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, đe dọa người thân của người vay nợ... buộc người vay hoặc người thân của họ phải bán nhà cửa, tài sản trả nợ; nhiều trường hợp mất khả năng trả nợ phải bỏ trốn khỏi nơi cư trú, thậm chí tự tử…

Để tránh rơi vào bẫy “tín dụng đen”, đồng thời góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, vô hiệu hóa và xử lý nghiêm các nhóm, đối tượng cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cơ quan Công an khuyến cáo mọi công dân:

- Cần hiểu rõ những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa.

- Không tiếp tay hoặc để các đối tượng cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê lợi dụng hoạt động.

- Tích cực tham gia tố giác, hỗ trợ lực lượng chức năng phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”.

- Những người đang bị các đối tượng đe dọa, hành hung, cưỡng đoạt tài sản... có liên quan đến “tín dụng đen” cần đến ngay cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc gọi điện theo đường dây nóng của Công an tỉnh Thanh Hóa (số điện thoại: 02373.725.725) để trình báo và được hướng dẫn, có biện pháp xử lý theo quy định.


Tác giả: ĐOÀN PHƯƠNG
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu