Công an Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tuyên truyền, lấy ý kiến đóng góp đối với 2 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình kỳ họp thứ 6,  Quốc hội khóa XV

Chiều 19/10/2023, Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tuyên truyền, lấy ý kiến đóng góp đối với 2 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Đó là Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở. Thiếu tướng Trần Phú Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị…

Tham dự hội nghị có Đại tá Phùng Xuân Tiến, Phó Giám đốc Công an tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, Ủy ban MTTQ tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh đã khái quát những nội dung trọng tâm, cơ bản liên quan đến dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và Luật Căn cước. Đồng thời khẳng định, việc xây dựng 2 dự án luật trên đã tiếp tục khẳng định tinh thần nỗ lực, cố gắng của Bộ Công an trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 27 ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cũng cho biết, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thảo luận, cho ý kiến về 2 dự án: Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Trong đó, đa số đại biểu Quốc hội đều tán thành về sự cần thiết ban hành và các nội dung cơ bản của các dự án Luật, góp phần bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo bước đột phá trong chuyển đổi số quốc gia. 

Thiếu tướng Trần Phú Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu khai mạc

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, giải trình và xác định việc đổi tên thành Luật Căn cước sẽ bao quát phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, kể cả người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, tạo tiện ích tối đa cho người dân, giảm thiểu thủ tục hành chính, giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tạo hành lang pháp lý để kiện toàn, thống nhất các lực lượng ở cơ sở hiện nay thành một lực lượng, cùng vị trí, chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ CAND thực thi nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở; giải quyết chính sách, chế độ, bảo hiểm y tế cho lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố và Công an xã bán chuyên trách.

Thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh, Thiếu tướng Trần Phú Hà bày tỏ mong muốn nhận được các ý kiến góp ý của đại diện các ban, sở, ngành, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đại biểu tham gia hội nghị để dự án luật được hoàn thiện và có tính khả thi cao nhất.

Sau khi nghe tuyên truyền về các dự thảo Luật, các đại biểu tham gia hội nghị đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá thực trạng quản lý công dân, chuyển đổi số, tình hình ANTT ở cơ sở, dự báo tình hình trong thời gian tới… Từ đó cho rằng, việc ban hành luật là cần thiết, phù hợp với thực tiễn tình hình, góp phần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đã đi sâu phân tích quy định, đề xuất, góp ý một số nội dung nhằm hoàn thiện các dự thảo luật. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật Lưc lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở cần làm rõ thêm quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; làm rõ quy định về nguồn kinh phí phục vụ; việc khen thưởng, kỷ luật. Cần làm rõ hơn các nội dung như tên gọi, phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc quản lý căn cước trong dự thảo Luật Căn cước… 

Các ý kiến tham luận tại hội nghị

Theo đó, Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được xây dựng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sau khi được kiện toàn. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể nhiệm vụ, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục sử dụng, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Từ đó sắp xếp, bố trí lực lượng theo hướng thống nhất, tinh gọn đầu mối, dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, có hiệu lực pháp lý cao quy định về nhiệm vụ, hoạt động, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Đối với dự án Luật Căn cước đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Đây là dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm, cho ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng bị tác động. Đại đa số các ý kiến đều đồng thuận, nhất trí với sự cần thiết ban hành luật để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện và xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Đồng thời đáp ứng yêu cầu trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn các nội dung như tên gọi, phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; cần đồng bộ, thống nhất trong việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích của thẻ vào giao dịch dân sự để thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính được thuận tiện hơn, cũng như cần bổ sung quy định chuyển tiếp để bảo đảm việc sử dụng, thay thế từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân nhằm hạn chế phát sinh các thủ tục khác đối với công dân…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh trân trọng cảm ơn, ghi nhận, tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu để tổng hợp, báo cáo Đoàn ĐBQH tỉnh và Bộ Công an trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhấn mạnh lực lượng Công an cũng là một đối tượng chịu tác động của 2 dự án Luật, đồng chí Thiếu tướng Trần Phú Hà yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tổ chức thông tin tuyên truyền, lấy ý kiến góp ý của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân vào các dự án luật. Đồng thời, đăng tải nội dung các dự án luật lên trang thông tin điện tử của đơn vị để tổ chức lấy ý kiến góp ý của quần chúng Nhân dân. 

Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh mong muốn, sau hội nghị này, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh cũng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, cán bộ, đảng viên chú ý đấu tranh, phản bác lại những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, đi ngược lại lợi ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân xung quanh việc xây dựng và hoàn thiện 2 dự án Luật, để 2 dự án Luật đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới./.

Tác giả: Thái Thanh
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu