Cẩn trọng với “bà hỏa” trong lễ ngày rằm tháng Giêng
Hỏa hoạn có thể xảy ra ở bất cứ chỗ nào, mùa nào ngay cả khi tiết trời ẩm ướt nhất vẫn thường xảy ra cháy lan, cháy lớn. Có nhiều người chủ quan thường đặt câu hỏi, tại sao trời nồm ẩm ướt như dịp mưa xuân vẫn có thể xảy ra cháy lớn... Chỉ còn ít ngày nữa là đến rằm tháng Giêng, do đó người dân hết sức lưu ý đến công tác PCCC khi cúng bái ngày lễ này.
Hỏa hoạn rình rập nơi thờ tự, đình, đền, miếu, phủ
Theo phong tục của người Việt, ngày rằm tháng Giêng thường xem như ngày lễ trọng, vì thế có nhiều gia đình cúng lễ, ăn uống linh đình. Cùng với đó, trong các ngày từ 13 đến 15 tháng Giêng, ngoài việc cúng lễ ở ban thờ gia đình thì đi lễ tại các nơi thờ tự đình, chùa, miếu, phủ rất phổ biến.
Việc dâng hương, đốt vàng mã ở trong gia đình và nơi đình, đền, phủ, miếu thường diễn ra với quan niệm ngày đầu năm may mắn.
Xuất phát từ quan niệm đó, đã tiềm ẩn nguyên ngân dẫn đến cháy, nổ gia tăng vào các ngày này, thậm chí còn có thể gây cháy đình, chùa do ý thức chủ quan muốn dâng “mâm cao cỗ đầy” lên chùa, phủ, hoá thật nhiều vàng, mã để mong được bình an, may mắn.
Hẳn nhiều người còn nhớ, trong khói hương nghi ngút vào ngày rằm tháng Giêng năm 2016, chỉ vì các phật tử chủ quan, đến lễ chùa Trích Sài, quận Tây Hồ, Hà Nội tự ý thắm hương ở nơi có vàng mã, mặc dù nhà chùa đã có quy định chỉ thắp 1 nén hương và cắm ở đỉnh đồng trước sân là đủ, tuy nhiên việc này không được tuân thủ.
Hậu quả sau khi người dân ra về, đã xảy cháy thiêu rụi toàn bộ dãy nhà gỗ cổ với kiến trúc có giá trị muôn đời.
Chỉ một chú vô ý, cộng với sự chủ quan, thiếu kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, đã gây ra hậu họa không lường. Rất may, vụ cháy đã không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản không đo đếm được và giá trị kiến trúc của ngôi chùa cổ đã không còn.
Không chỉ nơi thờ tự, miếu, phủ bị đe doạ bởi việc hóa vàng, thắp hương nến bất cẩn, mà trong gia đình cũng luôn ở trạng thái cảnh báo... Trên thực tế, báo cáo của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, số vụ cháy vào những ngày rằm tháng Giêng hàng năm thường cao hơn các ngày khác.
Vụ cháy nhỏ thì gia đình tự xử lý, cháy lớn phải xin chi viện từ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.
Vụ cháy tại căn nhà tầng 4, ở phố Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm xuất phát từ việc hóa vàng, mã trên tầng thượng của ngôi nhà 4 tầng, đã làm nhiều người trong gia đình gặp phen chết hụt. Rất may, những người trong gia đình đã thoát nạn kịp thời và lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH đã xử lý kịp thời, ngăn cháy lan, cháy lớn.
Nâng cao ý thức, chủ động đề phòng hỏa hoạn
Có thể nói, hầu hết trong các nơi thời tự, chùa, phủ đều có biển hạn chế thắp hương, nến và đốt vàng mã, song không phải người dân nào cũng ý thức được điều đó để điều chỉnh bản thân.
Chính vì thế mà những nơi này vào ngày rằm tháng Giêng khói bụi từ việc đốt vàng mã vẫn nghi ngút. OK Việc này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn tiền bạc mà còn gây cháy nhà bất cứ lúc nào.
Ở những ngôi chùa có không gian thoáng, rộng việc đốt vàng mã khi gặp gió bay tàn vào các bãi xe tô là nguy hiểm thì các ngôi chùa tọa lạc trong phố cổ, không gian hạn chế còn có cả sự đe dọa đến tính mạng nhiều người. Nhà san sát, quần, áo, chăn, màn phơi phóng khắp nơi, gặp tàn lửa vàng mã bay dính phải cũng có thể trở thành cháy lớn.
Lo ngại về ý thức và sự chủ quan của người dân, năm nào cũng vậy, ngoài nhiệm vụ phòng ngừa cháy, nổ thường xuyên, theo định kỳ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP có chuyên đề riêng cho công tác này, đặc biệt những ngày trước rằm tháng Giêng.
Điển hình là địa bàn quận Tây Hồ, nơi được xem như điểm đến của dịp du xuân rằm tháng Giêng, trong đó có những nơi thường đông đúc khách thập phương như chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, chùa Vạn Niên, chùa Tảo Sách…
Ở những danh thắng, di tích này, ngoài việc trang bị đầy đủ thiết bị PCCC và hướng dẫn Ban quản lý di tích, thắng cảnh, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Tây Hồ còn có cả lực lượng chữa cháy ở cơ sở ứng trực, kịp thời phát hiện, xử lý khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra.
“Việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân hạn chế thắp hương, đốt nến không chỉ bằng nhiều hình thức mà còn có cả nội quy cụ thể ở những nơi di tích, đình, đền, miếu, phủ. Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát PCCC phụ trách địa bàn phải trực tiếp có mặt hướng dẫn tổ chữa cháy cũng như người dân tuân thủ các biện pháp an toàn PCCC” - Thượng tá Nguyễn Xuân Tuấn, Phó Trưởng CAQ Tây Hồ cho hay.
Trong những ngày qua, mặc dù các di tích vẫn thực hiện quy định phòng chống Covid-19, nên hạn chế du khách thập phương đi lễ đông đúc.
Xác định công tác phòng ngừa hiệu quả, tránh thiệt hại về người và tài sản khi có cháy xảy ra, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trên địa bàn toàn thành phố đã tập trung cao độ cho các chuyên đề phòng cháy tại nơi thờ tự, danh thắng.
Ở chùa Hương, lực lượng Công an huyện Mỹ Đức đã tổ chức kiểm tra thường xuyên việc chấp hành an toàn PCCC của Ban quản lý di tích, cũng như trang cấp thiết bị an toàn PCCC tại nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Cùng với đó, công tác cảnh báo cháy rừng tại chùa Hương được các lực lượng triển khai đồng bộ, trong đó việc phát quang tạo giao thông ngăn cháy lan trên khu vực rừng rậm, tuyên truyền phát tờ rơi người dân khu vực lân cận để nâng cao ý thức không sử dụng lửa trần tại khu vực có mật độ lá cây khô phủ kín bề mặt, tránh cháy rừng xảy ra.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến rằm tháng Giêng, đây là thời điểm rất dễ xảy ra nhiều vụ cháy do việc thắp hương, nến, hóa vàng, mã.
Do đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội khuyến cáo khi thắp hương, đốt nến, hóa vàng, mã, cần để mắt tới, đặc biệt khi hóa vàng, mã cần tránh xa nơi có chăn màn, quần áo và các chất dễ cháy khác...
Việc sử dụng điện thắp sáng cho ban thờ cũng cần lưu ý tắt khi đã thắp hương xong, nếu gia đình nào dùng đèn dầu thì sau khi thắp hương xong, cần tắt để tránh chuột chạy va phải, hoặc gió thổi đổ đèn có thể gây cháy lan, cháy lớn.