Vững vàng trên trận tuyến phòng, chống tội phạm kinh tế
Được thành lập năm 1981, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa có chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh hướng dẫn Công an các huyện, thị xã, thành phố trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu và tội phạm kinh tế khác...
Nhớ lại những năm đất nước khó khăn thời bao cấp, tình hình kinh tế, xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn, tội phạm đầu cơ, buôn lậu, tham ô, kinh doanh trái phép, sản xuất và buôn bán hàng giả… lợi dụng để hoạt động. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Phòng Cảnh sát kinh tế đã tham mưu trực tiếp cho Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác bảo vệ tài sản XHCN, phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm kinh tế. Riêng lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, điều tra, xử lý hàng trăm vụ việc tham ô, trộm cắp, kinh doanh trái phép, buôn bán hàng giả; phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ trốn lậu thuế, hàng trăm vụ tham ô, buôn lậu, làm hàng giả, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước, ổn định đời sống Nhân dân.
Bước vào thời kỳ đổi mới, tội phạm kinh tế hoạt động tinh vi, xảo quyệt hơn, ở bất cứ ngành nghề nào, lĩnh vực nào cũng đều xuất hiện tội phạm. Thêm vào đó, mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động sâu sắc đến đời sống xã hội; một số cán bộ, đảng viên, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, dẫn đến sa ngã, thoái hóa, bị đồng tiền cám dỗ và trở thành tội phạm. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát kinh tế không chỉ vững vàng về chính trị mà còn phải nắm vững pháp luật, các chính sách kinh tế của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là phải tinh thông nghiệp vụ, am hiểu các hoạt động trong lĩnh vực quản lý kinh tế, ngân sách, các hoạt động sản xuất kinh doanh vv… Trên mặt trận này, tuy không nóng bỏng như đấu tranh chống tội phạm hình sự, ma túy nhưng cũng không kém phần phức tạp, cam go, quyết liệt, đầy cám dỗ và áp lực từ nhiều phía.
Luồng gió kinh tế mở cửa - hội nhập cũng đã tác động không nhỏ đến khu vực nông thôn, kéo theo đó tội phạm kinh tế cũng đã len lỏi vào. Công tác phòng chống tội phạm kinh tế ở địa bàn nông thôn cũng cam go và không kém phần quyết liệt. Xu hướng đô thị hóa ngày càng nhiều, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Tuy nhiên cùng với sự đổi thay đó, nhiều vi phạm pháp luật cũng bám theo. Trong đó, nổi lên những vi phạm như: Sử dụng, chi tiêu sai nguyên tắc tiền ngân sách xã, phường trong xây dựng các công trình phúc lợi; cấp bán đất trái thẩm quyền, sử dụng tiền bán đất sai nguyên tắc, thu phí và lệ phí không đúng...
Nhiều vụ án lớn ở địa bàn nông thôn đã được Phòng Cảnh sát kinh tế khám phá thành công, đem lại niềm tin và bình yên cho Nhân dân. Điển hình như: Vụ Ngô Bình Sơn, nguyên Phó Trưởng phòng Kế toán Ngân hàng nông nghiệp huyện Như Xuân, tham ô 23 tỷ đồng; vụ vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng xảy ra tại quỹ tín dụng nhân dân Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa làm thất thoát 60 tỷ đồng; vụ Lương Quý Hội, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Mường Lát và đồng bọn thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại 3 tỷ đồng, khởi tố 10 bị can; vụ Lưu Vũ Lâm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định, Hoàng Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện và Hà Duyên Lục, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Yên Định bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 8,8 tỷ đồng...
Những năm gần đây, cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hoá nói riêng xuất hiện một số loại tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo, trốn thuế, gian lận thương mại, mua bán trái phép hóa đơn GTGT, sử dụng mạng Internet để tổ chức đánh bạc với quy mô lớn. Lực lượng Cảnh sát kinh tế đã điều tra làm rõ nhiều vụ án lớn, như vụ Nguyễn Văn Huy và đồng bọn sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet và thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Chi nhánh Công ty cổ phần đào tạo mua bán trực tuyến MB24 Thanh Hóa gây thiệt hại cho công dân hơn 43 tỷ đồng; Vụ Đinh Xuân Lợi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Một trong những chuyên án lớn nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng không thể không nhắc đến là Chuyên án 419L, khởi tố 8 đối tượng tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bỉm Sơn gây thất thoát của Nhà nước gần 60 tỷ đồng gồm: Lý Quang Huy, cán bộ phòng khách hàng doanh nghiệp, Lê Hồng Cường, cán bộ phòng khách hàng cá nhân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của các cơ quan chức năng”; Trịnh Văn Châu, Phó Giám đốc chi nhánh ngân hàng BIDV Bỉm Sơn; Nguyễn Văn Khoa, Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp, Nguyễn Quang Mạnh, trưởng phòng khách hàng cá nhân; Nguyễn Hải Bằng, Hoàng Thị Hà và Lê Duy Thắng cán bộ ngân hàng BIDV chi nhánh Bỉm Sơn về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.