Đối tượng được trang bị và nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng
Trong những năm qua, các lực lượng được Nhà nước trang bị vũ khí quân dụng đã tổ chức quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an ninh Quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, nếu không được quản lý chặt chẽ và sử dụng không đúng theo quy định của pháp luật thì lại tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, đe dọa tính mạng, sức khỏe của con người và gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, tập thể và người dân.
Theo Điều 18, Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định đối tượng được trang bị và nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng như sau:
Điều 18. Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng
1. Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng bao gồm:
a) Quân đội nhân dân;
b) Dân quân tự vệ;
c) Cảnh sát biển;
d) Công an nhân dân;
đ) Cơ yếu;
e) Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
g) Kiểm lâm, Kiểm ngư;
h) An ninh hàng không;
i) Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển và Cơ yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Trang bị, sử dụng vũ khí đối với Công an nhân dân (ảnh minh họa, nguồn internet)
Điều 22. Nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng
1. Khi thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, việc sử dụng vũ khí quân dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc phòng.
2. Khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo nguyên tắc sau đây:
a) Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng;
b) Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay;
c) Không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
d) Trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra.
3. Khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 23 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Người ra mệnh lệnh phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 23 của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
4. Người được giao sử dụng vũ khí quân dụng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng vũ khí quân dụng đã tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều này; trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng vũ khí quân dụng để xâm phạm tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, Công an tỉnh đang tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều biện pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng chế tạo, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ. Mọi thông tin tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đề nghị các cơ quan, tổ chức và Nhân dân cung cấp kịp thời (đến cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc gọi theo đường dây nóng của Công an tỉnh Thanh Hóa, số điện thoại 02373.725.725), hỗ trợ lực lượng chức năng phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với các hành vi vi phạm góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.