Người dân cần chủ động, cảnh giác, ngăn ngừa cháy nổ từ sạc pin xe điện tại các khu chung cư, hộ gia đình

Với số lượng phương tiện xe đạp điện, xe máy điệnngày càng tăng cao như hiện nay, nguy cơ mất an toàn dẫn đến cháy nổ trong việc sạc pin, nhất là vào ban đêm tại các khu chung cư và ngay tại các gia đình là rất lớn. Người dân cần chủ động, cảnh giác cao độ để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn.

Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh , số lượng các loại xe máy điện trong 2 năm (2022- 2023) ước tính tăng từ 1,5 đến 2 lần so với cùng kỳ. Đây là điều dễ hiểu khi xe đạp điện, xe máy điện dễ điều khiển, lại chỉ phải sạc điện, không mất thêm các chi phí như sử dụng xe máy xăng. Số lượng các loại xe điện tăng cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu sạc pin vào cuối ngày cao. Hầu hết các gia đình đều chọn thời điểm ban đêm để sạc pin với mục đích vào sáng ngày hôm sau xe sẵn sàng lăn bánh khi đã đầy năng lượng.

Chị Nguyễn Thanh B, ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa cho biết: "Tòa nhà chung cư nơi gia đình tôi đang ở hiện có hàng chục xe máy điện, xe đạp điện trong tầng hầm, và có cả xe ô tô điện. Không chỉ có các cháu học sinh, hiện nay người lớn cũng sử dụng ngày càng nhiều các loại xe máy điện. Ban Quản lý khu chung cư đã bố trí khu vực riêng để các loại xe máy (xe xăng), xe máy điện, xe đạp điện tách biệt so với khu vực để xe ô tô. Hằng ngày, nhu cầu sạc các loại xe máy điện, xe đạp điện tăng lên, bởi vậy, tại khu vực tầng hầm, đã bố trí các ổ cắm điện để cư dân có thể sạc pin. Sau 1 ngày làm việc, học tập, đi lại, hầu hết các gia đình đều chọn thời điểm ban đêm để sạc điện cho phương tiện của mình”.

 
Các khu chung cư trên địa bàn TP, Thanh Hóa đều bố trí khu vực để xe máy điện riêng tại khu vực tầng hầm để xe. 

Qua tìm hiểu từ một số Ban Quản lý các khu chung cư trên địa bàn TP Thanh Hóa, hầu hết các tòa nhà chung cư khi được đưa vào sử dụng, đều chưa có hạ tầng phục vụ cho nhu cầu sạc pin các loại xe chạy điện, cũng như chưa có các trạm sạc điện bảo đảm tiêu chuẩn an toàn về PCCC. Thay vào đó, Ban Quản lý bố trí thêm các ổ cắm tại khu vực để xe máy điện tại khu tầng hầm. Đây có thể xem là các “trạm sạc” tạm thời dành cho các loại xe điện.

Với số lượng hàng chục, thậm chí hàng trăm xe máy điện, xe đạp điện tại các khu chung cư, có những thời điểm vào ban đêm, cùng lúc có rất nhiều xe được cắm điện để sạc. Điều này đã khiến không ít người cảm thấy lo ngại về nguy cơ cháy nổ do quá trình sạc điện có thể dẫn đến quá tải, chập cháy... Chưa kể việc chập cháy rất dễ lan sang xe khác (xe xăng) bên cạnh, tạo phản ứng dây chuyền dẫn đến cháy lớn.

Những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và một số tỉnh, thành trong nước gần đây, trong đó có cả những vụ cháy tại nhà dân và khu chung cư đã gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ mất an toàn PCCC từ việc sạc pin các loại xe điện hiện nay. Trước tình hình đó, lực lượng PCCC Công an tỉnh đã tham mưu cho Ban Quản lý các khu chung cư trên địa bàn TP Thanh Hóa đã gấp rút xây dựng kế hoạch tổng kiểm kê các loại xe điện, đồng thời kiểm tra độ an toàn của hệ thống điện, các ổ cắm điện tại các tầng hầm, tầng để xe mà người dân sử dụng để sạc điện cho phương tiện của mình.

 
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức kỹ năng về PCCC và CNCH cho nhân dân tại các tòa nhà chung cư

Để chủ động phòng ngừa cháy, nổ và hạn chế thiệt hại tài sản do cháy, nổ gây ra, Bộ Công an đưa ra khuyến cáo người dân nên trang bị 4 kỹ năng khi mua và sử dụng xe điện:

Thứ nhất: Cần lựa chọn, sử dụng xe điện bảo đảm chất lượng, đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền kiểm định theo quy định; tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của nhà sản xuất

Thứ hai: Thực hiện sạc điện theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất để bảo đảm độ bền và an toàn khi sử dụng; không xạc điện cho phương tiện khi phát hiện thiết bị sạc hoặc phương tiện gặp lỗi; khi ắc quy, pin có dấu hiệu phù, nứt...cần thay thế ắc quy, pin mới.

Sau khi sử dụng phải chờ bình điện nguội khoảng 20 phút rồi mới bắt đầu sạc, không sạc ngay sau khi chạy xe, không sạc quá 8h liên tục. Trong quá trình sạc điện phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay sau khi có sự cố; ngừng sạc điện trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ, tuyệt đối không sạc qua đêm và không có người lớn ở nhà.

Thứ ba: Không được tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của phương tiện, thiết bị khác so với yêu cầu kỹ thuật của phương tiện; khi thay thế các thiết bị, linh kiện, ắc quy, pin, bộ sạc...cần lựa chọn đúng chủng loại ắc quy, pin phù hợp.

Thứ tư: Đối với xe ô tô điện, cần sạc tại những trạm dành cho ô tô đã được cấp phép theo quy định hoặc sử dụng bộ sạc tại nhà bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Các trạm sạc điện phải được duy trì yêu cầu về giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan đối với các khu vực xung quanh và trang bị phương tiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định; có phương án xử lý tình huống cháy nổ tại khu vực sạc điện./.

Tác giả: Mai Hà
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu