A- A A+ |

Ngăn chặn dòng tiền mà Google trả cho các video xấu độc

Chiều ngày 25-6, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức buổi làm việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

 

Theo các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT, trong thời gian qua, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Tuy nhiên do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn nhiều bất cập nên việc ngăn chặn gỡ bỏ này trên thực tế vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”. 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Trước diễn biến phức tạp của vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Tương lai, số phận đất nước chúng ta, tương lai con cháu chúng ta không thể chỉ trông mong vào sự tốt bụng của một doanh nghiệp nào đó, của một ai đó. Tương lai của chúng ta phải do chúng ta quyết định”. 

Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cho rằng, để “quét rác” và làm sạch không gian mạng, luật sẽ phải ra những quy định xử lý người “xả rác", ở đây là các nhà sáng tạo nội dung, chủ sở hữu của những video, clip xấu độc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nền tảng phải có công cụ “quét rác". 95-99% không gian mạng phải được dọn dẹp bởi 2 đối tượng này. Chính quyền sẽ chỉ lo xử lý với phần còn lại. Không gian mạng Việt Nam là môi trường sống của các doanh nghiệp, các đại lý quảng cáo, của báo chí trong nước và của người Việt Nam. Bởi vậy phải chung tay làm sạch môi trường này, “quét rác” mỗi ngày. Môi trường này mà sạch thì thương hiệu của các doanh nghiệp mới sạch, con cháu chúng ta mới được an toàn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng với các đại biểu dự Hội nghị

 

Bộ trưởng cũng kêu gọi sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới như Google, Youtube.

 “Các bạn đến đây làm ăn, thu tiền, trở nên giàu có, thì các bạn cũng phải góp sức, góp phần cho đất nước này thịnh vượng hơn, ổn định và phát triển hơn. Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào đây mà không tuân thủ luật pháp Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, biện pháp kinh tế, biện pháp kỹ thuật để yêu cầu các bạn tuân thủ luật pháp. Các bạn kiếm được càng nhiều tiền, người dùng càng nhiều thì trách nhiệm của các bạn phải càng lớn hơn. Không thể vì tiền mà quên đi trách nhiệm của mình với bao nhiêu người bị thiệt hại, các quốc gia bị suy yếu. Các bạn đã chi rất nhiều tiền để làm ra các thuật toán đọc nội dung của khách hàng, hiểu rất sâu khoa học, nhưng lại đầu tư không đáng kể vào các thuật toán ngăn chặn nội dung xấu độc. Các bạn phải thấy có tội khi trả tiền cho một video xấu độc, gây hại cho người Việt Nam, cho con cháu những người Việt Nam”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, biện pháp kinh tế, biện pháp kỹ thuật để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp cùng với Ngân hàng Nhà nước để tìm cách ngăn chặn dòng tiền mà Google trả cho các video xấu độc.


Tác giả: Hà Phương
Nguồn: Theo CAND
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu