Hoặc bây giờ hoặc không bao giờ

- Những ngày đầu năm 2022, Công an TP Thanh Hóa và Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy - cứu hộ, cứu nạn (PCCC&CHCN) Công an tỉnh đang tổ chức kiểm tra, vận động các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phường Điện Biên tháo dỡ lồng sắt kiểu “chuồng cọp” để tạo lối thoát khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

(Ảnh minh họa)

 

Thời gian qua đã có nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng có nguyên nhân từ việc thiếu lối thoát hiểm dẫn đến người trong nhà tử vong. Cuối năm 2021, trên địa bàn phường Điện Biên đã xảy ra vụ hỏa hoạn làm 3 người trong nhà thiệt mạng. Vụ hỏa hoạn đã khép lại nhưng dư âm của nó thì còn lâu dài, cảnh tỉnh chúng ta.

Không riêng gì phường Điện Biên, mà ở nhiều đô thị hiện nay vẫn còn nhiều hộ gia đình làm lồng sắt để chống trộm cắp xâm nhập, nhưng lại không chú ý đến việc thoát nạn khi có rủi ro từ bên trong.

Công an TP Thanh Hóa và Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN đã đến các hộ gia đình thuộc phường Điện Biên tuyên truyền, ký cam kết, hướng dẫn chủ động mở lối thoát hiểm trên các lồng sắt kiểu “chuồng cọp” bằng cách cắt các song chắn, lắp bản lề tạo thành cánh cửa để thoát nạn.

Việc tạo “lồng sắt” quá kiên cố trong thời đại công nghệ dường như không còn phù hợp nữa. Thị trường hiện nay cung cấp nhiều thiết bị cảnh báo an ninh với những phân khúc khác nhau, mỗi gia đình có thể lựa chọn phù hợp với khả năng tài chính của mình để đảm bảo phòng, chống được các nguy cơ tấn công từ bên ngoài, cũng có thể chủ động thoát hiểm từ bên trong.

Không phải bây giờ cơ quan chức năng mới vận động, đề nghị các gia đình tháo bỏ những vật cản lối thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn. Việc gây cản trở cho việc cứu hỏa đã được đề cập trong nhiều văn bản pháp luật, nhưng nhiều người đã không quan tâm. Sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại số nhà 02A Triệu Quốc Đạt, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa rạng sáng 27-12-2021 làm 3 người chết được xác định do không có lối thoát hiểm cũng như đường để lực lượng cứu hỏa tiếp cận hiện trường vụ cháy, thì việc tháo bỏ lồng sắt kiểu “chuồng cọp” ở hộ gia đình càng trở nên câu thúc hơn.

Đây vừa là trách nhiệm của cơ quan chức năng, cũng là nghĩa vụ của mỗi gia đình. Không chỉ riêng hộ gia đình trên địa bàn phường Điện Biên, TP Thanh Hóa, mà bất cứ gia đình nào cũng phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về khả năng hỏa hoạn có thể xảy ra để sớm có sự ứng phó. Hoặc là bây giờ tự giác tháo dỡ lồng cọp để tạo lối thoát hiểm hoặc sẽ không bao giờ còn cơ hội để làm điều đó nữa một khi “bà hỏa” đến nhà.

 

Nguồn: Báo Thanh Hóa
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu