LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT ĐƯỜNG THUỶ THANH HOÁ TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA “NỒNG ĐỘ CỒN” CỦA NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG TRÊN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG THUỶ

Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát giao thông và Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá về tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ nội địa mà trong cơ thể có chất ma tuý, nồng độ cồn”, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các vi phạm làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ và đặc biệt không để xảy ra tai nạn giao thông trên các tuyến đường thuỷ có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn.

Từ ngày 16/4/2023 đến nay, Phòng Cảnh sát Giao thông đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thuỷ triển khai lực lượng, tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với thuyền viên, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường thuỷ. Sau 06 ngày triển khai, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ kiểm tra nhiều lượt thuyền viên, người điều khiển phương tiện thuỷ. Kết quả: Chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn.

 

Tại khoản 3, khoản 4, Điều 21 Nghị định 139/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trên lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa; quy định cụ thể vi phạm về trách nhiệm, điều kiện của thuyền viên, người lái phương tiện.

3. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang trong ca trực mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/01 lít khí thở;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/01 lít khí thở;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ côn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/01 lít khí thở.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 01 tháng đến 02 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 02 tháng đến 04 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này.

Để tiếp tục bảo đảm tốt tình hình an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm và vào thời gian trước, trong, sau dịp Lễ 30/4, 01/5. Lực lượng Cảnh sát đường thuỷ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa; trong đó tập trung tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về “Chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn; tự ý cải tạo, hoán cải, không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật theo quy định …”, đặc biệt thường xuyên kiểm tra hành vi vi phạm về “nồng độ cồn” của thuyền viên, người điều khiển phương tiện thuỷ, nhất là người điều khiển phương tiện chở khách ngang dọc sông (phương tiện đò ngang, tàu chở người đi thăm quan du lịch), phương tiện hoạt động tại các mỏ bãi, bến bốc xếp hàng hoá và tham gia vận chuyển hàng hoá hoạt động trên tất cả các tuyến đường thuỷ nội địa của tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của chủ các phương tiện trong việc đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân khi tham gia giao thông trên đường thuỷ./.

Tác giả: Trần Văn Thọ - PC08
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu