Trấn áp tội phạm “Tín dụng đen”: Nhận diện và xử lý (Bài 2): Những “con mồi” của “tín dụng đen” và hệ lụy khôn lường
Không chỉ bó hẹp phạm vi hoạt động ở khu vực đô thị, mà “tín dụng đen” đã len lỏi, vươn “vòi bạch tuộc” về các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Núp dưới “vỏ bọc” công ty dịch vụ tài chính, cơ sở cầm đồ và bằng phương thức, thủ đoạn phát, dán tờ rơi, lập các website, sử dụng mạng xã hội zalo, fecebook đăng tin quảng cáo cho vay tiền của các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi đã giăng ra cạm bẫy khắp nơi chờ những con mồi. Cùng với sự mất ổn định về an ninh trật tự tại các địa phương, hệ lụy của “tín dụng đen” còn khiến nhiều người dân lâm vào cảnh phải bán nhà, đất đai, các tài sản có giá trị để trả nợ và thậm chí phải bỏ quê hương hòng trốn nợ.
Từ tán gia bại sản...
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Công an tỉnh Thanh Hóa đã mở nhiều “chiến dịch” ra quân đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Dẫu vậy, cơn sóng ngầm “tín dụng đen” vẫn có một dòng chảy khó ngắt mạch trong đời sống một bộ phận người dân. Thực tiễn ở các huyện, thị xã, thành phố cho thấy, vấn nạn “tín dụng đen” đã và đang gây hậu quả nặng nề cho xã hội.
Sự việc khiến gia đình bà Trịnh Thị Mai ở thôn Pồn, xã Bình Sơn (Triệu Sơn) rơi vào cảnh nợ chồng nợ và đứng trước nguy cơ mất nhà, kể từ thời điểm bà vướng vào cạm bẫy “tín dụng đen”. Vốn làm nghề nông nên kinh tế của gia đình bà Mai không lấy gì làm dư giả. Ngoài chiếc xe máy nhãn hiệu Honda, thì tài sản giá trị nhất của gia đình bà chính là thửa đất với ngôi nhà đang ở. Với mong muốn cuộc sống gia đình sớm thoát khỏi cảnh khó khăn và khấm khá hơn, bà quyết định cho con đi xuất khẩu lao động. Để có tiền cho con đi học tiếng và đóng các lệ phí xuất khẩu lao động, bà đã tìm đến Nguyễn Văn Dương ở thôn Nội Sơn, xã Hợp Lý cùng huyện hỏi vay 220 triệu đồng. Là người chuyên cho vay nặng lãi nên Dương đã đồng ý cho vay số tiền trên, với điều kiện bà Mai phải thế chấp 2 thửa đất của bà và con gái. Đi liền với đó, bà còn phải ký kết hợp đồng mua bán nhà đất có công chứng với Dương. Nếu không trả được nợ gốc và lãi, bà Mai buộc phải bán nhà đất cho Dương để xóa nợ.
Trong thời gian từ thời điểm vay tiền đến ngày 27-12-2020, bà Mai đã còng lưng trả lãi cho Dương với số tiền lên đến 350 triệu đồng, vượt cả số tiền gốc ban đầu. Sau nhiều tháng không trả được lãi, đến tháng 5-2022, Dương cùng một số người đã đến nhà ép bà Mai viết giấy nhận nợ với số tiền là 800 triệu đồng. Không có tiền trả lãi và gốc đã vay, bà Mai đã bị các đối tượng đến nhà gây sức ép bằng đuổi bà Mai ra khỏi nhà. Ngoài ra, bà Mai còn “vấp” vào một khoản vay khác với Dương để lấy tiền sinh hoạt và trả nợ. Đó là khoản vay 25 triệu đồng, được thế chấp bằng chiếc xe máy. Vì bà Mai không trả được tiền lãi và gốc theo thỏa thuận nên Dương đã bán chiếc xe máy để thu hồi nợ.
Thực hiện cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và ý kiến chỉ đạo của Công an tỉnh về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm hoạt động tín dụng đen, Công an huyện Triệu Sơn đã xác lập chuyên án mang bí số 601TD, tổ chức điều tra sâu về các đối tượng có biểu hiện cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Từ ngày 5-1-2023 đến ngày 17-1-2023, Công an huyện đã tổ chức khám xét đồng loạt 6 điểm gồm nhà ở và cơ sở cầm đồ của các đối tượng có biểu hiện cho vay nặng lãi. Trong đó, ngày 8-1-2023, tổ chức khám xét đồng loạt nhà các đối tượng Nguyễn Văn Dương, sinh năm 1987 và Nguyễn Ngọc Cư, sinh năm 1986 ở thôn Nội Sơn, xã Hợp Lý; Lê Sỹ Trọng, sinh năm 1990 ở thôn 3, Hợp Tiến.
Tại cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện các đối tượng đã khai nhận hành vi cho vay của mình. Trong đó, Dương và Trọng cùng góp chung vốn cho vay. Qua kiểm tra tài liệu, sổ sách của các đối tượng phát hiện số tiền cho vay từ năm 2021 đến nay khoảng hơn 12 tỷ đồng, với lãi suất từ 3.000 đồng/1 triệu/ngày đến 12.000 đồng/1 triệu/ngày, tương tương trên 400%/năm. Tổng số người vay các đối tượng là khoảng 100 người. Thủ đoạn của các đối tượng là cho vay tín chấp, thế chấp sau đó cắt lãi trực tiếp từ số tiền mà người bị hại vay. Đến thời hạn người vay chưa trả, các đối tượng sẽ trực tiếp đến nhà gây sức ép, buộc người vay phải trả và chuyển nhượng tài sản nhà, đất... Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã khởi tố 4 vụ với 6 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Một số đối tượng liên quan đến vụ hoạt động “tín dụng đen” đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công huyện bắt giữ và khởi tố. Tuy nhiên, bà Mai cùng khoảng 100 người dân trên địa huyện Triệu Sơn đã vướng vào cạm bẫy “tín dụng đen” vẫn phải đối mặt với số tiền gốc vay cần phải trả và không biết đến lúc nào mới thoát khỏi được hệ lụy của “tín dụng đen”.
... đến bỏ quê trốn nợ
Ngày cuối cùng của năm 2022, chuyên án trinh sát mang bí số “1222T” - đấu tranh đối với các ổ nhóm “tín dụng đen” hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khép lại, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tạm giữ hình sự đối với 7 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, quy định tại Điều 201 Bộ Luật Hình sự. Trong đó, có tài khoản đứng tên Công ty TNHH tài chính Trường Nam, đóng trên địa bàn TP Thanh Hóa, tạm giữ đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng là Nguyễn Thị Thuỳ Dung, sinh năm 1992, trú tại phường Đông Hương (TP Thanh Hóa). Mặc dù bị tạm giữ hình sự nhưng “chân rết” của Nguyễn Thị Thùy Dung vẫn duy trì việc thu tiền nợ mà người dân đã vay.
Hàng ngày chị N.T.D ở phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa vẫn nhận được điện thoại từ “chân rết” của chủ nợ gọi đến đe dọa, áp chế tinh thần yêu cầu đóng tiền “bát họ”. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, do gặp khó khăn về tài chính, tháng 3-2022, chị D đã bốc “bát họ” với đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng là N.T.T.D, ở phường Đông Hương. Tuy số tiền vay là 100 triệu đồng nhưng chị chỉ được nhận về 80 triệu đồng và mỗi ngày trả 2 triệu đồng, kéo dài trong vòng 50 ngày. Việc sản xuất không thuận lợi khiến chị càng thêm bế tắc khi phải trả lãi suất cao mỗi ngày. Lãi suất hôm nay không trả được sẽ bị dồn sang ngày kế tiếp, buộc chị D phải bốc “bát họ” mới để đảo nợ. Rưng rưng nước mắt, chị D không nhớ nổi mình đã đảo nợ bao nhiêu lần. Sau khi được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh mời lên làm việc, chị mới biết tổng số tiền lãi mà mình đã trả cho đối tượng N.T.T.D lên đến 500 triệu đồng. Vòng xoáy “tín dụng đen” khiến chi D không có khả năng thanh toán, đồng nghĩa với việc những cuộc điện thoại đe dọa, chửi bới của chủ nợ khi chị chậm trả tiền vay liên tục gọi đến, bất kể giờ giấc. Điều khiến chị lo lắng và sợ hãi hơn là chủ nợ đã cho người ném chất bẩn vào nhà, gây sức ép đến gia đình chị. Nguồn thu nhập không ổn định, trong khi gánh nặng chi phí gia đình và gánh nặng trả nợ vẫn phải oằn mình cõng, bước đường cùng chị đã rời quê để trốn nợ.
Sở dĩ hoạt động “tín dụng đen” vẫn có đất sống, bởi thực tế nhiều người dân khi cần tiền chi tiêu, đầu tư sản xuất, kinh doanh đều mang tâm lý đi vay “nóng” và tìm đến “tín dụng đen” bất chấp hậu quả. Chính điều này cũng là căn nguyên để cho hoạt động “tín dụng đen” có đất sống. Có cung ắt có cầu, các đối tượng cho vay nặng lãi luôn đáp ứng nhu cầu vay tiền của người dân mọi lúc, mọi nơi mà không cần thủ tục không rườm rà như các ngân hàng, tổ chức tín dụng, không phải khai báo mục đích vay cá nhân. Bên cạnh đó, tại một số vùng nông thôn và miền núi với trình độ dân trí thấp, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phương thức, thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi còn hạn chế, khiến nhiều người dân bị các đối tượng cho vay lãi nặng lôi kéo vào các hoạt động “tín dụng đen”. Nhiều nạn nhân bị các đối tượng cho vay nặng lãi khống chế, đe dọa nên không dám tố cáo với cơ quan công an hoặc thường có xu hướng tự giải quyết, do đó gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng.
Hệ lụy của “tín dụng đen” không chỉ là lãi suất “cắt cổ” khiến nhiều người dân rơi vào cảnh tán gia, bại sản, mà còn là nguồn gốc gây ra nhiều tội ác khác như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... Do vậy, ngoài trách nhiệm của lực lượng chức năng trong việc đấu tranh dẹp bỏ vấn nạn “tín dụng đen”, thì các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân nâng cao nhận thức tránh xa cạm bẫy của “tín dụng đen” và đề cao cảnh giác trước những chiêu trò từ các loại hình cho vay này.
Nguồn: Báo Thanh Hoá