Phòng, chống ma túy cho giới trẻ hiện nay.

Hiện nay, tình trạng sử dụng trái phép chất ma tuý ngày càng gia tăng, có 60% số người sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu ở độ tuổi từ 15 đến 25 tuổi. Trước thực trạng người nghiện ma túy có xu hướng trẻ hóa, các cơ quan chức năng quan tâm nhiều giải pháp để phòng, chống ma túy, tổ chức cai nghiện ma túy cho giới trẻ.

Nhiều “con đường” vướng vào ma túy

Từ thực tế hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy có thể nhận thấy, một bộ phận không nhỏ người trẻ sử dụng các chất liên quan đến ma túy, ban đầu xuất phát từ những lý do rất đơn giản, như “thấy hay hay, lạ lạ, thử cho biết”, “nghe bạn rủ rê”, hút thuốc lá điện tử, shisha, bóng cười... Sử dụng lâu thành quen, rồi muốn tăng liều, dần dần có những người vướng vào ma túy từ lúc nào không hay.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ở Việt Nam hiện có khoảng 1,1 triệu người hút thuốc lá điện tử. Đáng quan tâm hơn, trong thuốc lá điện tử chứa nicotine tinh chế (nicotine là chất gây nghiện, ảnh hưởng đến não và tim mạch). Điều này lý giải vì sao, có những người trẻ chuyển từ hút thuốc lá điện tử sang dùng các chất có liên quan đến ma túy để tăng cảm giác... Thời gian qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận một số trường hợp ngộ độc chất kích thích, trong đó có cần sa, ma túy tổng hợp được trộn trong thuốc lá điện tử.

Vấn đề cần quan tâm khác, chất gây nghiện có trong các loại đồ ăn, nước uống bắt mắt, được bán ở những địa điểm thường tập trung nhiều người trẻ, trong đó có khu vực xung quanh một số cổng trường học như: “Nước vui”, “bùa lưỡi”, “khô gà”... Giá các loại “hàng hóa” này đa dạngthường khá rẻ. Vì tò mò, thấy lạ, giới trẻ dùng thử các loại “chất lạ” lâu ngày, rồi lệ thuộc vào ma túy từ lúc nào, đôi khi chính bản thân họ cũng không hay biết. Đặc biệt, có những người trẻ, dù biết các chất sử dụng là ma túy, thậm chí là ma túy đá, gây tác hại khôn lường, nhưng họ vẫn sử dụng vì nhiều lý do.

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tham gia lao động trị liệu.

 

Chủ động phòng, chống

Nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy cho giới trẻ, trước hết “mỗi gia đình là một pháo đài”,  phụ huynh phải quản lý, nhắc nhở, hướng dẫn con em mình không “ăn”, không “thử” những loại “bánh kẹo”, thực phẩm, chế phẩm lạ. Cùng với đó là giáo dục con em về tác hại của các chất ma túy, nhất là với nhóm trẻ vị thành niên có xu hướng muốn khẳng định bản thân, tò mò trước những điều mới mẻ. Cộng đồng cần chung tay phòng, chống ma túy, qua đó hạn chế để ma túy thâm nhập đời sống...

Chung tay phòng, chống ma túy cho giới trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên. Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đưa bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” vào giảng dạy, phổ biến ở nhiều cơ sở giáo dục, giúp học sinh, phụ huynh, giáo viên hiểu rõ hơn về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy để chủ động tránh xa ma túy, đồng thời có kiến thức, kỹ năng hỗ trợ người sử dụng ma túy.

Cùng với việc phòng, chống ma túy thì công tác tổ chức cai nghiện ma túy cho người trẻ cũng được các cơ quan chức năng chú trọng triển khai. Hiện nay, Luật Phòng, chống ma túy đã ban hành có nêu rõ quy định, trẻ em nghiện ma túy có quyền tham gia các chương trình cai nghiện, có thể tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc tại các cơ sở cai nghiện. Quy định này vừa mang ý nghĩa nhân văn, vừa là biện pháp quản lý, theo dõi chặt chẽ hơn đối với trẻ em sử dụng ma túy.

Với sự chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp của các cơ quan quản lý Nhà nước, cùng với sự ủng hộ, chung tay từ gia đình và cộng đồng, tỷ lệ người trẻ sử dụng ma túy sẽ giảm dần. Công an tỉnh Thanh Hoá luôn quyết liệt, đấu tranh bài trừ tệ nạn ma tuý. Kêu gọi mọi người dân có thông tin liên quan đến tội phạm về ma túy cần báo ngay cho Cơ quan Công an gần nhất hoặc số điện thoại đường dây nóng của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thanh Hoá số điện thoại thường trực tiếp nhận thông tin 24/24h (0692.889.339) để kịp thời xử lý theo quy định./.

Tác giả: Phòng Cảnh sát ĐTTP về Ma túy - Công an tỉnh Thanh Hóa
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu