Tiếp tục tập trung chỉ đạo, tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh Thanh Hoá vừa ra văn bản về việc tiếp tục tập trung chỉ đạo, tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Nội dung cụ thể như sau:

 

Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền địa phương các cấp, các chủ rừng đã cơ bản triển khai hiệu quả nhiệm vụ PCCCR; do đó, trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia: Năm 2024, tình hình thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nắng nóng, khô hạn sẽ kéo dài, nguy cơ gây cháy rừng rất cao. Để tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác PCCCR theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 8907/BNN-KL ngày 06/12/2023; Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo như sau:

1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị và chủ rừng tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác PCCCR; trọng tâm là Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Kế hoạch số 164-KH/TU ngày 11/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 261/KH-UBND ngày 24/10/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 61- KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; Công văn số 8907/BNN-KL ngày 06/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; Quyết định số 67/QĐ-UBND ngày 07/01/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Phương án phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố 

- Thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp theo quy định tại Điều 102 Luật Lâm nghiệp; xác định công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém trong triển khai, tổ chức thực hiện các biện pháp PCCCR trên địa bàn địa phương, chủ rừng; kiên quyết không để xảy ra cháy rừng hoặc tổ chức lực lượng dập tắt ngay đám cháy khi mới phát sinh; định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện và những nội dung vượt thẩm quyền.

- Chỉ đạo, rà soát xác định cụ thể các vùng trọng điểm cháy rừng để xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả phương án, kế hoạch PCCCR năm 2024; quản lý hiệu quả các nguyên nhân gây cháy rừng; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong PCCCR; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong những ngày nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao; bố trí lực lượng tuần tra canh gác lửa rừng ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, nhất là dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 tại các khu vực tổ chức sự kiện, đền chùa, miếu mạo... gần rừng; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế, dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn; chỉ đạo điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; gắn với xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR phù hợp cho từng đối tượng cụ thể, đảm bảo khả thi, hiệu quả; chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc sử dụng lửa trong và ven rừng, đặc biệt là việc đốt xử lý thực bì trồng rừng, đốt nương làm rẫy; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong thời điểm dự báo cấp cháy rừng từ cấp IV trở lên.

- Tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện, Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, các Đồn Biên phòng trên địa bàn rà soát kế hoạch, tổ chức lực lượng, phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường, thị trấn, các chủ rừng Nhà nước thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR; có phương án đảm bảo về lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần để chủ động ứng phó, xử lý các tình huống về PCCCR trên địa bàn. 

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh; trọng tâm là chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăn cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm về an ninh rừng, các k vực rừng tự nhiên, khu vực rừng giàu trên địa bàn huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Bá Thước...; quản lý, giám sát chặt kinh doanh. đặc biệt là các cơ sở chế biến gỗ; kiểm soát chặt chẽ lâm sản trên khâu lưu thông trên các tuyến đường trong khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản.

- Chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; làm tốt công tác thông tin, dự báo, cảnh báo cháy rừng, đảm bảo cập nhật chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo công tác PCCCR trên địa bàn; theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại trang điện tử kiemlam.org.vn; duy trì nghiêm chế độ trực PCCCR trong thời gian cao điểm cháy rừng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền BVR, PCCCR; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ, tham gia chữa cháy cùng các địa phương khi có cháy rừng xảy ra.

- Chỉ đạo, tham mưu, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, tổ chức thành công Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, Xuân Giáp Thìn năm 2024 các cấp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.

4. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, tiếp tục rà soát quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT trong hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, bảo vệ và phòng chống cháy rừng đã ký kết; chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương các cấp tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra.

Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với chủ rừng, chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm tổ chức điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy đối với các vụ cháy rừng, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục, phòng ngừa.

5. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố để hướng dẫn, tham mưu cân đối, bố trí kinh phí, đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ PCCCR trên địa bàn địa phương, đơn vị.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, các cơ quan thông tấn, báo chí đóng trên địa bàn tỉnh phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị và chủ rừng trong tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ rừng, PCCCR; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm để cập nhật thông tin, tăng thời lượng phát sóng, tuyên truyền, cảnh báo cháy rừng trên địa

bàn tỉnh.

7. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị nêu trên triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

8. Đề nghị các Huyện, Thị, Thành ủy xác định nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, PCCCR là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, các tập thể, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chấp hành, thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Kế hoạch số 164-KH/TU ngày 11/9/2023.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Thanh Hoá; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa; MTTQ các huyện, thị xã, thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và chủ rừng tham gia thực hiện công tác bảo vệ rừng, PCCCR; sẵn sàng tham gia ứng phó chữa cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc, phối hợp kiểm tra, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Tác giả: BT
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu