Từ đầu năm 2019 đến nay đã khởi tố trên 300 vụ liên quan đến lĩnh vực môi trường

Từ đầu năm đến nay lực lượng Cảnh sát môi trường đã khởi tố trên 300 vụ liên quan đến lĩnh vực môi trường. Riêng vấn đề liên quan đến xả thải, đã khởi tố 3 vụ án, hiện nay đang tiếp tục củng cố 5 hồ sơ để khởi tố liên quan tới lĩnh vực xả thải và hàng loạt các vấn đề quan tới động vật hoang dã hay các vấn đề khai thác tài nguyên môi trường đều được xử lý hình sự.

Ngày 5-11, thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019,   nhiều đại biểu nhấn mạnh đến việc vi phạm về môi trường nhưng chưa được xử lý nghiêm, thiếu quy định pháp luật trong lĩnh vực này.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, hiện đang nổi lên vấn đề ô nhiễm môi trường tự nhiên. Nhiều vụ việc bị phát hiện nhưng việc xử lý chưa nghiêm nên không có tác dụng răn đe.

 “Ô nhiễm nước ở sông Tô Lịch, sông Nhuệ - Đáy nhiều năm qua chưa được Chính phủ chỉ đạo, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an phối hợp với Hà Nội, Hà Nam để kiểm tra, thanh tra, xử lý dứt điểm. Vụ ô nhiễm nước sông Đà vừa qua đe dọa an ninh nguồn nước hàng triệu người dân Thủ đô. Việc chôn lấp rác thải theo công nghệ cũ, lạc hậu gây ô nhiễm đất, nước và không khí khiến nhiều người dân ở một số nơi phải tự phát chặn xe rác gây sức ép với chính quyền địa phương, tạo nên điểm nóng không đáng có” – đại biểu nêu ví dụ và đề nghị Chính phủ quan tâm xử lý nghiêm.

Cũng quan tâm về vấn đề tội phạm ô nhiễm môi trường, đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) dẫn kết quả, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Cụ thể, các lực lượng đã phát hiện 22.535 vụ vi phạm pháp luật về môi trường với 2.782 tổ chức và 20.663 cá nhân vi phạm. Cơ quan điều tra đã khởi tố 355 vụ, 395 bị can; xử lý hành chính 19.600 trường hợp, phạt trên 243,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại biểu Ngô Sách Thực cho rằng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra trên các lĩnh vực: hoạt động xả thải vượt quy chuẩn tại các khu, cụm công nghiệp; chuyển giao, xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại không đúng quy định; nhập khẩu phế liệu, thiết bị máy móc đã qua sử dụng trái quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; ô nhiễm nguồn nước do nước thải công nghiệp, các khu chăn nuôi tập trung, gây thiệt hại về tài sản và môi trường sống, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo đại biểu Ngô Sách Thực, nguyên nhân của tình trạng này là do việc xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường chưa nghiêm, có nơi còn né tránh; có hiện tượng nhờn luật, coi thường pháp luật, chấp nhận phạt cho tồn tại, sau vẫn tái phạm. Đặc biệt, tội phạm về môi trường theo Bộ luật Hình sự năm 2015 không có tội nào được phân loại là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (vì không có tội danh nào có khung hình phạt cao đến 20 năm, chung thân, tử hình) trong khi hậu quả của tội phạm này gây ra cho môi trường trong thực tế là rất lớn. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường hiện nay còn thiếu hoặc chưa được sửa đổi kịp thời.

Đại biểu đề nghị cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đảm bảo tính đồng bộ, khả thi; kiên quyết không để tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, tiêu cực, lợi ích nhóm chi phối đồng thời xây dựng, bổ sung hệ thống chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe và kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

 “Đề nghị phải rà lại các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường, đánh giá lại tác dụng của xử phạt hành chính, xử lý nặng hơn nếu tái phạm. Công khai các xử phạt hành chính về môi trường lần 1, lần 2..., các cơ sở tái phạm, các vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra để khởi tố, điều tra”, ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) tranh luận với đại biểu Trần Quốc Khánh (Hà Nội), cho rằng Chính phủ đã chỉ đạo và quan tâm quyết liệt về vấn đề này. Đặc biệt Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Công an thành lập ngay Cục cảnh sát môi trường, là lực lượng riêng chuyên xử lý các vấn đề vi phạm pháp luật về môi trường.

Bộ Công an triển khai hàng loạt các hoạt động cao điểm về tấn công, trấn áp tội phạm trên lĩnh vực môi trường.

 “Chẳng hạn như trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019, Bộ Công an đã mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên lĩnh vực môi trường. Hay dịp tháng 4 sau khi có Kết luận số 142 của đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về vấn đề xử lý trên lĩnh vực liên quan tới khai thác, vận chuyển kinh doanh bến bãi, tập kết bến bãi liên quan đến khai thác cát sỏi. Bộ Công an cũng đã mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm liên quan tới lĩnh vực này. Trong dịp Tết Trung thu vừa rồi Bộ Công an cũng đã mở cao điểm về vấn đề đảm bảo an ninh trật tự cũng như đảm bảo về an toàn thực phẩm và nhiều đợt cao điểm khác. Điều đó chứng tỏ rằng Chính phủ và Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này” – đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân

Liên quan đến vấn đề có hay không lực lượng Cảnh sát môi trường tại sao  chỉ xử phạt hành chính mà không xử lý hình sự, đại biểu Nguyễn Thị Xuân dẫn chứng từ đầu năm đến nay lực lượng Cảnh sát môi trường đã khởi tố trên 300 vụ liên quan đến lĩnh vực môi trường. Riêng vấn đề liên quan đến xả thải, đã khởi tố 3 vụ án, hiện nay đang tiếp tục củng cố 5 hồ sơ để khởi tố liên quan tới lĩnh vực xả thải và hàng loạt các vấn đề quan tới động vật hoang dã hay các vấn đề khai thác tài nguyên môi trường đều được xử lý hình sự. 

Nguồn: http://cand.com.vn
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu