Đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Chiều 24-5, Bộ Công an đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 1 năm thực hiện cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn. Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Lê Như Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh và đại diện lãnh đạo các phòng chức năng Công an tỉnh.

Sau 1 năm thực hiện cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC, công an các đơn vị, địa phương đã chủ động tham mưu UBND các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đợt cao điểm, quy định điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện, duy trì điều kiện an toàn PCCC.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị
 

Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) tại địa phương; UBND cấp xã đã từng bước nắm bắt được trách nhiệm và tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước PCCC và CNCH. Nhận thức, ý thức trách nhiệm về PCCC của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ hộ sản xuất, kinh doanh và người dân, người lao động đã có nhiều chuyển biến tích cực; trong đó đã tự giác ký cam kết bảo đảm an toàn về PCCC, khắc phục những thiếu sót, vi phạm về PCCC, mở lối thoát nạn thứ 2 qua ban công, lô gia, trang bị bình chữa cháy xách tay; tham gia các hoạt động trong lực lượng dân phòng, mô hình, phong trào PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình…

Nhiều địa phương đã kiềm chế về số vụ cháy xảy ra tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Trong đó, 3/63 địa phương không để xảy ra cháy; 52/63 địa phương có số vụ cháy giảm…

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Thanh Hoá
 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: Công an một số đơn vị, địa phương còn chưa chủ động trong tham mưu, triển khai cao điểm, quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; công tác tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả chưa cao, phần lớn các mô hình, phong trào PCCC hoạt động mang tính hình thức, không hiệu quả; nội dung kiểm tra chưa đầy đủ, không phát hiện, hướng dẫn kịp thời cho chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh khắc phục các thiếu sót, vi phạm về PCCC, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao; chưa duy trì thường xuyên các điều kiện an toàn về PCCC đối với khu dân cư…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đã biểu dương, ghi nhận những kết quả thực hiện trong 01 năm triển khai cao điểm và các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn; khẳng định chủ trương là rất đúng đắn, hướng đúng mục tiêu, phù hợp với tình hình thực tế, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. 

Để phát huy những kết quả đạt được và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, làm giảm số vụ cháy, thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương đổi mới về tư duy, nhận thức, xác định lấy người dân là trọng tâm, chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nguồn lực trọng công tác PCCC và CNCH. Vì vậy phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, đổi mới, sáng tạo về phương thức tổ chức và hoạt động trong công tác PCCC. Trong công tác PCCC phải xác định phòng là chính, phòng là “xây”, chữa là “chống”, phòng là cơ bản - chiến lược - lâu dài; làm tốt công tác phòng cháy để hạn chế phải chữa cháy, hạn chế hậu quả, thiệt hại cho nhân dân và cho xã hội. Phải xác định phương châm “4 tại chỗ” là lực lượng ở trong dân – phương tiện ở trong dân – hậu cần ở trong dân – chỉ huy ở trong dân, người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là lực lượng trực tiếp, tại chỗ, ban đầu tham gia chữa cháy, kết hợp với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, dân phòng, dân phố, khu dân cư… để khi có cháy nhanh chóng lớp lấy “thời điểm vàng” (từ 5-7 phút kể từ khi xảy ra cháy), kịp thời huy động người dân tham gia chữa cháy.

Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác PCCC và CNCH. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát sóng các chuyên mục về PCCC vào khung giờ vàng thu hút người xem. Mục tiêu là từng người dân phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát hiểm, thoát nạn khi có vụ cháy xảy ra. Nắm chắc địa bàn, không để tình trạng bỏ sót, bỏ lọt địa bàn, Công an cấp xã cần nắm bắt, thống kê những thay đổi tại khu dân cư, cơ sở; xác định, lập danh sách, hồ sơ quản lý địa bàn, khu vực trọng điểm về PCCC có khả năng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi xảy ra cháy để tăng cường các biện pháp quản lý. Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung PCCC và CNCH vào giảng dạy cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục. 

Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND 
phát biểu chỉ đạo sau hội nghị trực tuyến
 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, cần rà soát, đánh giá các mô hình phát huy hiệu quả trong công tác PCCC và CNCH tại địa phương, tập trung nhân rộng với công thức: Lối thoát hiểm thứ 2 + Bình chữa cháy, phương tiện chữa cháy + Chuông báo cháy + Kỹ năng chữa cháy, thoát hiểm… Nghiên cứu cập nhật các tình huống mới trong công tác diễn tập chữa cháy, CNCH trong tình hình mới. Tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy 24/24h, bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị và phương tiện chữa cháy, bảo đảm 100% phương tiện, trang thiết bị trong diện thường trực phải hoạt động tốt, kịp thời tham gia xử lý có hiệu quả các vụ cháy, nổ xảy ra.

Bên cạnh đó, đồng chí Thứ trưởng đề nghị, Công an các đơn vị, địa phương, lãnh đạo chỉ huy các cấp cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục bằng được những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC, CNCH trong thời gian qua. Mục tiêu đạt được là hạn chế tối đa các vụ cháy xảy ra, nếu xảy ra phải hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và xã hội…

Thời gian qua Công an Thanh Hoá đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ “chuồng cọp”
tạo lối thoát hiểm

Phát biểu chỉ đạo sau hội nghị trực tuyến, đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lực lượng công an trong tỉnh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công an để chủ động triển khai về công tác PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng các kế hoạch, phương án, quy định về công tác PCCC. Đề xuất các cấp, các ngành tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác PCCC và CNCH, đầu tư nguồn lực nâng cấp hạ tầng, cơ sở, xử lý, giải quyết các khó khăn, bất cập trong công tác PCCC và CNCH. Khi lập quy hoạch về đô thị và khu dân cư phải đảm bảo các điều kiện về công tác PCCC…                                                                        

Tác giả: Văn Thiện
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu