Liên ngành Giao thông - Công an sẽ có chung phần mềm chống lái xe gian dối

Ngày 31-5, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cũng như theo dõi, quản lý GPLX được kết nối giữa hai Bộ Công an, Giao thông vận tải và người dân.

“Phần mềm này sẽ khắc phục được tình trạng gian dối xin cấp nhiều GPLX. Việc làm này thể hiện tính minh bạch, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm trong quá trình sử dụng GPLX. Đây sẽ là tiền đề để Cục CSGT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, phục vụ quản lý đảm bảo ATGT.

Trên cơ sở kết nối này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ xây dựng, cập nhật dữ liệu về lịch sử GPLX của một người bắt đầu từ khi học đến khi không hành nghề nữa. Trong quá trình này lái xe mắc lỗi về vi phạm rượu bia, ma túy... sẽ được lưu trữ cả đời. Qua đó, minh bạch được quá trình xử lý của cơ quan pháp luật đối với lái xe”, ông Huyện cho biết.

Theo ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện - Người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), Thông tư 12 của Bộ GTVT đã có chế tài xử phạt rất nặng những trường hợp gian dối xin cấp thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3.

Theo đó, người sử dụng GPLX đã báo mất, trong quá trình điều khiển phương tiện nếu bị CSGT phát hiện sẽ bị thu hồi tất cả GPLX đã được cấp. Sau 5 năm người đó mới được học và thi lại.

Cũng theo ông Thống, từ 1-6, khi có sự phối hợp giữa hai ngành thì CSGT xử lý vi phạm, cập nhật trên cơ sở dữ liệu. Khi CSGT tra cứu trên cơ sở dữ liệu này, phát hiện các trường hợp gian dối sẽ gửi sang ngành Giao thông và những trường hợp này sẽ bị thu hồi GPLX.

“Việc phối hợp có hai giai đoạn, giai đoạn đầu từ 1-6 sẽ kết nối để tra cứu dữ liệu vi phạm, CSGT sẽ truy cập vào dữ liệu GPLX của ngành giao thông để tra cứu. Giai đoạn 2, CSGT sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, sau đó sẽ cung cấp cho Tổng cục và các Sở GTVT truy cập, tra cứu khi cấp lại GPLX. Hệ dữ liệu này của CSGT cũng được cập nhật vào cơ sở dữ liệu chung quốc gia, khi đó các ngành khác cũng có thể truy cập được”, ông Thống nói.

Cũng theo ông Lương Duyên Thống, để đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật, trước mắt giai đoạn 1, chỉ cho phép cơ quan chức năng liên quan truy cập vào phần mềm. Khi triển khai giai đoạn 2, hệ thống được nâng cấp mới cho phép cá nhân hoặc tổ chức khác truy cập vào phần mềm này.

Nguồn: Theo CAND
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu