Trong biển lửa có trái tim ấm tình người

Là một người từng học phòng cháy chữa cháy, tôi rất phân vân khi chọn viết về một người đồng nghiệp với nhiều thành tích nổi bật.

Viết về nghề của mình hẳn nhiên tôi sẽ có lợi thế về nghiệp vụ, hiểu về những khó khăn, vất vả của anh em, nhưng cũng rất dễ làm mất đi tính khách quan vốn có của nhân vật. Suy nghĩ mãi cuối cùng tôi mới quyết định viết, bởi lẽ viết về ngành cũng chính là cách lan tỏa đi những thông điệp đẹp về những người lính cứu hỏa đồng thời cho mọi người nâng cao ý thức trong việc phòng chống cháy nổ, bảo vệ an toàn cho chính mình.

Với Đông, việc cứu người, việc hy sinh là bản năng, là những gì bình thường đến mức chẳng phải đắn đo suy nghĩ
 

Tôi hẹn gặp thượng sĩ Tống Văn Đông tại quán nước ngay cạnh Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Phòng PC07), Công an tỉnh Thanh Hóa nơi mà Đông đang công tác. Thấy tôi Đông nở một nụ cười tươi làm sáng bừng khuôn mặt đen nhẻm vì dang nắng tập nghiệp vụ của anh. Nhìn Đông tôi vẫn không thể nghĩ được chàng trai với vóc dáng nhỏ bé này có thể làm được những điều lớn lao như thế.

Tống Văn Đông sinh năm 2000, tại vùng quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Chất quê thấm trong con người Đông thể hiện qua cả lời nói chân phương, không câu nệ khi trả lời những câu hỏi của tôi. Hỏi về hành trình trở thành người lính cứu hỏa, chẳng phải do đam mê từ bé hay ngưỡng mộ những người lính trên chiếc xe đỏ hú còi trên đường, Đông thẳng thắn: “Em học xong cấp ba thì đăng ký nghĩa vụ công an, hết thời gian nghĩa vụ được tổ chức phân công về PC07 nên em làm công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ từ đó cho đến giờ”. Tôi đã cố hỏi lại xem có nguyên nhân hay động lực nào khác để bài ký của mình thêm “lung linh” một chút nhưng câu trả lời tiếp theo càng làm tôi bất ngờ: “Thực ra lúc đầu nhận quyết định về PC07 em hơi chạnh lòng, bạn bè của em cùng khóa huấn luyện toàn về hình sự, ma túy toàn công an “xịn” mỗi em về phòng cháy”.

Hỏi tiếp về thành tích nổi bật thì Đông chỉ nói vỏn vẹn: “Em đi làm nhiều vụ lắm, giờ anh hỏi em chẳng nhớ nữa, vụ nổi bật nhất thì trên báo người ta cũng viết đầy đủ cả rồi”. Nghe câu trả lời của Đông tôi nghĩ bụng, thôi hỏng, như này thì ký kiểu gì đây. Cũng may tôi đã xin số liệu những vụ cháy mà Đông từng tham gia từ một người đồng nghiệp cũ. Sau khi tôi nêu ra một vài vụ cụ thể Đông mới nhớ ra và kể về nó.

Vào tháng 1.2021 hàng loạt các bài báo, chương trình ti vi nói về việc ba chiến sĩ cởi mặt nạ phòng độc của mình nhường cho nạn nhân trong vụ cháy 16.1.2020 (23 tháng chạp) tại tòa nhà dầu khí Thanh Hóa trên đại lộ Lê Lợi, TP. Thanh Hóa. Sau khi nhường mặt nạ các chiến sĩ bị ngạt khói dẫn đến hôn mê, rất may đồng đội đã kịp thời cứu và đưa đi cấp cứu. Một trong ba chiến sĩ được vinh danh, cũng là người nặng nhất trong ba người đó là Tống Văn Đông, khi ấy Đông đang đeo quân hàm binh nhất. Đây có lẽ là vụ Đông được nhiều người biết đến nhất, tôi hỏi Đông lúc đấy lý do gì khiến em hành động như vậy. Vẫn là câu trả lời thẳng như không thể thẳng hơn: “Em chẳng nghĩ gì đâu anh, sự việc xảy ra chỉ trong vài giây, mấy người đó đang rất yếu. Việc cần làm là phải cứu họ, mình không cứu thì họ sẽ chết nên em hành động theo bản năng thôi”.

Tôi nghe câu trả lời bỗng thấy xúc động, bản năng của con người là bản năng sinh tồn, là bản năng tự cứu lấy mình thoát khỏi hiểm nguy chứ đâu phải là hy sinh thân mình để cứu người khác. Vậy mà Đông coi việc hy sinh là bản năng, là những gì bình thường đến mức chẳng phải đắn đo suy nghĩ. Là một người hiểu về chuyên ngành, tôi biết Đông và đồng đội đã thực hiện sai nguyên tắc chiến đấu trong đám cháy, nhưng có lẽ trong giây phút đó chẳng có nguyên tắc nào có thể đúng hơn nguyên tắc từ trái tim yêu thương, từ tình người của người lính cứu hỏa.

Nói rồi Đông thở dài: “Sau vụ ấy em buồn mãi anh ạ, giá như em có thể lực tốt, gắng chút nữa không lịm đi trong đám cháy để lên tầng trên thì em đã có thể cứu được thêm một chị gái. Chị ấy ở ngay phòng vệ sinh tầng trên của em. Sau khi tỉnh dậy nghe thông tin chị gái ấy đã chết ở đó em cứ trách mình mãi”. Đôi mắt Đông đỏ hoe khi nói với tôi về nạn nhân xấu số trong vụ cháy ngày hôm ấy. Tôi im lặng chẳng biết phải nói gì, nghề của chúng tôi chạy vào chỗ mà người ta tìm mọi cách chạy ra. Nỗi buồn lớn nhất đối với lính cứu hỏa là không cứu được nạn nhân.

Ngoài ra, những vụ việc liên quan đến cứu nạn cứu hộ liên quan đến đuối nước cũng để lại trong những người lính nhiều suy tư. Thương tâm lắm anh ạ. Như vụ nhảy sông tự tử ở Cầu Nguyệt Viên (TP. Thanh Hóa) ngày 19.4.2020 do nạn nhân trầm cảm, anh em trong đội cả đêm chăng đèn ngụp lặn dưới dòng sông Mã nước chảy xiết đến sáng ngày 20.4.2020 mới tìm thấy thi thể nạn nhân. Bàn giao thi thể lại cho gia đình, nghe tiếng gào khóc của người nhà mà cả đội chết lặng.

Hay như vụ gần đây nhất mà Đông tham gia là vào ngày 6.6.2022 tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa một cháu bé đi tắm sông bị nước lũ cuốn trôi. Cả đội triển khai đủ các biện pháp từ lặn, đến chăng lưới đón dòng nước chảy vẫn không tìm được thi thể cháu bé. Dẫu biết nạn nhân đã chết, nhưng việc sớm tìm thấy thi thể người bị nạn, ngoài vấn đề tâm linh nó còn giúp người nhà vơi đi nỗi đau mất mát người thân. Đặc biệt là hình ảnh bà mẹ nằm vật vờ ở bờ sông chờ, gọi tên con càng làm cho những người lính cứu nạn cứu hộ thêm khẩn trương, bằng mọi giá phải sớm nhất tìm được thi thể cháu bé. Vậy mà cũng phải đến ngày thứ ba anh em trong đội mới có thể tìm thấy cháu bé. Mẹ cháu ngất ngay khi thấy thi thể cháu được đưa lên bờ, người bố nén nước mắt đau thương, đi đến từng chiến sĩ để bắt tay nói câu cảm ơn, giọng run run câu cảm ơn lẫn trong sự nghẹn ngào. Hôm đó Đông phải quay đi chẳng dám nhìn lại, dù không biết đây là vụ thứ bao nhiêu nhưng Đông vẫn chẳng thể cầm nổi nước mắt.

"Dù chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nguy hiểm và vất vả, nhưng nghề này cho em những niềm vui mà dù làm bất cứ công việc gì em cũng chẳng thể nào có được", Đông nói
 

Còn những vụ đuối nước do bão lũ số người chết lớn việc trục vớt xác nạn nhân vừa khó khăn vừa thương xót, mỗi thi thể được bàn giao mà mỗi tiếng thét đau đớn của người nhà.

Tôi hỏi Đông, bây giờ em có còn chạnh lòng hay hối hận khi mình làm lính chữa cháy nữa không? Đông cười, việc tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, những trải nghiệm và bài học đã giúp em trưởng thành nhiều. Dù chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nguy hiểm và vất vả, nhưng nghề này cho em những niềm vui mà dù làm bất cứ công việc gì em cũng chẳng thể nào có được. Đó là niềm vui được cứu người, được giúp dân anh ạ. Em sẽ chẳng đánh đổi bất cứ món ăn sơn hào hải vị nào để lấy cái bánh mì khô khốc mà người dân mua cho sau khi chữa cháy xong như một cách cảm ơn, hay sự tung hô để đổi lấy cái bắt tay và câu cảm ơn đầy chân tình của người được cứu. Nghề nó chọn em, nhưng em chọn yêu nghề anh ạ.

Chia tay Đông, tôi đã có đủ tư liệu để hoàn thành bài viết của mình. Tôi nhận ra đẹp nhất và đáng trân trọng ở Đông có lẽ không phải những chiến công mà là tấm lòng. Tấm lòng đẹp nở ra những hành động đẹp. Ghi nhận cho thành tích của Đông, anh đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, ngoài ra còn có giải thưởng Thanh niên Công an tiêu biểu năm 2020 và nhiều bằng khen, giấy khen của TW Đoàn... Tháng 4.2022 Đông chính thức được chuyển chuyên nghiệp, mong rằng với sự quan tâm và khích lệ ấy thượng sĩ Tống Văn Đông sẽ có thêm động lực, nhiệt huyết để trái tim trong biển lửa vẫn luôn ấm nóng tình người.

 

Tác giả: Lê Đình Trung
Nguồn: Báo Thanh niên
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu