Hội thảo khoa học cấp Bộ: Luận cứ khoa học cho việc đổi mới,  nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới

Sáng 18/01/2024, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Luận cứ khoa học cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới”. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến từ điểm cầu Bộ Công an đến điểm cầu Công an các đơn vị, địa phương trong toàn quốc...

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Bộ Công an; Dự chỉ đạo tại điểm cầu Bộ Công an có các đồng chí: Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trung tướng, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tham luận

Tại điểm cầu Công an tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thiếu tướng Trần Phú Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; đại diện lãnh đạo Công an tỉnh dự.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận, cung cấp những góc nhìn đa dạng, nhiều chiều, làm rõ 2 vấn đề chính là: Xác lập những luận cứ lý thuyết, thực tiễn cơ bản cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; Đề xuất, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội nhằm góp phần tích cực xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã đề cập đến chủ đề: Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thanh Hóa - Kết quả, bài học kinh nghiệm và những nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quan trọng này trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng; những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đến công tác phòng, chống tội phạm; xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, thường xuyên, liên tục và lâu dài nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong từng giai đoạn cụ thể và hằng năm, căn cứ yêu cầu thực tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT... Đồng thời, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa, thể chế hóa ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đề án về phòng, chống tội phạm, như: Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống tội phạm ma túy, các Đề án nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, phòng, chống tội phạm giết người, tội phạm cố ý gây thương tích...

Hội thảo được tổ chức trực tuyến đến Công an các đơn vị, địa phương

Với phương châm “Kết hợp giữa phòng ngừa và đấu tranh, lấy phòng ngừa là cơ bản", Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Nhiều địa phương, đơn vị đã lựa chọn các mô hình giữ gìn ANTT phù hợp với điều kiện, đặc điểm, phát huy tính chủ động, ý thức tự giác của cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, như: Mô hình “Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội“của Hội Phụ nữ tỉnh; mô hình “Câu lạc bộ thanh niên phòng, chống tội phạm” của Tỉnh đoàn Thanh niên; mô hình “Doanh nhân với an ninh Tổ quốc” tại huyện Nga Sơn; mô hình “Tự quản đường biên cột mốc” ở các xã biên giới; mô hình “Công nhân môi trường - chiến sĩ tuần tra và mô hình”Camera giám sát ANTT” ở TP Thanh Hóa...

Năm 2023 vừa qua, tội phạm về TTXH trên địa bàn giảm 7,5% so với năm 2022, điều tra làm rõ 1.045 vụ, 2.085 đối tượng, đạt 75,18%; án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ 97%. Hoạt động của các loại tội phạm được kiềm chế, không lộng hành, phức tạp, nhức nhối; không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, bức cung, nhục hình trong hoạt động tố tụng hình sự; không để phát sinh các loại tội phạm có tổ chức nhất là hoạt động của băng nhóm, không có các tụ điểm tệ nạn xã hội phức tạp... Những kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Từ thực tiễn lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là: Phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của các cấp ủy Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của chính quyền trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm; phối hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với đấu tranh, trấn áp tội phạm, trong đó lấy phòng ngừa là cơ bản, theo phương châm “phòng ngừa từ sớm, từ xa các nguy cơ, nhân tố phát sinh tội phạm”. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với đặc điểm tình hình địa bàn, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thông qua việc vận hành hiệu quả cơ chế phối hợp giữa lực lượng Công an với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của chính quyền, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt... Chú trọng xây dựng, duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở cơ sở; chăm lo xây dựng lực lượng Công an Nhân dân trong sạch, vững mạnh... Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các sở, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Bộ Công an 
phát biểu tại Hội thảo

Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Thời gian tới tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, đề án, kế hoạch của tỉnh trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Luôn xác định phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, vai trò nòng cốt của lực lượng Công an.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm và năng lực bảo vệ ANTT, tích cực phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm, tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; coi đó là nghĩa vụ và quyền lợi để góp phần bảo vệ sự bình yên cho cá nhân, gia đình và xã hội. Tăng cường lãnh đạo Đảng bộ Công an tỉnh và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị làm tốt công tác xây dựng lực lượng, làm cho Công an ở tất cả các địa bàn, lĩnh vực trong toàn tỉnh đều mạnh...

Khẳng định để công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm đạt hiệu quả, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cho rằng công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với các lực lượng chức năng, ngành Kiểm sát, Tòa án và các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp... cần được tăng cường. Tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, góp phần ổn định xã hội, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trân trọng cảm ơn sự quan tâm, đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và có giá trị lý luận, thực tiễn cao của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND đưa ra tại hội thảo.

Đồng chí cho biết, qua Hội thảo, các đại biểu đã một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống tội phạm. Xác định công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục và lâu dài.

 Đặc biệt chú trọng hoạt động phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa, từ khi tội phạm mới manh nha, hình thành; phòng ngừa phải bắt đầu từ cơ sở, từ quản lý con người, quản lý dân cư, từ khi soạn thảo, tham mưu cơ chế, chính sách, pháp luật. Chú trọng phòng ngừa xã hội với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, kịp thời phát hiện, bịt kín những sơ hở, thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng hoạt động; phát hiện, hòa giải kịp thời mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để tích tụ, hình thành các “xung đột”, “điểm nóng” về an ninh, trật tự; tăng cường giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi tại gia đình, cộng đồng; quản lý hiệu quả các trường hợp có nguy cơ phạm tội, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội ngay tại địa bàn cơ sở (người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy; người tâm thần...). Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm, từng bước nâng cao thu nhập, mức sống, an sinh xã hội cho người dân; chú trọng giáo dục thế hệ trẻ, nhất là về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phát huy vai trò của nhân tố văn hóa trong phòng, chống tội phạm... Đồng thời, cần chủ động, tích cực tấn công, trấn áp, phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội.

Đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo đã phân tích, đánh giá và kiến nghị tiếp tục kế thừa, nâng cao hiệu quả các biện pháp đã, đang thực hiện. Trong đó, giải pháp mang tính chiến lược, căn cơ, lâu dài để khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm là phải triển khai tổng thể, đồng bộ, kết hợp hài hòa, hợp lý các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật, giáo dục... Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đề xuất một số giải pháp trọng tâm phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thời gian tới. Qua đó, đồng chí Thứ trưởng đề nghị Ban tổ chức nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tại Hội thảo, từ đó góp phần xây dựng các luận cứ khoa học cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới./.

Tác giả: Hà Phương
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu