Triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về phòng cháy, chữa cháy

Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị Quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

Ngày 11/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 630/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị Quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu những tồn tại, hạn chế, xem xét, tiếp thu, khắc phục những hạn chế bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy đã được nêu tại Điều 2 Nghị Quyết số 99/2019/QH14 và Báo cáo số 41/BC-ĐGS ngày 17/10/2019 của Đoàn giám sát Quốc hội về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014-2018”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký, ban hành Quyết định số 630/QĐ-TTg

Nội dung của Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 630/QĐ-TTg ngoài việc giao cho các bộ, ngành tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, ban hành quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phối hợp với Ủy ban nhân cấp tỉnh trong việc rà soát các cơ sở, công trình, phương tiện giao thông có tính chất đặc thù của địa phương xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các loại hình, đối tượng đặc thù nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy để hoàn thiện hệ thống pháp luật làm cơ sở triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Nghị Quyết số 99/2019/QH14. Trong đó, Bộ Công an được giao thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như:

- Chủ trì, phối hợp cùng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai thực hiện “Thí điểm giao nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở” đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy sâu rộng, với phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy

- Chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập quy hoạch hạ tầng về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi xem xét quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phải xem xét tới quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy; tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã ban hành để bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xây dựng, công tác thẩm định, nghiệm thu công trình xây dựng gắn với thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy theo hướng không cấp phép xây dựng, cấp phép hoạt động đối với công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; chấm dứt tình trạng cơ sở, công trình xây dựng đưa vào sử dụng khi chưa có văn bản nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy.

- Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng công khai các dự án, công trình vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy nhưng chậm hoặc chưa được khắc phục để các bộ, ngành, địa phương và người dân cùng tham gia giám sát; đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ.

Công trình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy sẽ được công khai để người dân cùng tham gia giám sát

- Chú trọng phát triển mạng lưới các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn, khu vực trọng điểm bảo đảm về quân số, phương tiện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; đẩy nhanh tiến độ phân cấp, giao nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã chính quy.

- Các giải pháp tăng cường, ưu tiên đầu tư nguồn tài chính cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp khác và ban hành cơ chế, chính sách xã hội hóa việc đầu tư, tham gia xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính để đề xuất Chính phủ, Quốc hội.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phòng cháy, chữa cháy đã góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, giúp các nhiệm vụ, giải pháp đưa ra đi vào thực tiễn giải quyết được những tồn tại, hạn chế về công tác phòng cháy, chữa cháy hiện nay./.

Nguồn: Cục C07
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu