Trấn áp tội phạm “Tín dụng đen”: Nhận diện và xử lý (Bài 1): “Tín dụng đen” vẫn còn đất sống
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, nhất là lực lượng công an trong tỉnh, thời gian gần đây, hoạt động “tín dụng đen” đã và đang được trấn áp. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa và xử lý tội phạm.
Nhiều thủ đoạn tinh vi, biến tướng
Sau thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19, kinh tế- xã hội bị ảnh hưởng, tình hình thất nghiệp tăng dẫn đến tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng vào sự khó khăn về tài chính của người dân, doanh nghiệp để hoạt động trở lại. “Tín dụng đen” hiện đã len lỏi đến từng ngõ ngách, vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 816 cá nhân, cơ sở, đối tượng kinh doanh các loại có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, 386 cơ sở kinh doanh cầm đồ; 20 cơ sở kinh doanh tài chính; 14 cơ sở kinh doanh huy động vốn lãi suất cao; 4 băng nhóm tội phạm; 366 cá nhân tham gia hội, họ, biêu, phường; 125 cá nhân cho vay lãi suất cao; 14 cá nhân huy động vốn lãi suất cao; 14 đối tượng hình sự... Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” dưới nhiều hình thức, nhưng chủ yếu là cho vay với lãi suất cao, cầm đồ và “bốc họ”, núp bóng dưới những cơ sở kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn sử dụng một số phương thức, thủ đoạn như: không dùng sổ sách để ghi chép nợ, lãi mà sử dụng phần mềm trên internet để giao dịch hoặc có dùng sổ sách nhưng cất giấu ở địa điểm khác; không viết giấy biên nhận, giấy vay tiền hoặc hợp đồng thuê xe mô tô, ô tô như trước đây mà sử dụng giấy xin việc hoặc mua bán tài sản có hợp đồng công chứng theo quy định của pháp luật; quảng cáo trên mạng xã hội facebook, zalo nhằm tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền; lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay. Việc không hiểu về cách tính lãi suất khiến cho người vay rơi vào vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”, tiền lãi thậm chí gấp hàng chục lần tiền vay gốc. Khi người vay không có khả năng trả nợ, hoặc trả nợ không đúng hạn do phải chịu lãi suất cao, xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng ném chất bẩn vào nhà của “con nợ” để đe dọa, gây sức ép, khủng bố tinh thần, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, tạo tâm lý hoang mang, lo sợ trong quần chúng Nhân dân.
Ngoài ra tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng bởi các hành vi huy động vốn trái phép với lãi suất cao trong Nhân dân dưới các hình thức đặt cọc giao dịch mua bán đất đai, cùng nhau thành lập công ty, lập các dây “hụi” sau đó tuyên bố “vỡ hụi”, “vỡ nợ” nhằm chiếm đoạt tài sản có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Qua tìm hiểu thực tế trên địa bàn huyện Triệu Sơn, thời gian qua tình hình tội phạm hoạt động “tín dụng đen” có nhiều biểu hiện phức tạp. Các đối tượng cho vay lãi nặng thường hoạt động hết sức tinh vi bằng cách thành lập các cơ sở dịch vụ cầm đồ hoặc tổ chức chơi bốc thăm hụi, họ... để lén lút cho vay với lãi suất cao, thường dao động từ 5.000 đến 15.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Hợp đồng cho vay thường thể hiện nội dung với mục đích vay tiền là xin việc hoặc mua bán, cầm cố tài sản nhưng không ghi rõ mức lãi suất mà chỉ thỏa thuận “ngầm” với người đi vay... gây khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hiếu, Phó trưởng Công an huyện Triệu Sơn, cho biết: Một thủ đoạn tinh vi, biến tướng nguy hiểm của “tín dụng đen” hiện nay là lập các hợp đồng “giả cách” với người vay tín chấp, thế chấp. Người vay cần vay số tiền lớn trong thời gian ngắn để sử dụng và chấp nhận trả lãi suất rất cao đến khi mất khả năng chi trả sẽ bị buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp cho các đối tượng cho vay. Gắn liền với thủ đoạn trên là thủ đoạn “mua bán nợ”. Chủ nợ lập hợp đồng với công ty “mua bán nợ” (một hình thức biến tướng của công ty đòi nợ thuê) liên hệ người vay cố tình chây ỳ không trả nợ và sử dụng các thủ đoạn quấy rối, khủng bố (tạt sơn, tạt chất bẩn, nước thải...) để đòi nợ theo hợp đồng.
Tìm hiểu tại TP Thanh Hóa, được biết hiện nay thực trạng cho vay ngoài hệ thống tín dụng của Nhà nước diễn ra phổ biến, trong đó nổi lên tình trạng “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, đối tượng cho vay đa dạng, chủ yếu là các ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen”, các đối tượng có tiền án, tiền sự nhưng cũng có cả các cá nhân, người dân có tiền nhàn rỗi cho vay với lãi suất cao. Các đối tượng cho vay hoạt động chuyên nghiệp sử dụng các phương thức, thủ đoạn để đối phó với các cơ quan chức năng ngày một tinh vi như hoạt động cho vay núp bóng kinh doanh mua bán xe máy cũ, laptop, điện thoại hoặc cơ sở kinh doanh có điều kiện “cầm đồ” hoặc sử dụng phương thức làm hợp đồng mua bán, cho mượn tài sản... Trong khi đó, người vay bao gồm đủ các thành phần như doanh nghiệp, công chức, lao động phổ thông..., đáng chú ý trong số đó chiếm phần đông là đối tượng công nhân, lao động tại các khu công nghiệp. Thêm vào đó, nhiều cá nhân khác đã rơi vào “bẫy” của “tín dụng đen”, từ vai trò trung gian huy động, cho vay vốn với lãi suất cao đã vô tình trở thành vừa là nạn nhân vừa là đối tượng tham gia “đồng phạm” trong đường dây “tín dụng đen”.
Bẫy "tín dụng đen" trực tuyến
Thời gian gần đây, xuất hiện một số cá nhân, tổ chức thông qua các trang mạng xã hội, ứng dụng (app) trên di động như zalo, facebook,... để quảng cáo cho vay trực tuyến với hình thức đa dạng. Chỉ cần lên mạng và gõ cụm từ “vay tiền online” hay “vay tiền nhanh”,... thì có thể tìm thấy hàng trăm kết quả khác nhau về các ứng dụng cho vay tiền như OnCredit, Doctor Đồng, VĐồng, Ơi vay... Thủ tục cho vay qua app rất đơn giản. Người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh Nhân dân hoặc căn cước công dân và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay 2- 30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết giấy tờ. Các đối tượng sẽ thẩm định danh bạ điện thoại của người vay để xác định tính chính xác, lấy căn cứ cho việc đòi nợ sau này. Người vay phải thanh toán số tiền gốc ban đầu trong 3 - 5 ngày, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân. Nếu “con nợ” không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên 1.570 - 2.190%/năm. Các đối tượng sẽ cho bộ phận đòi nợ được phân cấp khác nhau nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, đe dọa, “khủng bố” tinh thần từ “con nợ” đến người thân của họ và toàn bộ các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại cung cấp trước đó. Táo tợn hơn, các đối tượng còn đe dọa và uy hiếp, tung ảnh các thành viên trong gia đình hay bạn bè lên mạng nhằm gây áp lực cho “con nợ”.
Hiện nay, hoạt động “tín dụng đen” có một số diễn biến mới, đáng chú ý một hình thức cho vay mới xuất hiện và phát triển mạnh là hoạt động cho vay ngang hàng (hay còn gọi là P2P Lending, một trong những sản phẩm công nghệ tài chính kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua trung gian tài chính). Tuy nhiên, mô hình này chứa đựng rất nhiều rủi ro cho người tham gia: việc nhận tiền đầu tư và cho vay không qua trung gian tài chính nên khi xảy ra rủi ro các bên liên quan không chịu trách nhiệm hoặc không được giải quyết đền bù như thường lệ; các rủi ro như bên vay không trả được nợ hoặc công ty P2P Lending dùng tiền đầu tư sai mục đích, quản lý kém hoặc phá sản dẫn đến mất một phần vốn của nhà đầu tư; nguy cơ bị tấn công, sao chép dữ liệu, chiếm quyền điều hành... Hoạt động P2P Lending hiện nay có biểu hiện biến tướng của các hình thức “tín dụng đen”, đa cấp tài chính, cho vay tiền mà không gắn với việc thế chấp tài sản; lãi suất vay qua các công ty P2P Lending khoảng dưới 20%/năm/khoản vay nhưng phí cho mỗi khoản vay nếu cộng cả lãi và phí tính ra tỷ lệ % có thể lên rất cao, tới 30% - 50%/tháng.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không có tài sản thế chấp, không đáp ứng được điều kiện vay tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên suy thoái về đạo đức, tham gia các hoạt động tệ nạn (cờ bạc, cá độ, ma túy...) hoặc do nhu cầu bất hợp pháp nên tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen”. Tuy nhiên, khi con nợ chậm trả hoặc không có khả năng thanh toán sẽ bị các đối tượng dùng mọi thủ đoạn uy hiếp, đe dọa, gây sức ép để đòi nợ, siết nợ như bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm chỗ ở, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí cưỡng đoạt, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây bức xúc, phức tạp về an ninh trật tự và cũng gây ra những hệ lụy khôn lường đối với người vay.
Nguồn: Báo Thanh Hoá