Chiến tranh đã lùi xa 50 năm nhưng dư âm và nỗi đau vẫn còn đọng lại trong biết bao gia đình Việt Nam, 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống với hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa quy tập được hoặc chưa xác định danh tính. Trong đó tỉnh Thanh Hóa có 55 nghìn liệt sĩ, với 37 nghìn liệt sĩ không xác định được thông tin phần mộ, hơn 11 nghìn liệt sĩ đã xác định được thông tin phần mộ...có 33 mẹ Việt Nam anh hùng và 529 mẹ đẻ liệt sĩ còn sống (đây là những trường hợp ưu tiên đầu tiên trong việc thu thập mẫu ADN theo dòng mẹ để xác định danh tính của liệt sĩ chưa xác định được thông tin theo mức độ ưu tiên gần kề). Trong thời đại ứng dụng chuyển đổi số, nhiều giải pháp công nghệ từ Đề án 06 đã và đang được triển khai, nhằm hỗ trợ hành trình dài tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính, đưa các anh trở về với đất mẹ.
Nhằm đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính của liệt sĩ chưa rõ thông tin và triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được thông tin, cập nhật AND vào Cơ sở dữ liệu Căn cước, từ đó xây dựng Cơ sở dữ liệu Căn cước có thể tích hợp, chia sẻ đầy đủ ADN hài cốt liệt sĩ đảm bảo đúng quy định theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch triển khai khảo sát thông tin mộ liệt sĩ và thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được thông tin trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa..
Ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ đã tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách tìm kiếm, xác định liệt sĩ chưa xác định thông tin; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và Nhân dân cung cấp thông tin, phối hợp tham gia tìm kiếm thông tin thân nhân liệt sĩ còn thiếu thông tin để xác định danh tính liệt sĩ và đồng hành thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin…
Đặc biệt, lực lượng Công an đã phối hợp với các ban ngành chức năng nhất là phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội (trước đây) rà soát dữ liệu thông tin hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính và nhân thân gia đình có liệt sĩ chưa xác định thông tin hài cốt; rà soát, làm sạch thông tin nhân thân liệt sĩ và tạo lập kho dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, phối hợp tổ chức công tác tiếp nhận danh sách thân nhân; thực hiện công tác rà soát, xác minh thông tin thân nhân gia đình liệt sỹ và thu thập, cập nhật, điều chỉnh nếu thiếu hoặc có sai sót; cập nhật vào hệ thống dữ liệu dân cư theo diện “thân nhân liệt sĩ”, đảm bảo thông tin chính xác, đúng tiến độ đề ra và có phương án xử lý với các trường hợp thông tin sai lệch theo đúng quy định.
Đến nay, toàn tỉnh đã cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư thông tin thân nhân hưởng trợ cấp của 48.748 trường hợp (đạt tỷ lệ 100%); thông tin liệt sĩ của 48.376 trường hợp (đạt tỷ lệ 99,2%); đã rà soát được 100% trường hợp thân nhân trong số 37.431 liệt sĩ không xác định; câp nhật trên hệ thống dữ liệu Quốc gia về dân cư 35.717 trường hợp (đạt tỷ lệ 95,3 %).
Đây là bước chuẩn bị đầu tiên cho lộ trình tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng, sớm “tìm được tên cho liệt sĩ” để tri ân, góp phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân; đồng thời thể hiện quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa.
Việc khảo sát thông tin liệt sĩ và thân nhân để triển khai thu thập mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính là việc làm hết sức ý nghĩa, mang giá trị nhân văn cao đẹp. Không chỉ mang lại niềm an ủi, xoa dịu nỗi đau cho người ở lại, đây còn là sự tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc./.