Đánh giá sai lệch về Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”
Ngày 9/3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”. Với 03 chương, và dày 132 trang cuốn sách đã cung cấp các thông tin cơ bản về tôn giáo, quan điểm chính sách tôn giáo ở Việt Nam, thành tựu cũng như thách thức của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Sách trắng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; Người dân cũng hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào.
Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ Thông tin và Truyền Thông, Ban Tôn giáo Chính phủ ra mắt Sách trắng, lập tức một số trang báo điện tử thường xuyên đăng tải thông tin chống phá Đảng, Nhà nước như: VOA, RFI, RFA… cùng nhiều trang mạng của các tổ chức, cá nhân chống đối đã có những bài viết, bình luận sai trái, đánh giá một cách tiêu cực về cuốn sách này. Họ đưa ra những bài viết cho rằng, việc cho ra đời cuốn sách này là “bức bình phong” nhằm che đậy các vi phạm kéo dài tại Việt Nam!
Những “đánh giá” trên của các trang báo dựa trên nhận định của số đối tượng cực đoan, chống đối trong các tôn giáo. Những cá nhân đưa ra đánh giá trên đều là thành viên của tổ chức bất hợp pháp với danh xưng “Hội đồng Liên tôn Việt Nam”. Các đối tượng đó đều thuộc các phần tử chống đối, uy tín, ảnh hưởng trong giáo hội thấp, năng lực yếu kém, không được trọng dụng nên số này tỏ ra bất mãn và đã ly khai khỏi các tôn giáo, tổ chức tôn giáo, sau đó liên kết lại với nhau thành lập một tổ chức bất hợp pháp mang danh nghĩa tôn giáo để phục vụ ý đồ, động cơ riêng. Chính vì vậy, hầu hết việc làm của họ đều mang mưu đồ, lợi ích cá nhân chứ không đại diện cho bất kỳ một tổ chức tôn giáo nào, không vì lợi ích chung của cộng đồng. Những phát ngôn, nhận định mà họ chia sẻ với phóng viên của các trang báo điện tử nêu trên cũng chỉ mang tính chủ quan, phiến diện một chiều, mang tính “thù địch” với Việt Nam của một nhóm nhỏ có chung lợi ích. Những nhận xét, đánh giá đó không thể coi là “đại diện cho tiếng nói tôn giáo”, càng không có giá trị tham khảo. Vậy mà, phóng viên của các trang báo điện tử VOA, RFI, RFA… lại viện dẫn một cách phiến diện, thiếu cơ sở gây ra nhìn nhận sai lệch về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946) và các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này đều luôn khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người. Đặc biệt, bản Hiến pháp được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 28/11/2013 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 chứa đựng những nội dung mới về quyền con người, thể hiện bước tiến mới về tư duy Nhà nước pháp quyền và thể chế hóa quyền con người ở Việt Nam, phù hợp với các chuẩn mực được nêu lên trong các công ước quốc tế về quyền con người.
Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, dân chủ, công bằng và văn minh.Tại Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Công tác tôn giáo trong tình hình mới” và gần đây là Chỉ thị 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về “Công tác tôn giáo trong tình hình mới” cùng với hàng chục văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân. Nhờ đó mà quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân được đảm bảo tốt hơn, các cơ sở thờ tự ngày càng được khang trang, đẹp đẽ, quan hệ quốc tế của các tôn giáo ngày càng được mở rộng. Nhiều hoạt động tôn giáo lớn đã trở thành lễ hội của người dân Việt Nam… Tát cả những điều đó là những minh chứng sống động, chân thực về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong các hội thảo quốc tế về vấn đề tự do tôn giáo được tổ chức tại Việt Nam hay trong các lần đón tiếp các đoàn lâm thời, các tổ chức nhân quyền tôn giáo quốc tế vào Việt Nam tìm hiểu chính sách, pháp luật tôn giáo của Việt Nam. Việt Nam đều chủ động cung cấp các thông tin về tình hình tự do tôn giáo và chính sách, pháp luật của tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, thẳng thắn trao đổi các vấn đề mà dư luận quốc tế quan tâm. Từ đó, giúp các tổ chức này thấy rõ thực tiễn đời sống tôn giáo ở Việt Nam đa dạng, phong phú cũng như cho thấy chính sách, pháp luật đã đảm bảo quyền tự don tôn giáo chính đáng của nhân dân.
Nếu như thực sự khách quan thì phóng viên của VOA, RFI, RFA, BBC… cần dẫn chứng thêm những nhận định, quan điểm của những vị lãnh đạo trong các tổ chức giáo hội đã được Nhà nước ta công nhận tư cách pháp nhân, họ mới chính là người đại diện cho giáo hội, cho lợi ích của đại đa số chức sắc, tín đồ trong các tôn giáo Việt Nam.
Tóm lại, việc phê phán Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” vẫn là một trong những “chiêu trò” nhằm “chính trị hóa”, “quốc tế hóa” vấn đề tôn giáo ở Việt Nam hòng phủ nhận những thành quả từ những chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta và thành quả trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho người dân.