Theo số liệu thống kê, từ ngày 01/3/2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông (TNGT) mà người điều khiển phương tiện có liên quan bỏ trốn khỏi hiện trường, để mặc người bị nạn không đưa đi cấp cứu, gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật, đạo đức, quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông mà còn là hành vi coi thường mạng sống người bị nạn cần phải lên án và xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa...
Khoảng 16 giờ 05 phút ngày 13/4/2025, ông Lê Trọng C, sinh năm 1937 ở xã Tiến Nông, huyện Triệu Sơn điều khiển xe đạp đi theo chiều từ huyện Nông Cống đi huyện Thọ Xuân. Khi đến Km 21 + 900 đường Nghi Sơn - Sao Vàng thuộc địa phận xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn thì bị xe ô tô biển kiểm soát 89C - 052.05 do Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1992 trú ở xã Quang Vinh, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên điều khiển đi cùng chiều đâm vào, khiến ông C bị thương nặng, sau đó tử vong tại bệnh viện. Điều đáng nói là sau khi gây tai nạn, lái xe Nguyễn Văn Thành đã bỏ trốn khỏi hiện trường, bỏ mặc nạn nhân nằm tại hiện trường.
Lái xe Nguyễn Văn Thành và chiếc xe gây tai nạn bỏ trốn.
Một vụ tai nạn giao thông khác xảy ra vào khoảng 4 giờ 00 phút, ngày 07/3/2025 tại đường kết nối Quốc lộ 45 với Cao tốc Bắc - Nam thuộc địa phận xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, xe ô tô biển kiểm soát 36A - 209.54 do Nguyễn Hùng Cường, sinh năm 1978 ở phường An Hưng, TP. Thanh Hóa điều khiển đã đâm vào xe đạp do chị Đồng Thị T. sinh năm 1961 ở xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống điều khiển, sau đó đã bỏ chạy khỏi hiện trường. Hậu quả, chị Đồng Thị T. bị thương nặng, vỡ nền sọ, xuất huyết não, hôn mê sâu…
Tổ chức Y tế thế giới từng khuyến cáo, yếu tố quan trọng nhất là cấp cứu cho người bị thương càng sớm càng tốt. Hầu hết tử vong xảy ra trong những giờ đầu tiên sau tai nạn do hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng, đường thở bị tắc hoặc do bị mất nhiều máu. Tất cả những vấn đề này đều có thể xử trí được, nhưng đáng buồn không phải nạn nhân nào cũng được cứu chữa kịp thời.
Theo các cơ quan chức năng, trong quá trình tiếp nhận, xử lý các vụ việc liên quan đến tai nạn giao thông, có những trường hợp người gây tai nạn lợi dụng tình hình lộn xộn, người gặp nạn mất khả năng kiểm soát hoặc tuyến đường vắng người qua lại rồi bỏ mặc nạn nhân. Hành vi này xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không am hiểu các quy định của pháp luật và sợ trách nhiệm. Đây là hành vi không những vi phạm đạo đức, ứng xử trong tham gia giao thông, mà còn vi phạm pháp luật và bị xã hội lên án, cần nghiêm trị.
Khoản 1, Điều 80 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây ra tai nạn giao thông đường bộ, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ có trách nhiệm: Dừng ngay phương tiện, cảnh báo nguy hiểm, giữ nguyên hiện trường, trợ giúp người bị nạn và báo tin cho cơ quan Công an, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc UBND nơi gần nhất; Ở lại hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp phải đi cấp cứu, đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc xét thấy bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe nhưng phải đến trình báo ngay cơ quan Công an, UBND nơi gần nhất; Cung cấp thông tin xác định danh tính về bản thân, người liên quan đường bộ cho cơ quan có thấm quyền đến vụ tai nạn giao thông đường bộ và thông tin liên quan của vụ tai nạn giao thông.
Theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP, chủ xe gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn khỏi hiện trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 72 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017 với khung hình phạt tù từ 3 - 10 năm. Ngoài ra, Điều 585, Điều 590 và Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người điều khiển xe gây tai nạn không dừng lại phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng cho người bị tai nạn.
Mặc dù đã có những mức phạt cụ thể đối với hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn khỏi hiện trường, nhưng để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi này, các cơ quan chức năng cho rằng vẫn cần xem xét đến những chế tài nặng hơn, mạnh mẽ hơn vì đây là vấn đề liên quan đến tính mạng con người. Nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn với sức khỏe, tính mạng của người bị nạn, thậm chí xa hơn là còn ảnh hưởng đến thân nhân của người bị nạn, tạo ra gánh nặng về kinh tế, xã hội.
Để tránh những rủi ro, thiệt hại trong quá trình tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Trong trường hợp không may xảy ra tai nạn phải thật bình tĩnh, xem lại bản thân và người bị nạn có bị thương hay không để cứu giúp người bị nạn, trình báo đến cơ quan công an để kịp thời xử lý, hạn chế thấp nhất thiệt hại, rủi ro có thể xảy ra./.