CÔNG AN TỈNH THANH HÓA ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TẠI ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN MIỀN NÚI

    Thời gian vừa qua, tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp với các hành vi vi phạm chủ yếu như: Không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe; chở quá số người quy định; không có chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự... . Đáng chú ý, việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông vẫn còn phổ biến; tại các dịp lễ hội, tết độc lập, tết cổ truyền, bà con thường giao lưu, gặp gỡ, trò chuyện và uống rượu…, đây là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng số lượng và mức độ nghiêm trọng của các vụ va chạm, tai nạn giao thông.

Tuyên truyền cho gần 1000 Đảng viên, Giáo viên, Học sinh và Nhân dân xã Luận Thành

    Trong tháng 5 năm 2023, từ tình hình thực tế đó, đội CSGT-TT Công an huyện Thường Xuân ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho quần chúng nhân dân nói chung, đặc biệt là đồng bào DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa nói riêng. Lực lượng CSGT Công an huyện ngoài biện pháp tuyên truyền bằng loa phát thanh tại các chợ, khu vực cổng trường, các điểm tập trung đông dân cư; đã chủ động thay đổi hình thức, phương thức tuyên truyền như: Tổ chức tuyên truyền vào ban đêm, kết hợp với tổ chức biểu diễn văn nghệ quần chúng nhằm thu hút cán bộ, đảng viên và nhân dân đến tham gia đông hơn, đặc biệt là trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, tổ chức tuyên truyền vào ban đêm thời tiết mát, nhiệt độ giảm hơn cũng rất phù hợp.Tại các buổi tuyên truyền, cán bộ CSGT dành nhiều thời gian phân tích nguyên nhân, hậu quả của các vụ tai nạn giao thông, các lỗi vi phạm thường gặp và mức xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời hướng dẫn cách phòng tránh các tình huống có thể xảy ra tai nạn khi tham gia giao thông, kỹ năng xử lý tình huống khi bị va chạm, tai nạn giao thông; vận động nhân dân chấp hành tốt quy định "Đã uống rượu, bia, không lái xe".

Tuyên truyền cho hơn 350 Đảng viên, Giáo viên, Học sinh và Nhân dân xã Bát Mọt

 

    Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Công an huyện Thường Xuân cho biết: Xuất phát từ đặc điểm về địa lý, Thường Xuân là một huyện miền núi, biên giới, có 03 dân tộc Kinh, Mường, Thái cùng nhau sinh sống. Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, nhận thức về pháp luật của bà con ở các xã vẫn còn hạn chế, đặc biệt là sự hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Đây là một trong những nguyên nhân dễ gây ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Chính vì vậy, lực lượng Công an nói chung và lực lượng CSGT Công an huyện nói riêng, thông qua phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ sâu, rộng trong quần chúng nhân dân. Tranh thủ sự giúp đỡ của những người uy tín, già làng, trưởng bản… để vận động, tuyên truyền, khuyên bảo bà con tại các thôn, bản không vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

   Trung tá Vi Mạnh Huấn, Đội trưởng đội CSGT-TT cho biết:  Phát huy vai trò nòng cốt trong các hoạt động tuyên truyền pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chỉ huy và CBCS đội CSGT-TT Công an huyện Thường Xuân đã thường xuyên đổi mới nội dung, biện pháp, hình thức tuyên truyền, vận động theo hướng thiết thực, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với đặc điểm, nhận thức của đồng bào DTTS trên địa bàn.

Tuyên truyền cho hơn 1000 Đảng viên, Giáo viên, Học sinh và Nhân dân xã Xuân Dương

    Thực tế cho thấy, sau nỗ lực tuyên truyền an toàn giao thông (ATGT), phần lớn đồng bào đã hiểu được tầm quan trọng của việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, để những hiểu biết đó thực sự trở thành nhận thức và biến thành hành động tích cực trong mỗi người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần sự vào cuộc nghiêm túc, tích cực của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự tự giác chấp hành pháp luật của mỗi người dân và mỗi gia đình. Vì thế, tuyên truyền vẫn là khâu trọng tâm, đột phá nhằm thay đổi ý thức của người dân mỗi khi tham gia giao thông, từng bước kéo giảm TNGT trên địa bàn huyện./.

Tác giả: Trần Văn Thọ - PC08
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu