A- A A+ |

Công an tỉnh Thanh Hóa đấu tranh mạnh với tội phạm về môi trường

Năm 2022 và Quý 1/2023, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, kiểm tra gần 800 vụ vi phạm trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường; hoàn thiện hồ sơ khởi tố 19 vụ; xử phạt vi phạm hành chính hơn 760 vụ với số tiền trên 15 tỷ đồng.

Thượng tá Nguyễn Văn Xiêm - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Những năm gần đây, Thanh Hóa là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do vậy, kinh tế - xã hội của địa phương có sự phát triển vượt bậc, bộ mặt đô thị, nông thôn được đổi mới, đời sống nhân dân từ đồng bằng đến miền núi không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, đi liền với đó, tình hình tội phạm nói chung, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường nói riêng ngày càng diễn biến phức tạp. Nổi bật là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại một số địa bàn; khai thác khoáng sản không đúng thiết kế được phê duyệt; khai thác vượt trữ lượng; khai thác vượt ra ngoài khu vực cấp phép...

Bên cạnh đó, các hành vi chôn, lấp, đổ chất thải rắn, chất thải công nghiệp trái quy định về môi trường cũng diễn ra nhiều nơi. Nhiều nhà máy, công xưởng, khu chung cư xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép. Tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến, nhất là hành vi mua bán, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng chất cấm trong bảo quản thực phẩm...

Công an tỉnh Thanh Hóa đấu tranh mạnh với tội phạm về môi trường -0
Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thanh Hóa thi hành lệnh bắt
 đối với Nguyễn Xuân Phượng (dấu X) Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và Thương mại Tân Hải 
vì khai thác khoáng sản trái phép.

Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa hiện có 326 giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó 31 giấy phép khai thác cát, sỏi; 295 giấy phép khai thác các loại khoáng sản đất, đá, phụ gia xi măng...; có 118 mỏ được cấp phép thăm dò; 123 mỏ được phê duyệt trữ lượng... Ngoài ra, Thanh Hóa còn có hơn 27.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hàng chục ngàn nhà máy, công xưởng sản xuất, chế biến...

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát môi trường đã chủ động tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh xây dựng, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, đơn vị còn chủ động phối hợp tốt với các ngành, các đơn vị chức năng như: Tài nguyên môi trường, Kiểm lâm, Quản lý thị trường... đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường  tăng cường biện pháp điều tra cơ bản, tiến hành rà soát, nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, trong năm 2022 và Quý 1/2023, Phòng PC05 đã phát phát hiện, kiểm tra gần 800 vụ vi phạm trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, đã hoàn thiện hồ sơ khởi tố 19 vụ; xử phạt vi phạm hành chính hơn 760 vụ với số tiền trên 15 tỷ đồng.

Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường đã tham mưu cho Công an Thanh Hóa kiểm tra, xử phạt 16 trạm trộn bê tông thương phẩm. Các trạm trộn bê tông nói trên đều vi phạm lỗi "Đổ chất thải rắn thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường" hoặc "Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép". Tổng số tiền xử phạt gần 550 triệu đồng.

Trước đó, ngày 27/6 và 1/7/2022, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Sở TN&MT và Công an huyện Hà Trung kiểm tra, phát hiện mỏ khai thác đá vôi của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tân Hải (xã Hà Tân, huyện Hà Trung) vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản. Cụ thể, đơn vị này khai thác không đúng phương pháp; khai thác vượt ngoài ranh giới khu vực cấp phép hơn 2,8ha; sử dụng vật liệu nổ ngoài phạm vi giấy phép; thực hiện không đúng đánh giá tác động môi trường (DTM)... Vụ việc sau đó đã được Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định.

Cuối tháng 12/2022, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản đối với Công ty TNHH chế biến đá tự nhiên Nam Thái Sơn (thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện đơn vị này thực hiện không đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường; không thu gom xử lý chất thải nguy hại theo quy định; khai thác ngoài phạm vi mỏ hơn gần 6.000m2; khai thác vượt công suất ghi trong giấy phép... Với những vi phạm trên, Công ty TNHH chế biến đá tự nhiên Nam Thái Sơn đã bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Xiêm - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa: Để có những kết quả trên, đơn vị đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp trọng tâm như, nắm chắc tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn; làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản và đặc biệt là tổ chức trinh sát các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm... Nhằm đánh giá đúng, chính xác toàn diện về hoạt động khai thác khoáng sản cũng như công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn. Từ đó, kịp thời tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh, cấp ủy, chính quyền các kế hoạch, giải pháp phòng, chống tội phạm về môi trường chính xác, hiệu quả.


Tác giả: Trần Thắng
Nguồn: Báo Công an nhân dân
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu