Những vấn đề đặt ra cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các loại hình cháy phức tạp

Chủ động trong công tác nắm tình hình, phân tích, đánh giá những khó khăn gặp phải trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và đưa ra những giải pháp xử lý phù hợp đối với các loại hình cháy phức tạp như cháy nhà cao tầng, siêu cao tầng, cháy ở tầng hầm, công trình ngầm quy mô lớn, cháy cơ sở sản xuất, sử dụng và bảo quản hoá chất, cháy phương tiện trên sông, trên biển và cháy rừng đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH

Xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại

 

 

Trong những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, công tác PCCC và CNCH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; chủ động nắm, phân tích, đánh giá tình hình, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp, giải pháp góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH. Kết quả các mặt công tác đã kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường nhất là khi tình hình kinh tế - xã hội phát triển mạnh, tốc độ đô thị hóa, hiện đại hoá ngày càng nhanh, số lượng các công trình đa chức năng kết hợp giữa nhà cao tầng và tầng hầm được xây dựng mới ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, cùng với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang đặt ra những vấn đề mới trong công tác PCCC và CNCH, đặc biệt là những vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản như đám cháy nhà cao tầng, siêu cao tầng; cháy ở tầng hầm, công trình ngầm quy mô lớn; cháy cơ sở sản xuất, sử dụng và bảo quản hoá chất; cháy phương tiện trên sông, trên biển và cháy rừng mà hiện tại lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Để chủ động ứng phó với những thách thức đặt ra trong tình hình hiện nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ đông tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công an và phối hợp với các Bộ có liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn như Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Thông tư số 149/2020/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP; QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; đã chủ động làm tốt công tác phòng ngừa ngày từ giai đoạn thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC trước khi công trình đi vào hoạt động; đã ban hành các văn bản hướng dẫn cho người đứng đầu cơ sở chủ động trong công tác phòng ngừa, duy trì và bảo đảm an toàn PCCC; khi cơ sở đi vào hoạt động, CBCS làm công tác kiểm tra, hướng dẫn về an toàn PCCC đã chủ động kiểm tra, hướng dẫn duy trì và thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình hoạt động đối với các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, đặc biệt là 05 loại hình nêu trên. Mặc dù lực lượng đã chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, tuy nhiên trong quá trình hoạt động, do ý thức của người đứng đầu cơ sở, người dân và do công tác bảo quản, bảo dưỡng hệ thống PCCC đã được trang bị chưa tốt; do những nguyên nhân khách quan tác động từ thiên nhiên như thiên tai, dịch hoạ nên những sự cố cháy, nổ vẫn xảy ra, trong đó có những vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng có liên quan đến 05 loại hình cháy phức tạp mà lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đang gặp khó khăn trong quá trình chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

 1. Thực trạng về lực lượng, phương tiện của Cảnh sát PCCC và CNCH khi xử lý các loại hình cháy phức tạp

 1.1 Thực trạng về lực lượng

 1.1.1 Về tổ chức, biên chế, bố trí lực lượng

 Hiện nay, biên chế của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tại các Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa bảo đảm theo yêu cầu thực tiễn trong công tác, số lượng CBCS trực tiếp làm công tác chữa cháy đang thiếu về số lượng, đặc biệt là số lượng lái xe chữa cháy dẫn đến rất khó khăn trong công việc bố trí công tác thường trực chiến đấu; Tổ, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Công an cấp huyện ở một số địa phương phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ khác.

 Theo thống kê cho thấy tỷ lệ xe/lái xe là 1,96 dẫn tới tình trạng thiếu lái xe, lái tàu khá phổ biến ở nhiều địa phương.

 1.1.2 Về trình độ nghiệp vụ của CBCS

 Hiện nay, với tốc độ đô thị hoá, hiện đại hoá và phát triển nhanh của nền kinh tế thì những loại hình cháy phức tạp xuất hiện ngày càng nhiều đòi hỏi CBCS phải không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng với những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Tuy nhiên, CBCS của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đang yếu về nghiệp vụ, thiếu về trang thiết bị phương tiện có thế xử lý những tình huống cháy lớn phức tạp liên qua đến nhà cao tầng, tầng hầm, cơ sở hoá chất, tàu thuỷ và rừng. Trong quá trình đào tạo cũng như khi ra công tác, CBCS không thường xuyên được tập huấn, huấn luyện đối với những loại hình này mà chủ yếu huấn luyện thể lực, huấn luyện những đội hình chữa cháy cơ bản; hầu hết không được tiếp cận những bài huấn luyện chiến, kỹ thuật những loại hình cháy phức tạp do thiếu mô hình mô phỏng những loại hình trên, cơ sở vật chất huấn luyện nghèo nàn, lạc hậu dẫn tới không có tính ứng dựng vào thực tiễn chiến đấu.

 CBCS không được tập huấn, huấn luyện trau dồi trình độ qua việc tiếp cận với những trang thiết bị, phương tiện hiện đại, chuyên dùng để xử lý cho từng tình huống cháy phức tạp do hầu hết các địa phương đều không có, không được trang bị hoặc có nhưng số lượng rất hạn chế, chỉ sử dụng trong huấn luyện lý thuyết chứ không phục vụ thực hành.

 1.2 Thực trạng về phương tiện

 Hiện nay, số lượng phương tiện được trang bị nêu trên vẫn chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy, CNCH đặt ra trước tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.

 Số xe chữa cháy đã sử dụng lâu, sử dụng trên 20 năm chiếm khoảng 27,1% tổng số xe; xe chất lượng kém, hư hỏng chiếm tới 33,9%. Hiện có 66% xe chữa cháy có chất lượng trung bình và tốt, còn lại 28,6% không đảm bảo yêu cầu thường trực sẵn sàng chiến đấu (có chất lượng kém và hư hỏng). Tỷ lệ xe có chất lượng tốt để phục vụ công tác PCCC và CNCH trên thực tế rất thấp; chỉ có 02 tỉnh, thành phố (chiếm 3% tổng số địa phương) có trung bình 02 xe chữa cháy chất lượng tốt/đội chữa cháy; 10 địa phương (tương đương 15,8%) có trung bình 01 chiếc xe chữa cháy chất lượng tốt/đội; đặc biệt tại nhiều địa phương, có nhiều đội chữa cháy chỉ được trang bị duy nhất 01 xe chữa cháy.

 Việc trang bị xe thang, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, xe phục vụ công tác CNCH còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Hiện nay, có 57/63 địa phương được trang bị xe thang (07 địa phương chưa được trang bị xe thang), chỉ có 26,4% số đội chữa cháy hiện có được trang bị xe thang, còn tới 73,5% chưa được trang bị. Đối với xe cứu hộ, tỷ lệ lần lượt là 29,5% đội đã được trang bị xe và 70,5% chưa được trang bị.

 Trong tổng số xe thang được trang bị hiện nay, số lượng xe thang còn hoạt động tốt chỉ chiếm 46 %, xe thang cao nhất hiện nay còn sử dụng tốt có chiều cao 52 m, tương đương với toà nhà 17 tầng nên khu sự cố cháy nổ xảy ra các tầng từ 17 trở lên thì lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, xử lý tình huống; số lượng xe chữa cháy sử dụng bọt khô công nghệ CAFS và xe chữa cháy có công suất lớn (xe trạm bơm) có thể chữa cháy ở độ cao đến 160 m được trang bị rất hạn chế, chưa được trang bị xe chữa cháy công nghệ Sky CAFS có thể đẩy nước lên được độ cao từ 300 m trở lên phục vụ chữa cháy các công trình siêu cao tầng.

 Đối với việc trang bị thiết bị, phương tiện chữa cháy bảo đảm khả năng tổ chức đảm chữa các đám cháy trên sông, trên biển cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn rất hạn chế (hiện nay lực lượng mới chỉ được trang bị 06 tàuchữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với công suất trung bình và nhỏ; trong đó chỉ có 05 tàu đang hoạt động; có một số tàu công suất lớn như: Tàu ST-115 của PC07 TP Hồ Chí Minh; tàu ST-202F1 của Công an thành phố Hải Phòng là tàu lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam hiện nay với thiết kế tàu cấp I.

 Đối với các sự cố hoá chất, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chưa được trang bị phương tiện, thiết bị chuyên dụng để xử lý các tình huống có liên quan đến hoá chất, đặc biệt là những sự cố rò rỉ hoá chất có tính nguy hại cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của CBCS trực tiếp tham gia xử lý sự cố cũng như tới môi trường sống xung quanh khu vực xảy ra sự cố.

 Đối với đám cháy rừng, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH vẫn là lực lượng chủ đạo trong công tác chữa cháy rừng, tuy nhiên trong rất nhiều tình huống không thể đưa lực lượng và các phương tiện cơ giới để tiếp cập trực tiếp phục vụ chữa cháy rừng. Thiếu các phương tiện cơ giới chuyên dụng để phục vụ công tác chữa cháy rừng như: Xe bánh xích để đào rãnh, cắt cây tạo đường băng cản lửa, xe cơ giới nghiền đất thành bột để phủ vào đám cháy. Chưa được trang bị máy bay chuyên dùng chữa cháy rừng: Máy bay chở nước, chở hoá chất (bột, các hoá chất, vật liệu chữa cháy khác...).

 2. Những giải pháp xử lý đối với 05 loại hình cháy phức tạp

 2.1. Giải pháp về tổ chức, biên chế, bố trí lực lượng

 Kiện toàn cơ cấu tổ chức, biên chế của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo mô hình tổ chức mới, bảo đảm thống nhất theo đúng quy định của Bộ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay trong đó đặc biệt chú trọng phân công, phân cấp việc thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ giữa Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và Công an cấp huyện để tránh chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo phương châm “huyện toàn diện”.

 Phân công, bố trí vị trí công tác cho CBCS đã được đào tạo chuyên ngành về PCCC và CNCH phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn đã được đào tạo, tránh việc bố trí không đúng theo tiêu chí, hướng dẫn của Bộ Công an.

 2.2 Giải pháp về nâng cao trình độ CBCS

 Tăng cường phối hợp, cử CBCS đi đào tạo, tập huấn, huấn luyện chiến, kỹ thuật tại các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Liên Bang Nga và các nước EU đã có mô hình phát triển về công nghệ và biện pháp xử lý các sự cố, tình huống phức tạp đối với các dạng cháy phức tạp, đặc biệt là đối với các dạng đám cháy thuộc 05 loại hình cháy phức tạp nêu trên.

 Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện trong nước nhằm nâng cao năng lực thực tiễn cho cán bộ chiến sĩ làm công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là mặt chiến thuật, kỹ thuật, phương pháp xử lý những tình huống cháy nổ các dạng đám cháy thuộc 05 loại hình cháy phức tạp nêu trên.

 Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng nghiên cứu các đề tài, đề án để sớm sản xuất các thiết bị, phương tiện như: Thiết bị bay không người lái phun hoặc bắn chất chữa cháy dạng khí, bột, nước vào các đám cháy nhà cao tầng, cháy rừng, cháy các công trình công nghiệp…

 2.3 Giải pháp về công tác phối hợp xử lý 

- Tổ chức triển khai và xây dựng các Quy chế phối hợp với các đơn vị chuyên ngành, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc các Bộ và cơ quan ngang Bộ có các phương tiện xử lý các sự cố cháy, nổ, tai nạn chuyên dùng, đặc chủng như: máy bay, trực thăng hỗ trợ công tác chữa cháy, tím kiếm, cứu nạn, cứu hộ thuộc Bộ Quốc Phòng; tàu lai dắt, tàu tìm kiếm cứu nạn, tàu chữa cháy của các cảng vụ hàng hải, trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam thuộc Cục Hàng hải Việt Nam; lực lượng Hải quân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển của Bộ Quốc phòng; Phương tiện xử lý sự cố hoá chất của Bộ đội Phòng hoá - Bộ Quốc phòng, Cục Hoá chất - Bộ Công thương, Bộ Công thương.

 2.4 Giải pháp về nâng cao chiến kỹ thuật, trang bị cá nhân

 Xây dựng các bài chiến thuật chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các loại hình nhà cao tầng, siêu cao tầng; cháy ở tầng hầm, công trình ngầm quy mô lớn; cháy cơ sở sản xuất, sử dụng và bảo quản hoá chất; cháy phương tiện trên sông, trên biển và cháy rừng; xây dựng phim huấn luyện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 05 loại hình cháy nêu trên. Những bài chiến thuật này được xây dựng dựa trên cơ sở những thiết bị phương tiện hiện có của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt trong quá trình tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với loại hình này nhằm giúp cho CBCS chủ động và thích ứng với tình huống xảy ra. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để và có tính lâu dài, đạt được hiệu quả chữa cháy đạt kết quả cao thì lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cần được trang bị những thiết bị, phương tiện chữa cháy nêu trên. 

Để có thể nhanh chóng tiếp cận và xử lý trực tiếp, tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có hiệu quả các tình huống cháy, nổ, sự cố của 05 loại hình cháy phức tạp nêu trên thì yếu tố then chốt vẫn là CBCS trực tiếp làm nhiệm vụ, vì vậy điều kiện tiên quyết là CBCS phải được trang bị đầy đủ những bộ trang phục bảo hộ cá nhân như quần áo chữa cháy chịu được nhiệt độ cao, trong thời gian dài, mặt nạ lọc độc, bộ thiết bị mặt nạ phòng độc cách ly có thời gian duy trì thở kéo dài đối với đám cháy nhà cao tầng, siêu cao tầng, đám cháy tầng hầm hay cháy phương tiện đường thuỷ; camera cảm biến nhiệt gắn trực tiếp trên mũ chữa cháy có thể nhìn xuyên khói phục vụ trinh sát đám cháy, tìm kiếm gốc lửa cũng như người bị nạn trong đám cháy; bộ đồ bảo hộ chống hoá chất, thiết bị đo nồng độ hoá chất dùng cho sự cố cháy liên quan đến đám cháy hoá chất.

2.5. Ngoài ra, để tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có hiệu quả đám cháy 05 loại hình cháy phức tạp thì lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:

 - Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực thực tiễn cho cán bộ chiến sĩ làm công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong đó chuyên sâu huấn luyện kỹ, chiến thuật chữa cháy trên cao, trên mặt nước, trong điều kiện khói khí độc, trong không gian hẹp bằng các bài chiến thuật có sử dụng mô hình huấn luyện mô phỏng tình huống cháy sát với thực tế; tăng cường rèn luyện thể lực giúp CBCS có thể chữa cháy trong thời gian dài.

 -  Đầu tư, trang bị danh mục các thiết bị, phương tiện chuyên dùng trong chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ như:

a. Đám cháy nhà cao tầng, siêu cao tầng, tầng hầm, các công trình ngầm:

+ Trang phục chữa cháy chịu nhiệt độ cao (quần áo cách nhiệt chuyên dùng chịu được nhiệt độ đến 1000 độ C, quần áo chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chịu được nhiệt độ môi trường 250 độ C);

+ Thiết bị bay chữa cháy không người lái có trần bay đến 500 m có thể mang theo chất chữa cháy; Thiết bị bay không người lái có thể tìm kiếm người bị nạn từ trên cao sử dụng camera tầm nhiệt, camera hồng ngoại;

+ Xe chữa cháy áp lực cao sử dụng công nghệ Sky Cafs có thể đẩy chất chữa cháy lên các tầng cao từ 100 m đến 500 m; xe hút, đẩy khói chuyên dụng công suất lớn; xe thang, xe trạm bơm công suất lớn;

+ Thiết bị cứu người trên cao (ròng rọc cứu nạn cứu hộ sử dụng động cơ điện, súng phóng móc dây cứu nạn cứu hộ); camera tầm nhiệt cầm tay hoặc gắn trên mũ chữa cháy giúp tìm kiếm và xác định gốc lửa, người bị nạn;

+ Các loại chất, phương tiện phục vụ chữa cháy các đám cháy trong điều kiện nhiều khói, khí độc (chất chữa cháy trung hòa làm giảm mật độ khói, thiết bị phun sương áp lực cao nhằm làm giảm nhiệt độ khu vực cháy …). 

b. Đám cháy hoá chất:

+ Xe chữa cháy hóa chất chuyên dùng phù hợp với từng nhóm hoá chất; xe xử lý phơi nhiễm hoá chất; rô bốt chữa cháy điều khiển từ xa tiếp cận khu vực có nồng độ hoá chất đến mức nguy hiểm;

Quần áo chống hóa chất; chất chữa cháy hóa chất chuyên dụng đối với các loại hoá chất kỵ nước;

c. Đám cháy trên sông, trên biển:

+ Tàu chữa cháy có máy bơm lưu lượng lớn; tàu vận chuyển chất chữa cháy; tàu vận chuyển hóa chất độc hại; tàu lai dắt;

+ Chất tạo bọt chữa cháy; thiết bị súng bắn phao cứu nạn, cứu hộ.

d. Đám cháy rừng:

 + Cưa máy khiêng tay (động cơ xăng); bình phun nước đeo lưng và các dụng cụ thô sơ khác cho các lực lượng (dân phòng, công an xã ...);

+ Hệ thống máy bơm truyền nước nối tiếp để chữa cháy sử dụng thiết bị kết nối truyền tiếp nước dùng cho máy bơm chữa cháy; bể nước di động (các bể trung gian để tiếp nước từ các phương tiện cơ giới) để có thể cơ động sử dụng chứa nước tại các điểm cao phục vụ chữa cháy;

+ Các phương tiện cơ giới như máy bay chữa cháy chuyên dụng và trực thăng chữa cháy; xe bánh xích nghiền đất chữa cháy rừng; máy đào rãnh tạo băng cản lửa; xe cào, ủi, xe cắt cây phục vụ tạo đường băng cản lửa ngăn cháy lan; trực thăng chữa cháy, thiết bị bay không người lái vận chuyển chất chữa cháy.

3. Trong thời gian tới đây, để khắc phục những khó khăn và xử lý có hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với những loại hình cháy phức tạp thì lực lượng Cảnh sát PCCCvà CNCH cần tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, kiện toàn cơ cấu tổ chức, biên chế của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo mô hình tổ chức mới, bảo đảm thống nhất theo đúng quy định của Bộ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay trong đó đặc biệt chú trọng phân công, phân cấp việc thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ giữa Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và Công an cấp huyện để tránh chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo phương châm “huyện toàn diện”; phân công, bố trí vị trí công tác cho CBCS cần phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn đã được đào tạo.

Hai là, chủ động hợp tác, phát triển việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ PCCC nhằm sớm tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ có liên quan đến công tác PCCC và CNCH để chủ động trong việc sản xuất, lắp ráp trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH ở trong nước đáp ứng với yêu cầu phát triển của lực lượng.

Ba là, tăng cường đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH phù hợp với yêu cầu thực tế, đáp ứng những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đặt ra trong tình hình mới, đặc biệt là tình huống cháy của các loại hình cháy có quy mô lớn, diễn biến phức tạp mà lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH gặp khó khăn trong đó chủ động nghiên cứu, xây dựng đề án đầu tư, mua sắm trang bị danh mục chủng loại thiết bị, phương tiện chuyên dùng hiện đại, phù hợp với điều kiện kinh tế và xã hội Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với loại hình cháy phức tạp nêu trên.

Bốn là, nghiên cứu, xây dựng quy trình đào tạo học viên PCCC với tiêu chí học viên được đào tạo tốt nghiệp ra trường ngoài việc nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, còn có thể sử dụng và bảo dưỡng các loại phương tiện chữa cháy cơ giới cơ bản được trang bị cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH với mục tiêu khi ra thực tiễn công tác có thể đáp ứng được với đòi hỏi của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại và giải quyết triệt để bài toán thiếu đội ngũ lái xe, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy cơ giới như hiện nay.

Năm là, nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ của CBCS trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ các loại hình nói chung và đặc biệt các loại hình cháy phức tạp như cháy nhà cao tầng, siêu cao tầng trong đó tăng cường hợp tác quốc tế thông qua các chương trình hội thảo, hội nghị quốc tế, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện chiến, kỹ thuật tại các nước đã có kinh nghiệm xử lý sự cố, tình huống cháy, nổ phức tạp đối với loại hình cháy này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Liên Bang Nga và các nước EU; tăng cường hợp tác, phát triển việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ PCCC nhằm sớm tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ có liên quan đến công tác PCCC và CNCH để chủ động trong việc sản xuất thiết bị, phương tiện PCCC phục vụ cho lực lượng.

 

Nguồn: Cục C07
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu