A- A A+ |

Triệt phá “tín dụng đen”, mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân

Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng công an toàn tỉnh đã đấu tranh, triệt phá nhiều ổ nhóm “tín dụng đen”, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Hậu Lộc phát hiện Công ty TNHH Kinh doanh tài chính Đại Thịnh Phát do Trương Văn Thịnh, sinh năm 1987 ở khu Trung tâm, thị trấn Hậu Lộc (Hậu Lộc) làm giám đốc có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen” phức tạp, thường xuyên đi đòi nợ dưới hình thức mua bán nợ, gây bức xúc trong dư luận Nhân dân.

Đầu tháng 4-2023, Công an huyện Hậu Lộc đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phá án, bắt và khám xét khẩn cấp Văn phòng Công ty TNHH Kinh doanh tài chính Đại Thịnh Phát của Trương Văn Thịnh. Lực lượng công an đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng của Trương Văn Thịnh. Quá trình điều tra cơ quan công an xác định, số tiền Trương Văn Thịnh đã thu lời bất chính là trên 137 triệu đồng, với mức lãi suất từ 117% đến 180% (gấp từ 5,87 đến 9 lần so với mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự). Hành vi trên đã phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại Khoản 2 Điều 201 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.

Trước đó, tháng 3-2023, Công an huyện Hậu Lộc đã tiếp nhận và xác minh vụ việc Cơ sở cầm đồ Quang Dũng có địa chỉ tại Khu Trung Đức, thị trấn Hậu Lộc do Trịnh Thế Quang, sinh năm 1993, trú tại khu Tống Ngọc, thị trấn Hậu Lộc có dấu hiệu cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Sự việc bắt đầu từ khoảng tháng 10-2022 đến tháng 3-2023, Quang đã cho vay tiền với mức lãi suất từ 3.000 đồng/1 triệu/ngày (tương đương với 108%/năm) - 4.000 đồng/1 triệu/ngày (tương đương với 144%/năm), không cần thế chấp tài sản. Tổng số tiền lãi Quang đã thu lời từ hoạt động cho vay trên là 23.100.000 đồng, trừ đi mức lãi suất tối đa được quy định thì tổng số tiền lãi Trịnh Thế Quang đã thu lời bất chính là 18.480.000 đồng. Hành vi cho vay lãi cao của Trịnh Thế Quang đã bị Công an huyện Hậu Lộc xử phạt hành chính theo quy định.

Lực lượng chức năng khám xét Văn phòng Công ty TNHH Kinh doanh tài chính Đại Thịnh Phát

Trung Tá Võ Quốc Huy, Đội trưởng Đội Hình sự, Công an huyện Hậu Lộc cho biết: Tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn huyện thường hoạt động hết sức tinh vi bằng cách thành lập các cơ sở dịch vụ cầm đồ, mua bán nợ hoặc dưới hình thức bốc thăm, chơi hụi, họ... để cho vay với lãi suất cao. Hợp đồng, giấy tờ cho vay hoặc mua bán, cầm cố tài sản không thể hiện mức lãi suất mà chỉ thỏa thuận “ngầm” với người đi vay gây khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Hậu Lộc đã đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”.

Với đặc điểm dân cư đông đúc, hoạt động buôn bán, giao thương phát triển, các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí sôi động... TP Thanh Hóa cũng là một trong những “điểm nóng” về tội phạm “tín dụng đen”. Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an TP Thanh Hóa đã khởi tố khoảng 30 vụ về “tín dụng đen” với 40 đối tượng; xác lập 2 chuyên án để đấu tranh với hoạt động “tín dụng đen” và tiến hành đưa vào diện theo dõi, quản lý khoảng 160 đối tượng. Thiếu tá Lê Ngọc Khánh, Phó Đội trưởng Đội Hình sự, Công an TP Thanh Hóa cho biết: Trong thời gian qua, trên địa bàn TP Thanh Hóa, tội phạm “tín dụng đen” hoạt động tương đối phức tạp. Trước tình hình đó, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo công an thành phố tiến hành công tác điều tra cơ bản và các công tác trinh sát khác. Qua điều tra, nổi lên một số thủ đoạn mới như: Cho vay qua các ứng dụng trên mạng xã hội; làm hợp đồng công chứng chờ; cho vay qua iCloud điện thoại thông minh để khống chế con nợ và lấy thông tin người thân, bạn bè qua danh bạ để gây sức ép, khủng bố khi khách vay không trả được tiền... Trước tình hình đó, Công an TP Thanh Hóa đã lập các chuyên án chung để đấu tranh với các đối tượng và phá rất nhiều chuyên án. Trong đó, có 1 chuyên án đã phá được 16 điểm tín dụng cùng lúc.

Một trong những khó khăn trong điều tra tội phạm “tín dụng đen” là do người vay không vay được trong các hệ thống tín dụng hoặc ngân hàng vì có nợ xấu, thiếu các loại giấy tờ cần thiết, hoặc không có tài sản thế chấp... nên phải tìm cách để vay tiền ở ngoài với lãi suất cao của các đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc cá nhân có tiền nhàn rỗi. Biết là vay với lãi suất cao nhưng đa phần người vay không muốn tố giác với cơ quan công an vì sợ mất chỗ vay, ảnh hưởng đến người giới thiệu hoặc sợ bị trả thù... Trong khi đó, các đối tượng cho vay hoạt động chuyên nghiệp, sử dụng các phương thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó với các cơ quan chức năng như: hoạt động cho vay núp bóng kinh doanh, mua bán xe máy cũ, laptop, điện thoại hoặc cơ sở kinh doanh có điều kiện “cầm đồ”; sử dụng phương thức làm hợp đồng mua bán, cho mượn tài sản; không cất giữ giấy tờ, sổ sách tài liệu cho vay ở nhà; thuê người đi thu nợ hoặc sử dụng các tài khoản không chính danh; sử dụng các app cho vay tiền trên mạng internet; lập hợp đồng chuyển nhượng công chứng chờ đối với những tài sản có giá trị như bất động sản, ô tô, xe máy, cổ phiếu, trái phiếu; cho vay qua iCloud trên điện thoại... Đáng chú ý, nhiều cá nhân khi đã rơi vào “bẫy” của “tín dụng đen”, từ vai trò trung gian huy động, cho vay vốn với lãi suất cao đã vô tình trở thành vừa là nạn nhân vừa là đối tượng “đồng phạm” trong đường dây “tín dụng đen”.

Theo Thiếu tá Lê Ngọc Khánh, Phó Đội trưởng Đội Hình sự, Công an TP Thanh Hóa: Hệ lụy phát sinh từ “tín dụng đen” sẽ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật như bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm chỗ ở, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí cưỡng đoạt, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, thậm chí giết người... Tuy nhiên, về mặt pháp luật, các chế tài để xử lý tội phạm “tín dụng đen” hiện đang còn nhẹ. Tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định ở mức cải tạo không giam giữ, không có mức tù giam đối với hành vi cho vay lãi cao dẫn đến việc đối tượng cho vay coi thường pháp luật. Trong khi đó, để bắt được tội phạm “tín dụng đen” cần rất nhiều thời gian, công sức. Do đó, cần một chế tài xử phạt nặng hơn đối với loại tội phạm này để tạo tính răn đe.

Để tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”, Giám đốc Công an tỉnh đã có Hướng dẫn số 36 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”. Lực lượng công an chủ động phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền về các chính sách tín dụng, cách tiếp cận vốn vay, về phương thức, hoạt động của đối tượng cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê cũng như những hệ lụy mà “tín dụng đen” gây ra để giúp người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực tố giác tội phạm. Chú trọng công tác điều tra cơ bản, có kế hoạch, đối sách nghiệp vụ để chủ động đấu tranh, ngăn chặn, làm tan rã băng nhóm, tổ chức hoạt động “tín dụng đen”; nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng. Phối hợp với viện kiểm sát, tòa án xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đưa ra xét xử công khai, lưu động đối với các vụ án về "tín dụng đen” để răn đe, phòng ngừa tình trạng “tín dụng đen”... Qua đó, góp phần lập lại trật tự xã hội, mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.


Tác giả: Hạ An
Nguồn: Báo Thanh Hoá
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu