A- A A+ |

Hiệu quả công tác tuyền truyền phòng, chống ma túy trong học đường

Với mục tiêu chặn cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy, thời gian qua cùng với việc chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp đấu tranh, trấn áp mạnh tội phạm ma túy, lực lượng Công an Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức có hiệu quả “Chiến dịch tuyên truyền” “Vì cộng đồng không ma túy”. Trong đó, công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học đường đã được triển khai với nhiều nội dung, hình thức phòng phú.

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng hơn 2 nghìn cơ sở giáo dục với tổng số hơn 600 nghìn học sinh, sinh viên. Những năm gần đây, trước thực trạng tệ nạn ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, ngành giáo dục, đào tạo và lực lượng Công an Thanh Hóa đã thường xuyên tăng cường công tác phối hợp trong việc đa dạng hóa, hiện đại hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thanh, thiếu niên, học sinh trong phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy.

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh

Theo đó, để chủ động thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, nhất là trong trường học, Công an tỉnh và Sở giáo dục - Đào tạo đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, cảnh báo cho thanh, thiếu niên, học sinh về hậu quả, tác hại của ma túy trên hệ thống thông tin đại chúng, nhất là trên nền tảng số và các kênh thông tin của các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, Công an tỉnh và Sở Giáo dục – Đào tạo đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 03 về tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng chống ma túy trong các cơ sở giáo dục, giai đoạn 2024 – 2030.

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần phòng ngừa và đẩy lùi ma túy trong học đường, chỉ tính từ năm 2020 đến nay, lực lượng Công an Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức 3.185 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy tại 2.031 cơ sở giáo dục, thu hút gần 770 nghìn học sinh, sinh viên tham gia. Tại các buổi tuyên truyền, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Công an các xã, phường, thị trấn đã phối hợp với Ban Giám hiệu các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa gắn với tuyên truyền, cảnh báo về hậu quả, tác hại của ma túy, các chất gây nghiện, thuốc lá điện từ... đối với sức khỏe con người; cách nhận diện các loại ma túy cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy. Từ đó, giúp các em học sinh trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng, chống ma túy và tự bảo vệ mình, đồng thời nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp luật nói chung, vi phạm liên quan đến ma túy nói riêng.

Cùng với công tác tuyên truyền, Ban Giám hiệu các nhà trường đã phối hợp triển khai có hiệu quả các hoạt động xây dựng văn hóa học đường thông qua các bài giảng, các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, tổ chức tọa đàm, giao lưu, các buổi ngoại khóa trong môn Giáo dục công dân, các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng chống ma tuý, phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thanh, thiếu niên, tổ chức các diễn đàn trao đổi về chuẩn mực đạo đức của học sinh, sinh viên, thành lập các câu lạc bộ thanh niên phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống ma túy; tổ chức cho giáo viên, học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm các tệ nạn xã hội, không sử dụng, không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy; không bao che cho tội phạm và tệ nạn ma túy...

Một buổi tuyên truyền về phòng, chống ma túy tại Thị xã Nghi Sơn

Đặc biệt, từ tháng 9/2024 đến nay, thực hiện Đề án 3822 của Giám đốc Công an tỉnh về xây dựng “Xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma túy" giai đoạn 2024 - 2025, cùng với các cấp, các ngành và lực lượng Công an, các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh đã chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý học sinh, sinh viên; quan tâm xây dựng môi trường học đường không ma túy và tệ nạn xã hội gắn với việc duy trì và nâng cao hoạt động của các mô hình tự phòng, tự quản về ma túy, như: “Hòm thư tố giác”, “Thanh niên chung tay đẩy lùi ma túy”; vận động đoàn viên, thanh, thiếu niên, học sinh tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm ma túy.

Từ việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền theo hướng hấp dẫn về hình thức, dễ hiểu về nội dung, đến sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục.

Kết quả này đã góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Trong đó, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, tội phạm được kiểm soát, số người nghiện và người sử dụng ma túy giảm hơn 50% so với trước thời điểm Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực từ ngày 01/1/2022; các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy được quản lý chặt chẽ, góp phần giảm thiểu các điều kiện nguyên nhân phát sinh tội phạm, tệ nạn ma túy./.                                          


Tác giả: Hà Phương
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu