Tiện ích từ hoạt động kinh doanh dịch vụ xác thực thông tin công dân trong chip thẻ CCCD gắn chip
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an cho biết, hoạt động kinh doanh dịch vụ xác thực thông tin công dân trong thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp năm 2023 đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Những tiện ích này đã được áp dụng vào các mô hình của Đề án 06/CP, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, phục vụ lợi ích cho người dân, góp phần phát triển kinh tế.
Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, lãnh đạo Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD (Trung tâm RAR) chính thức triển khai dịch vụ xác thực thông tin công dân trong chíp của thẻ CCCD nhằm phát huy vai trò, tiện ích của thẻ CCCD gắp chip điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp và tổ chức, cơ quan Nhà nước; đồng thời, để đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, các giao dịch dân sự, rút ngắn thời gian đi lại của công dân; sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử để thay thế một số giấy tờ trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính; định danh và xác thực chính xác công dân dựa trên dữ liệu trong chip của thẻ CCCD, qua đó, nâng cao công tác phòng ngừa tội phạm giả mạo giấy tờ, lừa đảo.
Trung tâm RAR đã ký hợp đồng, cấp phép cung cấp dịch vụ với 9 đơn vị gồm: Công ty cổ phần dịch vụ EPAY, Công ty cổ phần tập đoàn MK, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FIS), Công ty Cổ phần dịch vụ và công nghệ số Quang Trung (QTS), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần Cokyvina, Tổng công ty Công nghệ - Viễn thông Toàn Cầu (GTEL), Công ty Cổ phần Viễn thông Toàn Cầu (Gmobile), Công ty Cổ phần Giải pháp phần mềm HTC. Đến nay, 9 doanh nghiệp đã góp phần đưa sản phẩm, dịch vụ xác thực CCCD gắn chip phủ rộng thị trường, nhiều ngành, lĩnh vực trong cuộc sống.
Trong đó, triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chip cho nhiều lĩnh vực như: Dịch vụ công, ngân hàng tài chính, thuế, bảo hiểm xã hội, công chứng, giáo dục đào tạo, giao thông vận tải-hàng không, công chứng, dịch vụ bảo vệ, thừa phát lại...
Đơn cử với ngành tài chính, ngân hàng, sản phẩm được đưa vào một trong những nhiệm vụ của ngành tài chính – ngân hàng tại Kế hoạch phối hợp số 01 giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước. Đến nay, hầu hết các tổ chức tài chính, ngân hàng đã biết đến và POC dịch vụ, cũng như biết đến 9 đơn vị được Trung tâm RAR cấp phép.
Ngoài ra, ngành hàng không, đã phối hợp Cục Hàng không và ACV triển khai thí điểm dịch vụ xác thực sinh trắc học đối với hành khách làm thủ tục bay nội địa tại sân bay Cát Bi - Hải Phòng, Phú Bài - Thừa Thiên Huế.
Còn với ngành y tế, bảo hiểm, triển khai khám chữa bệnh sinh trắc học tại các cơ sở y tế, tích hợp dịch vụ xác thực vào Kiosk tiếp đón tự động, giúp giảm tải tại bộ phận tiếp đón của bệnh viện, hạn chế tình trạng xếp hàng lấy số... Các tổ chức hành nghề công chứng, dịch vụ bảo vệ, thừa phát lại; bộ phận giải quyết thủ tục hành chính công... Với tổng số lượt xác thực đến thời điểm hiện tại là gần 1 triệu lượt.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh dịch vụ xác thực thông tin công dân trong chip thẻ CCCD gắn chip năm 2023, Trung tâm Rar đã tổ chức vinh danh các đơn vị có thành tích nổi bật. Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đề nghị, năm 2024, các doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ tiếp tục nghiên cứu về các tiện ích, ứng dụng của thẻ CCCD trên thế giới và tại Việt Nam để có định hướng, chiến lược về việc cung cấp dịch vụ; tiếp tục có các giải pháp, sản phẩm phủ kín nhiều lĩnh vực để cung cấp dịch vụ ứng dụng tiện ích thẻ CCCD phục vụ người dân, doanh nghiệp.