A- A A+ |

Tổ chức lực lượng, phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH

Trong những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu khắc nghiệt, tình hình thiên tai, bão lũ ở nước ta diễn ra ngày càng nhiều, có tính chất bất thường, khó lường trước. Thực tế cho thấy, những tháng đầu năm 2020 đã xảy ra hàng loạt trận mưa đá, lốc xoáy tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu của nhân dân; tình hình hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, trên diện rộng tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất trầm trọng, tất cả những điều đó ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội và phần nào ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Với vai trò là một trong các lực lượng nòng cốt thực hiện trực tiếp công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, từ đầu năm 2019 đến hết tháng 4 năm 2020 toàn lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp thực hiện cứu nạn, cứu hộ 5.954 vụ, đã cứu được 2.333 người, tìm được 807 thi thể nạn nhân và hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người ra khỏi các đám cháy, khu vực sự cố, tai nạn, vùng ngập lụt, nguy hiểm. Trong đó có 4.427 vụ cứu nạn, cứu hộ trong đám cháy; 744 vụ CNCH dưới nước; 256 vụ CNCH phương tiện giao thông; 113 vụ CNCH sập đổ công trình; 59 vụ CNCH hang hầm, giếng sâu; 130 vụ CNCH trên cao; 225 vụ CNCH tai nạn, sự cố khác.

Về công tác tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo các hoạt động ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Tại cơ quan Bộ:

- Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCA ngày 27/6/2019 về tăng cường công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới, căn cứ vào đó Công an các địa phương đã đồng bộ có kế hoạch triển khai cụ thể, thiết thực và hiệu quả nội dung của chỉ thị.

- Trước tình hình sự cố xảy ra tình hình hạn hán kéo dài, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng tại các tỉnh miền Tây Nam bộ. Cục Cảnh sát PCCC đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành Kế hoạch số 117/KH-BCA-C07 ngày 19/3/2020 về “Tăng cường công tác PCCC mùa khô và hỗ trợ nhân dân vùng hạn mặn các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long” và ngay sau đó các địa phương đã tích cực thực hiện nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ nhân dân vùng hạn mặn, hỗ trợ nhân dân hàng nghìm mét khối nước sạch sinh hoạt, hàng trăm bồn nhựa chứa nước sạch, hướng dẫn nhân dân phước pháp tích trữ và sử dụng nước tiết kiệm. Điển hình trong các hoạt động này là Công an tỉnh Bến Tre, Công an tỉnh Tiền Giang, Công an tỉnh Long An, Công an tỉnh Sóc Trăng, trong đó lực lượng thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH là nòng cốt.
- Đã tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành kế hoạch số 712/KH-BCĐ ngày 18/3/2019 của Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT&TKCN Bộ Công an về việc huấn luyện kỹ năng tìm kiếm, cứu nạn cho lãnh đạo chỉ huy và CBCS trong lực lượng CAND phụ trách công tác ứng phó với sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn của Công an các đơn vị, địa phương. Theo đó, từ năm 2019 đến nay đã tổ chức thành công 06 lớp huấn luyện kỹ năng tìm kiếm, cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) lực lượng Hậu cần, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động và Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp của Công an các đơn vị, địa phương.

- Đã tham mưu cho Bộ có kế hoạch số 210/KH-BCA-C07 ngày 07/6/2019 và thực hiện kế hoạch này, C07 đã tổ chức 07 lớp huấn luyện chuyên sâu về kỹ, chiến thuật trong ứng phó với sự cố, thiên tai, lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Đồng thời, trong quý 3 năm 2020 sẽ tiếp tục tổ chức 11 lớp tập huấn chuyên sâu nêu trên và 02 lớp bơi, lặn cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo kế hoạch của Bộ Công an.

Tại các địa phương:

Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã chủ động thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Công an. Đồng thời, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chỉ thị, các văn bản chỉ đạo công tác ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Nhận thức của nhân dân về công tác ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ngày một nâng lên, sự phối hợp trong xử lý các tình huống sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giữa các lực lượng trên địa bàn tỉnh ngày một chặt chẽ.

Tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng chuyên trách từng bước được cải thiện và hiệu quả ngày một nâng cao. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Công an các địa phương các đã xuất hiện nhiều gương dũng cảm, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, qua đó đã tô đẹp hơn về hình ảnh người chiến sỹ Công an “vì nhân dân phục vụ”.

Để đạt được những kết quả như đã nêu trên là có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của đồng chí Bộ trưởng, của các đồng lãnh đạo Bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ với Cục Cảnh sát PCCC và CNCH; giữa Cục Cảnh sát PCCC và CNCH với Công an các địa phương. Đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng của CBCS đã vượt qua các khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian vừa qua thì còn không ít những khó khăn, thách thức mà các lực lượng đang đối mặt. Cụ thể như:

* Về lực lượng chuyên trách: Hiện nay, toàn lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH có 16.506 CBCS, trong đó:

- PC07 thuộc Công an tỉnh: Có 190 đội nghiệp vụ với 5.540 CBCS; 224 đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực với 5.351 CBCS.

- Công an cấp huyện: Có 298/707 Đội PCCC và CNCH với 4.949 CBCS; 250/707 Tổ Cảnh sát PCCC và CNCH trực thuộc Đội Cảnh sát QLHC về TTATXH với 459 CBCS.

- Tổng số CBCS trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khoảng 7.022 CBCS, trong đó có 2.700 chiến sĩ nghĩa vụ;

Theo mô hình tổ chức bộ máy mới, các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH được thành lập đến Công an cấp huyện, điều đó thể hiện phương châm hướng về cơ sở, tăng cường lực lượng Cảnh sát chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bám sát địa bàn, bám cơ sở.... Tuy nhiên, thực tế ở nhiều đơn vị địa phương lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này còn mỏng, đặc biệt có nơi, tại Công an cấp huyện chỉ có 1 đến 2 chiến sỹ được đào tạo nghiệp vụ về PCCC và CNCH, và như vậy sẽ không thể chủ động trong thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra, không thể tận dụng được thời gian vàng trong công tác cứu nạn, cứu hộ (giây vàng, giờ vàng, phút vàng).

* Về phương tiện: Các phương tiện chuyên dụng trang bị cho các đơn vị để thực hiện nhiệm vụ ứng phó thiên tai tìm kiếm cứu nạn còn thiếu nhiều và hạn chế về chủng loại. Cụ thể như: Theo thống kê, toàn lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH hiện được trang bị 1.673 xe chữa cháy và xe chuyên dùng khác. Tuy nhiên, trong tổng số 960 xe chữa cháy, có tới 641 xe có chất lượng trung bình và kém. Hiện còn 18 địa phương chưa được trang bị xe thang, 16 địa phương chưa được trang bị xe cứu nạn, cứu hộ.

Nhìn chung, nhu cầu trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn rất lớn, từ xe chữa cháy, xe thang, xe cứu nạn, cứu hộ đến tàu, xuồng, ca nô, các phương tiện phục vụ chữa cháy rừng… Đặc biệt, là các trang thiết bị hiện đại về chức năng dò tìm, cứu người trên cao, ở hang sâu, ở dưới nước và trong các công trình bị sụp đổ, sạt lở đất đá diện rộng mà có nhiều người bị nạn.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình sự cố thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Để chủ động và nâng cao hiệu quả công tác ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của lực lượng Công an nhân dân nói chung và của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nói riêng, một số giải pháp có thể triển khai thực hiện như sau:

Một là, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nói riêng và lực lượng khác thuộc Bộ Công an được giao nhiệm vụ ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nói chung tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Công an và các quy định của pháp luật về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt là thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Bí thư ngày 24/3/2020 về ”Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”. Chủ động trong nghiên cứu, dự báo tình hình về diễn biến và những tác động của thiên tai đến phát triển kinh tế xã hội, đến tình hình an ninh trật tự để từ đó đề xuất các biện pháp, giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả;

Hai là, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ như:

- Tăng cường lực lượng thực hiện công tác ứng phó với sự cố thiên tai, trong đó tập trung tăng lực lượng cho đơn vị cấp huyện, cấp xã để tăng tính chủ động, kịp thời xử lý các tình huống sự cố, đảm bảo tận dụng tốt thời gian vàng trong công tác CNCH.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức kỹ năng về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến cộng đồng, xã hội nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác này. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá về ứng phó sự cố thiên tai và CNCH;

- Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ, chiến thuật trong ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ chiến sỹ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, lực lượng làm công tác hậu cần... theo kế hoạch hàng năm của Bộ để từng bước phổ cập, nâng cao năng lực của toàn lực lượng Công an nhân dân trong công tác cứu nạn, cứu hộ. Nhằm chủ động và sẵn sàng ứng phó với các tình huống sự cố thiên tai và kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục những thiệt hại do sự cố thiên tai gây ra;

- Đề xuất trang bị các phương tiện phục vụ công tác ứng phó với các sự cố thiên tai, đặc biệt là các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ cho người dân khi gặp bão, lũ; các phương tiện phục vụ chữa cháy rừng và hỗ trợ nhân dân vùng hạn mặn khi cần thiết; các phương tiện cứu nạn, cứu hộ khi sập đổ công trình, tai nạn giao thông, sạt lở đất đá…;

Ba là, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo Bộ Công an ban hành kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện của nhiều địa phương cùng tham gia chữa cháy các đám cháy lớn, phức tạp (đám cháy rừng, đám cháy các phương tiện thủy chở xăng dầu...); cứu nạn cứu hộ đối với các tình huống sự cố thiên tai trên quy mô lớn ở các cấp độ khác nhau để có thể chủ động trong mọi tình huống phức tạp nhất; Hướng dẫn Công an các đơn vị địa phương xây dựng các phương án cứu nạn cứu hộ trên quy mô lớn do tác động của sự cố thiên tai; đôn đốc các địa phương thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong công tác cứu nạn, cứu hộ;

Bốn là, đối với Công an các địa phương cần quan tâm thực hiện một số nội dung sau:

- Tổ chức thực hiện nghiêm chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Cảnh sát PCCC tại địa phương (Phòng PC07) và CBCS Công an thuộc các đơn vị PK02, PC06, PC10, PC11, PH10 đã được đào tạo, huấn luyện kỹ, chiến thuật ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc Công an tỉnh. Chỉ đạo các lực lượng này tích cực trong công tác tập huấn, huấn luyện kiến thức, kỹ năng cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ chiến sỹ trong các đơn vị mình công tác và và huấn luyện cho cộng đồng;

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khảo sát, nắm chắc tình hình và dự báo những tác động của các dạng sự cố thiên tai đến địa bàn thuộc tỉnh, để từ đó xây dựng các phương án ứng phó sát với thực tiễn tình hình và phù hợp với thực tế lực lượng, phương tiện tại địa phương. Ngoài ra, trong phương án ứng phó sự cố thiên tai đối với một số tình huống đặc trưng, cần tính đến tình huống vượt khả năng xử lý của địa phương, cần huy động lực lượng, phương tiện từ các địa phương lân cận và từ trung ương nếu cần thiết;

- Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh trong xây dựng quy hoạch hạ tầng cơ sở về PCCC và CNCH; quan tâm đầu tư xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tại địa phương dần tiến lên chính quy, trang bị các phương tiện cần thiết cho lực lượng này để chủ động, kịp thời hoàn thành tốt nhiệm vụ ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; quan tâm xây dựng các lực lượng nhằm đáp ứng tốt phương châm 4 tại chỗ của địa phương mình;

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện thống kê các phương tiện đặc chủng của các tổ chức, cá nhân như xe ủi, xe xúc, tàu, thuyền… có thể tham gia, hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ để kịp thời huy động khi cần thiết.

- Có quy chế phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp tại địa phương trong công tác ứng phó sự cố thiên tai. Đặc biệt là các lực lượng vũ trang trên địa bàn (lực lượng Quân đội và Dân quân tự vệ);

Năm là, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, qua đó sẽ giúp cho các lực lượng tranh thủ được kinh nghiệm quốc tế trong công tác này; tranh thủ sự hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ và nguồn lực vật chất, phương tiện từ các tổ chức quốc tế phục vụ công tác ứng phó sự cố thiên tai trong nước./.


Nguồn: http://canhsatpccc.gov.vn/ArticlesDetail/tabid/193/cateid/1138/id/9207/language/vi-VN/Default.aspx
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu