A- A A+ |

Vui, buồn bên Tổng đài 114

Tổng đài 114 là đầu số được quy định để tổ chức, cá nhân gọi điện thoại báo tin khẩn cấp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, hàng ngày tổng đài này vẫn phải tiếp nhận hàng chục cuộc gọi đến với nội dung: Chị ơi, sao tôi gọi số 115 mà không có tín hiệu; cho tôi xin số máy báo mất điện; cô ơi, cháu ở nhà một mình, buồn lắm...

Đại úy Phạm Thị Oanh, Đội Công tác chữa cháy và CNCH và đồng đội trực Tổng đài 114.

Đội Công tác chữa cháy và CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa có 16 cán bộ, chiến sĩ, vừa làm nhiệm vụ tham mưu chỉ huy công tác chữa cháy và CNCH, như tuyên truyền, huấn luyện, xây dựng phương án chữa cháy và CNCH, vừa trực Tổng đài 114, tiếp nhận thông tin báo cháy, nổ, sự cố tai nạn từ các tổ chức, cá nhân trong tỉnh. Thời gian qua, bám sát nhiệm vụ được giao, tập thể cán bộ, chiến sĩ của đội luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận thông tin báo cháy, đội đã phân công cán bộ, chiến sĩ trực 24/24 giờ trong ngày đối với 3 máy Tổng đài 114. Tại phòng tổng đài, không phân biệt ngày đêm, giờ làm việc hành chính hay giờ nghỉ, luôn có ít nhất 3 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp nhận tin báo. Hễ chuông vang lên, họ đều nhấc máy nghe với giọng trân trọng: “A lô, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa xin nghe!”. Thế nhưng, thông tin họ nhận được không phải lúc nào cũng liên quan đến hỏa hoạn, hay sự cố CNCH.

Mới 9 giờ sáng, sau tiếng “A lô, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa xin nghe!” là tiếng “tút, tút”. Vài giây sau chuông lại vang, Đại úy Phạm Thị Oanh lại nhấc điện thoại: “A lô”... Lần này có giọng nói: “Cô là ai đấy ạ”. Biết là một bé gái, với tinh thần trân trọng mọi tổ chức, cá nhân và không bỏ sót thông tin sự cố cứu hỏa, CNCH, Đại úy Oanh trả lời: “Các cô tiếp nhận thông tin cháy, nổ, cứu người. Cháu có việc gì không”? Đầu dây bên kia đáp lại: “Cháu ở nhà một mình buồn lắm cô ạ. Cô nói chuyện với cháu đi”. Đại úy Oanh hỏi han, rồi khéo léo tạm biệt em bé, để trở lại với nhiệm vụ của mình.

Đại úy Oanh nói: “Các bé gọi điện đến Tổng đài 114 là chuyện như cơm bữa. Có ngày, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 100 cuộc gọi như thế”. Lý giải về nguyên nhân xảy ra tình trạng này, nữ đại úy cho rằng, có thể do bố mẹ đi làm, gửi các bé chơi với ông bà và cho sử dụng điện thoại thông minh chỉ để chế độ cuộc gọi khẩn cấp. Trong lúc chơi, các cháu vô tình bấm máy gọi. Hoặc có thể, do các bé hiếu động mà gọi.

Trực Tổng đài 114 từ giữa năm 2021 đến nay, Đại úy Phạm Thị Oanh đã tiếp nhận hàng trăm thông tin về sự cố cháy nổ, CNCH, phục vụ công tác triển khai phương án chữa cháy và cứu người, cứu tài sản kịp thời trong mọi tình huống, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Nhưng chị và đồng đội cũng đã tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi quấy rối, trêu chọc...

Mới tháng trước, trưa một chủ nhật, chị và 2 đồng đội khác đang trực tổng đài, thì một máy điện thoại đổ chuông. Nhấc máy lên thì đầu dây bên kia giọng gấp gáp: “Có phải đây là tổng đài cứu hỏa”. Rồi máy lại “tút tút”. Dự đoán có sự cố, các chị tập trung truy số máy gọi đến và gọi lại với những mong hỗ trợ tối đa cho người dân gặp nạn. Nhưng khi đầu kia bắt máy, lại là mấy cô cậu học trò: “Cô ơi, cô có người yêu chưa ạ”...

Đó là còn chưa kể, có người gọi điện đến tổng đài cứu hỏa để xin số máy báo mất điện, hay hỏi vì sao gọi cho Tổng đài 115 mà không có tín hiệu,... Có đêm trực, khi anh em chiến sĩ nhấc điện thoại lên nghe thì tổng đài “bất đắc dĩ” trở thành nơi để các chị em kể lể chuyện tình cảm. Theo cán bộ, chiến sĩ Đội Công tác chữa cháy và CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, thời điểm các cuộc gọi quấy rối diễn ra nhiều nhất trong ngày là vào giờ nghỉ trưa, từ 11 giờ 30 phút đến 13 giờ, buổi tối từ 23 giờ đêm đến 1 - 2 giờ sáng. Đối tượng quấy rối thì đủ mọi thành phần, từ phụ nữ cô đơn đến các “ma men” say xỉn cho đến các bé thiếu nhi.

Có thời điểm, Đội Công tác chữa cháy và CNCH còn gặp chuyện một người đàn ông quê ở huyện Thọ Xuân, liên tục gọi điện đến quát tháo, chửi bới. Sau khi cán bộ trực điện thoại tuyên truyền, nhắc nhở, đối tượng lại chuyển sang nháy máy quấy rối hàng chục cuộc trong ngày. Sau đó, đội đã phải liên hệ, tìm hiểu thông tin cá nhân, rồi đề nghị công an xã đến nhà đối tượng để vận động, tuyên truyền mới chấm dứt.

Do sự cố cháy, nổ, tai nạn sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vậy nên dù là ban ngày bận rộn ồn ào hay đêm khuya thanh vắng, giờ hành chính hay giờ nghỉ trưa, cán bộ, chiến sĩ khi trực tổng đài luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin mọi lúc. Hễ chuông điện thoại vang, họ đều nhấc máy lên nghe, để không bỏ sót bất kỳ một tin báo nào. Tuy nhiên việc trêu đùa, quấy rối kia đã khiến công việc bị gián đoạn, nhiều lúc làm họ phân tâm, căng thẳng.

Theo Đại úy Nguyễn Văn Quang, Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và CNCH, Trước đây, Tổng đài 114 không chỉ phải nhận tin quấy rối, mà còn gặp cả tin báo cháy giả. Tuy nhiên, từ khi Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; CNCH; phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực đã ngăn chặn tình trạng này. Cụ thể, Nghị định 144/2021/NĐ-CP phạt tiền từ 4 triệu - 6 triệu đồng đối với hành vi báo cháy giả; báo tin sự cố, tai nạn giả.

Đại úy Nguyễn Văn Quang cho rằng: Với 3 đường dây trực tiếp nhận cuộc gọi đến, nếu các cuộc gọi quấy rối quá nhiều như đang xảy ra có thể khiến đường dây bận liên tục, ảnh hưởng việc tiếp nhận những trường hợp có tin báo cháy thật. Mong rằng người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thông tin đến cơ quan chức năng bất cứ tin báo gì.

Khoản 3, Điều 7, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định: Phạt tiền từ 2 triệu - 3 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 111, 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm.

 


Nguồn: Báo Thanh Hóa
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu