Tăng cường công tác bảo tồn các loại chim hoang dã, chim di cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 07 vùng chim đặc hữu. Hiện nay, ở nước ta đã ghi nhận được hơn 900 loài chim, trong đó 99 loài cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa. 

Nhằm bảo vệ, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt, tận diệt, phá hủy sinh cảnh của các loài chim hoang dã, di cư, UBND tỉnh Thanh Hóa đã triển khai Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam và ban hành công văn số 15850/UBND-NN ngày 24/10/2022 chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn tỉnh.

Thời gian vừa qua, tình trạng săn bắt, bẫy, buôn bán trái phép các loài chim hoang dã, đặc biệt là chim di cư diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Hành vi này đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của các loài chim nói riêng, đa dạng sinh học nói chung. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bước vào mùa chim di cư nhiều khu vực bãi bồi, đầm nuôi trồng thủy sản, các cánh đồng lúa, rừng ngập mặn ven biển ở một số huyện trọng điểm, như Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, thị xã Nghi Sơn, Triệu Sơn... đã xuất hiện các loài chim hoang dã, chim di cư.

Đảo cò tại huyện Triệu Sơn

Thực hiện Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 15850/UBND-NN, Lực lượng Công an tỉnh Thanh Hoá phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng, chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã, di cư; cụ thể: Kiểm tra, thu giữ dụng cụ, lưới bẫy bắt chim; kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi chế biến, kinh doanh, sử dụng trái phép động vật rừng và các loài chim hoang dã. Tính từ đầu tháng 9 đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm có liên quan đến săn bắt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến chim hoang dã trên địa bàn tỉnh.

Sử dụng lưới để bẫy chim trời (Ảnh minh họa)

       

Tuy nhiên, việc ngăn chặn các hành vi săn bắt chim di cư, chim hoang dã vẫn rất khó khăn do một số cá nhân nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, có suy nghĩ cố hữu việc chim trời, cá sông thì tự do sử dụng nên thay bằng bắt công khai ban ngày lại đặt bẫy, bắt ban đêm bằng nhiều hình thức khác nhau gây khó khăn cho công tác quản lý. Việc bảo tồn, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư là nhiệm vụ hết sức cấp thiết nhằm đảm bảo hệ sinh thái, góp phần bảo tồn quần thể chim di cư ở Việt Nam.

Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn các loài chim hoang dã Công an tỉnh khuyến cáo toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh cần chung tay góp phẩn bảo vệ các loài chim hoang dã; không săn bắt, buôn bán trái phép các loại chim hoang dã; không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm, tích cực tố giác các hành vi vi phạm với cơ quan chức năng để có ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định.

Tác giả: Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu