Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy chữa, cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đối với công tác chữa cháy, giai đoạn ban đầu được xem là “khoảng thời gian vàng”. Bởi vì lúc này, ngọn lửa chưa phát triển và phạm vi cháy chưa lớn nên việc chữa cháy của lực lượng tại chỗ dễ dàng đạt hiệu quả cao, để thực hiện tốt giai đoạn chữa cháy ban đầu thì phương tiện chữa cháy tại chỗ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức dập tắt đám cháy.

 Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế đối với các cơ quan, tổ chức, cơ sở thì việc quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH) còn rất nhiều tồn tại, hạn chế như: không duy trì việc kiểm tra, bảo dưỡng; không xây dựng quy trình bảo quản, bảo dưỡng theo quy định; phương tiện, thiết bị chữa cháy và CNCH hư hỏng không được sửa chữa kịp thời;…. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc khi xảy ra cháy việc tổ chức chữa cháy ban đầu không hiệu quả do phương tiện chữa cháy và CNCH tại chỗ không sử dụng được hoặc sử dụng được nhưng hiệu quả chữa cháy không cao. Nguyên nhân dẫn đến các tồn tại trên là do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở không thực hiện hết trách nhiệm của mình trong công tác PCCC nói chung và công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy chữa cháy và CNCH nói riêng.

Vậy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở có trách nhiệm như thế nào trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ? chúng ta cùng tìm hiểu dưới đây.

Theo quy định tại Điều 13, Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05/02/2021 của Bộ Công an quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy chữa cháy và CNCH thì trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được quy định như sau:

- Tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý;

- Tổ chức cho cán bộ, nhân viên, người lao động trong cơ quan, tổ chức, cơ sở học tập, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã trang bị;

- Phân công người làm công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

- Bảo đảm kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Kiểm tra, xử lý vi phạm hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

- Thống kê, báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp và cơ quan có thẩm quyền về công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

- Tổ chức lập và quản lý hồ sơ về phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền;

Việc thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở đối với công tác PCCC nói chung và công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nói riêng có vai trò quan trọng trong việc duy trì tốt nhất chất lượng của phương tiện, bảo đảm công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy; công việc này không chỉ đảm bảo cho phương tiện luôn vận hành ổn định mà còn giúp phát hiện sớm lỗi kỹ thuật, hư hỏng, đồng thời kéo dài tuổi thọ của phương tiện được trang bị; đặc biệt là góp phần tích cực vào việc phát huy được tính hiệu quả trong việc sử dụng phương tiện tại chỗ để dập tắt đám cháy khi mới phát sinh góp phần làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn cháy lan, cháy lớn đúng với phương châm: Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân./.

 

Tác giả: Phòng 5 - C07
Nguồn: Cục C07
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu