Phòng cháy chữa cháy cao điểm dịch Covid 19 - Những điều cần lưu tâm.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ ngành, địa phương, sự đồng hành với ý thức trách nhiệm cao của người dân trong việc phối hợp cùng chính quyền thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, về cơ bản Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Đây thật sự là tín hiệu vui, tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh nguy hiểm này. Song song đó, bên cạnh việc toàn dân tập trung chống dịch thì công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong đó có an toàn phòng, chống cháy nổ là điều rất cần thiết. Bởi, bất cẩn nhỏ có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Thành phố Hồ Chí Minh những ngày thực hiện cách ly toàn xã hội (nguồn Internet)

 

Thực hiện Chỉ thì số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, toàn dân thực hiện cách ly toàn xã hội phòng, chống dịch bệnh trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ, ngày 01/4/2020. Tuy nhiên, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4/2020 về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh tại các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Theo đó, nhóm địa phương có nguy cơ cao (gồm 12 tỉnh, thành phố) tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg CỦA Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 22 hoặc ngày 30/4/2020 và có thể xem xét kéo dài tuỳ thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; đồng thời quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, xây dựng hạ tầng, đảm bảo lưu thông hàng hoá.

Nhóm địa phương có nguy cơ (gồm 16 tỉnh, thành phố) thực hiện nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg đến hết ngày 22/4/2020 và sẽ có điều chỉnh vào ngày 22/4 tuỳ diễn biến dịch bệnh.

Nhóm có nguy cơ thấp gồm 35 tỉnh còn lại, yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.

 

Như vậy, việc tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội tại một số tỉnh, thành phố lớn, cũng như chủ trương bắt đầu thúc đẩy hoạt động sản xuất trở lại dẫn đến nhu cầu sử dụng thiết bị điện tăng cao, như: hệ thống máy vi tính, internet phục vụ học online, mua sắm trực tuyến, ti vi, thiết bị máy móc hoạt động công xuất cao phục vụ sản xuất, kinh doanh… Bên cạnh đó, với thời tiết hanh khô, cao điểm nắng nóng ở thành phố, việc sử dụng các thiết bị làm mát công suất lớn, tiêu thụ điện năng cao như: máy điều hoà, quạt điện, tủ lạnh cũng gia tăng đáng kể. Thậm chí, một số gia đình còn trang bị thêm thiết bị làm mát mà quên tính toán đến điện năng, tải trọng và sự an toàn của mạng lưới điện trong gia đình, dễ dẫn đến hiện tượng quá tải, gây chạm chập, …từ đó, nguy cơ xảy ra các vụ cháy, nổ là điều khó tránh khỏi.

Trong khi đó, ý thức người dân về công tác đảm bảo an toàn PCCC nói chung cũng chưa cao. Còn chủ quan về công tác phòng cháy, nhất là trong việc sử dụng thiết bị điện. Thực tế qua kiểm tra PCCC tại nhiều cơ sở, hay hộ gia đình, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH không khó để bắt gặp tình trạng người sử dụng thiết bị điện khi có nhu cầu sẵn sàng câu mắc, cơi nới hay lắp thêm nhiều thiết bị tiêu thụ điện khác mà không sử dụng dây dẫn điện có tiết diện và khả năng truyền tải cao hơn. Việc không thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hay thay thế các thiết bị sử dụng điện đã lâu ngày, xuống cấp cũng là một trong những nguy cơ cao có khả năng dẫn đến cháy, nổ. Vì vậy, sử dụng các thiết bị điện với công suất lớn tập trung trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch bệnh như hiện nay luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại lớn, thậm chí là nghiêm trọng nếu mỗi người dân trong chúng ta chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Để hạn chế thấp nhất nguy cơ và khả năng có thể xảy ra cháy, nổ, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp tục phối hợp cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn PCCC bằng nhiều hình thức để người dân hiểu, nắm bắt kịp thời, có nhận thức rõ và biến chuyển rõ rệt về nhận thức cũng như ý thức chấp hành nghiêm trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, an toàn sử dụng điện, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và có tinh thần chủ động, tích cực, sẵn sàng tham gia phòng cháy chữa cháy.

Tập trung lực lượng, phương tiện thường trực, sẵn sàng chiến đấu, kịp thời ứng phó, xử lý có hiệu quả các vụ cháy, nổ, không để xảy ra cháy lớn, cháy lan gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ sở và chủ hộ gia đình luôn đề cao cảnh giác, đề phòng cháy nổ do điện, chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng, chống cháy, nổ tại cơ sở, gia đình. Cụ thể:

Các biện pháp phòng cháy điện

* Tại hộ gia đình:

-  Phải lắp cầu dao, áp tô mát hoặc thiết bị ngắt nhanh ở phía sau điện kế, đầu dây điện chính và ở đầu mỗi nhánh dây phụ, cũng như, lắp cầu chì ở trước các ổ cắm điện để khi xảy ra chạm chập, quá tải có thể ngăn ngừa phát hỏa.

-  Không dùng giấy bạc hoặc dây kim loại khác để thay thế dây chảy cầu dao; cầu chì.

-  Không dùng các thiết bị, dụng cụ tiêu thụ điện chất lượng kém.

-  Không đặt các chất gây cháy (gas, xăng, dầu, giấy…) gần các thiết bị, dụng cụ tiêu thụ điện.

-  Không lắp đặt ổ cắm điện trong phòng vệ sinh, phòng tắm vì dễ gây chạm điện do độ ẩm cao.

-  Khi sửa chữa điện trong nhà phải cắt cầu dao điện.

-  Trước khi ra khỏi nhà phải tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện, đồ dùng điện.

-  Nên sử dụng loại ấm đun nước có còi hú báo động khi nước sôi. Khi đun nấu bếp điện phải có người trông coi.

-  Không để trẻ nhỏ, người bị bệnh tâm thần… sử dụng các thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà.

* Trong sản suất, kinh doanh:

- Hệ thống các thiết bị sử dụng điện, hệ thống chống sét nối đất phải được  nghiệm thu, kiểm tra thường xuyên.

- Sơ đồ hệ thống điện phải đúng với thực tế đang sử dụng.

- Khi thiết kế, thi công, lắp đặt hệ thống  thiết bị điện, phải đảm bảo Tiêu chuẩn an toàn PCCC.

- Thiết bị, dụng cụ điện được sử dụng trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ phải là loại thiết bị, dụng cụ an toàn về cháy, nổ.

- Các đường dây dẫn điện phải được lắp đặt đảm bảo tránh được các tác động cơ học, hóa học có thể gây ra hư hỏng, gây ra sự cố dẫn đến nguyên nhân cháy, nổ.

- Kho chứa hàng phải lắp đặt cầu dao điện riêng và đặt phía ngoài cửa kho, có lắp đặt thiết bị điện tự động khi có sự cố.

- Điện phục vụ xuất nhập hàng hóa; phục vụ sản xuất; bảo vệ và chữa cháy phải được tách thành từng hệ thống riêng biệt

- Phải kiểm tra định kỳ hệ thống điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt nhằm phát hiện kịp thời các thiếu sót về an toàn PCCC để khắc phục, sửa chữa ngay.

- Tổng công suất sử dụng của các trang thiết bị sử dụng điện dùng trong văn phòng, phục vụ sinh hoạt và dịch vụ phải nhỏ hơn hoặc bằng công suất thiết kế. Dây dẫn điện phải có tiết diện và độ bền cách điện phù hợp.

- Các nhánh đường dây dẫn điện vào nhà ở, công trình phải đảm bảo các điều kiện an toàn về điện và không cản trở hoạt động của các phương tiện chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ.

Cách xử lý bước đầu khi có cháy xảy ra do điện:

- Trước tiên phải ngắt cầu dao điện

- Báo cho mọi người xung quanh biết, đồng thời, gọi điện thoại thông báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH qua số điện thoại 114.

- Nhanh chóng dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay CO2 hoặc bình bột trực tiếp phun vào gốc lửa dập lửa.

- Tuyệt đối không được dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện. 

Như vậy có thể nói: đối với cuộc sống của con người, điện giống như là một “con dao 02 lưỡi”. Việc tận dụng tối đa mọi lợi ích, tính năng, chủ động phòng ngừa, nâng cao cảnh giác, đảm bảo an toàn về PCCC trong quá trình sử dụng, nhằm nâng cao, cải thiện hơn nữa chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế xã hội luôn nằm trong tầm tay của tất cả chúng ta. Và việc Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng như cả nước nói chung có thắng lợi nhanh chóng trước cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn PCCC hay không không chỉ nằm ở trách nhiệm, sự lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành mà còn chính từ sự chung tay, góp sức, đồng lòng to lớn từ toàn dân.

 

Nguồn: 114 CA TPHCM
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu