Cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, 15 điểm mới của dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và những lợi ích mang lại cho người dân, xã hội

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12 năm 2022 và Nghị quyết số 647/NQ-UBTVQH15 ngày 26/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Hồ sơ dự án Luật Căn cước công công dân (sửa đổi). Ngày 17/3/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33/2023/UBTVQH15 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, bổ sung Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (tháng 5 năm 2023) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 11 năm 2023). Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) có một số điểm mới so với Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014 như sau:

* Cơ sở chính trị và pháp lý

Luật CCCD năm 2014 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ Công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung như: (1) Công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau gây khó khăn trong lưu trữ, sử dụng; (2) Chưa có các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ CCCD; (3) Việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC), thẻ CCCD còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, thống nhất vì chưa được quy định trong luật; (4) Không quy định về cấp số ĐDCN cho trường hợp người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam chưa xác định được quốc tịch và hủy, xác lập lại số định danh cá nhân đối với trường hợp công dân có quyết định thôi quốc tịch, công dân được nhập trở lại quốc tịch; (5) Chưa có quy định về tài khoản định danh điện tử đối với tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử (đây là vấn đề lớn, tác động rộng rãi đến nhiều chủ thể khác nhau nên cần được luật hóa để bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp; bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân).

Trong thời gian vừa qua, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Hệ thống CSDLQG về DC và hệ thống sản xuất, cấp quản lý CCCD được xây dựng, hoàn thiện, đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng đã tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức hoạt động, quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, xác lập danh tính điện tử của công dân thông qua mã số định danh cá nhân; người dân có thể thực hiện các giao dịch, các thủ tục hành chính ở bất cứ đâu, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Hiến pháp quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật; người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam; quy định phát triển khoa học công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Việc đổi mới công tác quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của CSDLQG về DC, thẻ CCCD vào công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu cấp thiết, cần được ưu tiên đầu tư, phát triển.

* Cơ sở thực tiễn

 Bộ Công an đã tiến hành cấp hơn 98 triệu số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc đang có trên hệ thống CSDLQG về DC; đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia; tiến hành cấp được gần 80 triệu thẻ CCCD cho trên 82 triệu người dân đủ điều kiện (đạt tỷ lệ 99,35%). Việc kết nối, khai thác CSDLQG về DC phục vụ nhiều hoạt động như: Kết nối với Cổng dịch vụ công, tra cứu thông tin công dân, xác thực số ĐDCD/CCCD, kết nối với các ngành để xác thực thông tin công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đề án 06 cũng đã xác định các nhiệm vụ chính liên quan đến ứng dụng CSDLQG về DC, phát huy giá trị, tiện ích thẻ CCCD. Chính phủ đã xác định nhiệm vụ nâng cao việc ứng dụng cơ sở dữ liệu, phát huy giá trị của thẻ CCCD vào các hoạt động quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

 Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật CCCD năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định cụ thể nêu trên, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật CCCD để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta.

Đồng chí Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu giải trình tại phiên họp thảo luận  về dự án Luật Căn cước công dân sửa đổi, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

 

* 15 điểm mới của Dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) (gọi tắt là Luật)

Thứ 1 về thay đổi tên gọi: Chính phủ đã thống nhất bổ sung các chính sách vào dự thảo Luật. Do vậy, Bộ Công an đã báo cáo, đề xuất Chính phủ điều chỉnh tên gọi từ Luật CCCD thành Luật Căn cước (để đảm bảo tính khái quát và các dữ liệu pháp lý, đảm bảo quyền lợi cho tất cả công dân, phù hợp hội nhập quốc tế).

Thứ 2 về sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật: mở rộng, bổ sung phạm vi điều chỉnh các vấn đề phát sinh, chưa quy định trong Luật CCCD năm 2014. Về giải thích từ ngữ, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và tạo thuận lợi cho việc áp dụng Luật, gồm: Cơ sở dữ liệu chuyên ngành; chủ thể danh tính điện tử; danh tính điện tử của cá nhân; hệ thống định danh và xác thực điện tử; tài khoản định danh điện tử.

Thứ 3 về mở rộng đối tượng áp dụng: bổ sung thêm đối tượng người gốc Việt Nam theo quy định tại Luật Quốc tịch, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh; Luật cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (những người này đều không đủ điều kiện cấp thẻ thường trú, tạm trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; không thể thực hiện khám chữa bệnh, nhập học, tham gia giao dịch dân sự cần chứng minh thông tin nhân thân…). Người gốc Việt Nam được cấp số định danh dành cho người gốc Việt Nam và giấy chứng nhận căn cước (số định danh dành cho người gốc Việt Nam là dãy số khác so với số định danh cá nhân của công dân Việt Nam). Lợi ích: quản lý chặt chẽ hơn; các cơ quan nhà nước không phải thực hiện các hoạt động điều tra, thu thập thông tin một cách đơn lẻ; giảm nhân lực và đầu mối cần bố trí để quản lý thông tin cá nhân; đồng thời, tạo thuận lợi trong việc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ và giải quyết chế độ chính sách và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Thứ 4 về mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam: Về thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập, cập nhật thông tin và quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (người gốc Việt Nam) trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ CCCD, tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư. Đồng thời, chỉnh lý mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành để bảo đảm hiệu quả triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 (Đề án 06).

Thứ 5 quy định về tích hợp thông tin vào thẻ CCCD: Dự thảo Luật quy định việc tích hợp một số thông tin ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu CCCD vào thẻ CCCCD nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện mục tiêu đơn giản hoá giấy tờ, thủ tục cho công dân, hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, công dân số. Việc tích hợp các thông tin thực hiện theo đề nghị của công dân hoặc cơ quan quản lý nhà nước có giấy tờ cấp cho công dân. Trong đó:

Thông tin được tích hợp: Công dân được lựa chọn các thông tin có tính ổn định, đã có trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để tích hợp gồm: Thông tin về thẻ bảo hiểm  y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định (không tích hợp thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp).

Điều kiện được tích hợp: Bộ Công an chỉ tích hợp thông tin khi xác thực được thông tin đó trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành do bộ, ngành, địa phương chủ quản thông tin đó quản lý; thông tin do công dân cung cấp mà không có, không trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu do bộ, ngành, địa phương chủ quản quản lý thì không tích hợp.

Giá trị sử dụng: Những thông tin được tích hợp vào thẻ CCCD có giá trị sử dụng tương đương với việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin được tích hợp. Quy định này không xung đột với quy định của pháp luật chuyên ngành; không ảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương với các loại giấy tờ, dữ liệu đang quản lý (không tác động đến việc quản lý dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp, việc cấp giấy khai sinh, Bộ Tư pháp vẫn xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch như hiện nay, vẫn quản lý về hộ tích, giấy khai sinh). Trong trường hợp thẻ CCCD được sử dụng thay thế hoàn toàn cho việc sản xuất, cấp các loại giấy tờ khác thì sẽ được điều chỉnh, quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan (Dự thảo Luật không quy định việc loại bỏ bất cứ loại giấy tờ cụ thể nào do bộ, ngành, địa phương đang cấp cho công dân. Trường hợp bộ, ngành nào thấy không cần thiết phải cấp bản giấy các loại giấy tờ đang cấp thì sẽ đề xuất sửa đổi, quy định trong văn bản quy phạm pháp luật tương ứng).

Lợi ích đem lại:

Đối với cơ quan nhà nước: Giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; không phải tốn nhiều thời gian để kiểm tra, xác minh thông tin, giấy tờ do công dân cung cấp; giảm nhân lực để giải quyết thủ tục hành chính và quản lý hệ thống hồ sơ giấy tờ của công dân; phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động QLNN.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân: Không phải tốn thời gian, công sức, chi phí để thực hiện việc trích lục, sao y, chứng thực, công chứng các loại giấy tờ của bản thân; giảm chi phí trong giải quyết thủ tục hành chính. Không phải bảo quản, mang theo nhiều loại giấy tờ khác nhau khi cần sử dụng.

Tiết kiệm chi phí cho nhà nước: Theo báo cáo của Bộ Công an, Hiện nay, thẻ CCCD gắn chíp đã được sử dụng trong đăng ký khám, chữa bệnh thay thẻ Bảo hiểm y tế. Qua triển khai thực hiện đã cho thấy hiệu quả tốt, đem lại nhiều thuận lợi cho người dân và cơ quan, tổ chức. Chí phí để cài đặt, tích hợp, khai thác thông tin tích hợp trên căn cước công dân điện tử: Công dân có thiết bị di động có thể tải, cài đặt ứng dụng mà không tốn chi phí (trong khi Chi phí để cấp đổi giấy phép lái xe là 135.000đ, chi phí để cấp đăng ký xe là 30.000đ, chi phí để sản xuất, cấp văn bằng, chứng chỉ trung bình từ 10.000đ đến 50.000đ/văn bằng, chứng chỉ; chi phí để in thẻ bảo hiểm y tế (2.000đ/thẻ)...Chí phí để sao y, chứng thực, công chứng từ 2.000đ - 10.000đ/trang…

Thứ 6 về bổ sung thông tin lưu trữ trong CSDLQG về DC, cơ sở dữ liệu CCCD: Hiện nay việc kết nối, chia sẻ thông tin trong CSDLQG về DC với các bộ, ngành, địa phương đang được triển khai thực hiện quyết liệt đem lại những kết quả thiết thực, phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Lợi ích: (1) Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tiết kiệm được chi phí trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu riêng hoặc không cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu riêng khi đã được kết nối, khai thác thông tin trong CSDLQG về DC, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; (2) Việc quy định bổ sung một số nhóm thông tin sinh trắc học vào Cơ sở dữ liệu căn cước là tương đồng với quy định pháp luật của nhiều nước trên thế giới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở nước ta (Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã thu thập thông tin sinh trắc học khác của công dân (ngoài ảnh khuôn mặt và vân tay) như là đối với thông tin về ADN: Trung Quốc đã thu được 68 triệu công dân, Mỹ đã thu được 16 triệu công dân, Anh đã thu được 4,7 triệu công dân, Pháp đã thu được 3,7 triệu công dân, Singapore đã thu được 250 nghìn công dân, Hàn Quốc đã thu được 197 nghìn công dân…); (3) Cung cấp nhiều dịch vụ khai thác thông tin trong CSDLQG về DC cho các bộ, ngành, địa phương (các dịch vụ này trong thời gian qua đã được triển khai rất hiệu quả, đem lại nhiều thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước). Các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm được chi phí thu thập, làm sạch dữ liệu về dân cư khi có thể khai thác, sử dụng thông tin có sẵn (khoảng 573 tỷ thu thập dữ liệu lần đầu và chi phí rà soát làm sạch dữ liệu (70.000 người x 180 ngày lao động/01 năm x 2 năm x 200.000đ/ngày = 5040 tỷ); (4) Công dân không phải kê khai nhiều lần, làm việc với nhiều cơ quan nhà nước khác nhau để cung cấp thông tin cá nhân; thuận lợi trong việc khai thác, sử dụng thông tin mình đã cung cấp vì dữ liệu này đã có tập trung ở CSDLQG về DC, Cơ sở dữ liệu CCCD.

Thứ 7 bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân: Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước công dân, dự thảo Luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu CCCD vào thẻ CCCD; thẻ CCCD có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ CCCD để giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính như: Thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Thứ 8 bổ sung quy định về CCCD điện tử: Luật CCCD năm 2014 mới chỉ tập trung vào việc quản lý công dân qua CSDLQG về DC, Cơ sở dữ liệu, thẻ CCCD mà chưa có quy định về tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) đối với cá nhân trên môi trường điện tử. Đây là quy định mới được luật hóa từ quy định của Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử; bổ sung và nâng cao giá trị pháp lý của tài khoản định danh điện tử. Tài khoản định danh điện tử được tích hợp trên ứng dụng VNeID có nhiều tính năng, tiện ích như: Thông báo lưu trú; tiếp nhận kiến nghị, phản ánh an ninh, trật tự; thông tin các giấy tờ của các cá nhân như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế; thông tin người phụ thuộc… và đang tiếp tục được xây dựng, phát triển thêm nhiều tiện ích khác phục vụ nhân dân như tiện ích liên quan đến an sinh xã hội, đăng ký chứng thư số phục vụ giao dịch điện tử, dịch vụ công… Thông tin CCCD là thông tin dùng để tạo lập lên tài khoản định danh điện tử (CCCD điện tử); do vậy, việc quy định về CCCD điện tử tại Luật này là phù hợp; đồng thời việc sử dụng CCCD điện tử để giải quyết để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự trên môi trường điện tử, hướng tới thực hiện hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Lợi ích: Đối với Nhà nước sẽ giảm được chi phí khi triển khai cung cấp các dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử; việc vận hành, quản lý các cơ sở dữ liệu. Đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hạn chế phát sinh chi phí để bảo đảm an ninh, an toàn khi tham gia các hoạt động giao dịch điện tử; khai thác, sử dụng thông tin trong CSDLQG về DC, Cơ sở dữ liệu CCCD.

Thứ 9 về nghiêm cấm mua, bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Về các hành vi nghiêm cấm, cơ bản được giữ nguyên như quy định của Luật CCCCD hiện hành; trong đó có chỉnh lý, bổ sung nội dung nghiêm cấm mua, bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu CCCD cho phù hợp với định hướng quản lý căn cước công dân tại dự thảo Luật.

Thứ 10 về lược bỏ vân tay; sửa đổi thông tin số thẻ CCCD, quê quán, nơi thường trú: Về nội dung thể hiện trên thẻ CCCD, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi thông tin số thẻ CCCD, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ tại Luật Căn cước công dân hiện hành thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú và dòng chữ "Nơi cấp: Bộ Công an"... để phù hợp với các nội dung khác được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật; bảo đảm thuận lợi cho công dân khi sử dụng thẻ CCCD, bảo đảm tính riêng tư cho công dân khi thông tin sinh trắc học về vân tay được lưu trữ bảo mật trong chíp điện tử. Công dân không có nơi thường trú, tạm trú thì vẫn được cấp thẻ căn cước công dân (như công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài…).

Thứ 11 bổ sung quy định về cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi: Dự thảo Luật quy định việc cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi là không bắt buộc và thực hiện theo nhu cầu của công dân. Việc bổ sung quy định này là bảo đảm tính khả thi khi hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người. Bên cạnh đó, việc cấp thẻ CCCD cho công dân dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh (hiện nay vẫn đang thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp cảnh khuôn mặt) và các quy định pháp luật khác có liên quan. Thẻ CCCD cấp cho người dưới 14 tuổi không thay thế cho việc cấp giấy khai sinh. Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện cấp giấy khai sinh cho công dân theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, việc sử dụng giấy khai sinh với kích thước của tờ A4, dễ rách nát, hư hỏng, khó bảo quản và chỉ được cấp một lần trong suốt cuộc đời; giấy này chỉ có các biện pháp bảo mật, chống làm giả sơ sài, lạc hậu, dễ bị làm giả và chứa được rất ít thông tin của công dân nên sẽ gây rất nhiều khó khăn, bất tiện cho công dân. Trong khi đó, thẻ CCCD với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, bảo an cao và còn có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu của công dân sẽ mang lại nhiều tiện ích cho công dân trong việc đi lại, học tập, khám chữa bệnh và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hàng ngày (Hiện nay nhiều nước trên thế giới quy định về việc cấp thẻ Căn cước cho công dân dưới 14 tuổi như: Algeria, Argentina, Bỉ, Bhutan, Brunei, Chile, Colombia, Síp, Equatorial Guinea, Đức, Guatemala, Kuwait, Malaysia, Monaco, Bồ Đào Nha, Rwanda, Syria, Thái Lan…).

Lợi ích về tiết kiệm Chi phí cho nhà nước: Theo số liệu Bộ Công an báo cáo Chính phủ, hiện nay chi phí trong cấp sổ tiêm chủng (10.000đ/sổ), sổ khám chữa bệnh (10.000đ/sổ/01 cơ sở y tế; trung bình 01 trẻ khám từ 02-03 cơ sở y tế), thẻ bảo hiểm y tế (5.000đ/thẻ/01 năm), thẻ học sinh (5.000đ/thẻ/01 năm học/người), với số công dân dưới 14 tuổi toàn quốc hiện nay là 19 triệu người thì ước tính số tiền mà nhà nước và xã hội phải chi là khoảng 2000 tỷ chỉ với một số ít giấy tờ liệt kê nêu trên.Trong khi đó chi phí sản xuất 01 thẻ Căn cước công dân là 48.000đ; chi phí sản xuất thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi (trường hợp tất cả 19 triệu người dưới 14 tuổi đều có nhu cầu cấp) là khoảng hơn 900 tỷ đồng.

Thứ 12 về tách riêng trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân công dân dưới 14 tuổi, từ đủ 14 tuổi trở lên: Về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, đã sửa đổi bổ sung theo hướng quy định tách riêng trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân công dân dưới 14 tuổi và công dân từ đủ 14 tuổi trở lên để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Theo đó, đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, trình tự, thủ tục cấp cơ bản không thay đổi; đối với công dân là trẻ em dưới 06 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện cấp thẻ căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh. Trường hợp công dân là trẻ em đã đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân theo quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 24 cho trẻ em (trẻ em dưới 06 tuổi thì không thu nhận thông tin sinh trắc học). Trường hợp công dân là trẻ em đủ 06 tuổi trở lên thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa trẻ em đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.

Thứ 13 quy định mới về việc quản lý, sản xuất, cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD: Việc thay đổi mẫu thẻ CCCD (sau khi Luật có hiệu lực thi hành) không tác động đến những người đã được cấp thẻ CCCD trước đây hiện nay; những thẻ căn cước công dân đã được cấp sẽ vẫn có giá trị đến hết thời hạn sử dụng được ghi trong thẻ. Về thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước cồn dân, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Luật này, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân trong thời hạn 07 ngày làm việc.

Thứ 14 về khuyến khích sử dụng phần mềm, thiết bị, giải pháp tích hợp do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam tự nghiên cứu: Về bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; dự thảo Luật bổ sung thêm nội dung khuyến khích sử dụng phần mềm, thiết bị, giải pháp tích hợp là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trong việc xây dựng, quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Thứ 15 vđề xuất Chứng minh nhân dân sử dụng đến hết ngày 31/12/2024: Về điều khoản thi hành, dự thảo Luật đã bổ sung theo hướng khi Luật này có hiệu lực sẽ thay thế Luật CCCD hiện hành; đồng thời, thay thế cụm thế cụm từ "kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử" tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020 bằng cụm từ "kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử". Về quy định chuyển tiếp, dự thảo Luật quy định chuyển tiếp theo hướng Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024; các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong các giấy tờ nêu trên...

Dự kiến Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến tại Hội nghị Đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 10 năm 2023)./.

Tác giả: Quỳnh Hương, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu