Đề phòng “bà hỏa” mùa nắng nóng

Mùa hè nắng nóng, nhiệt độ môi trường ở mức cao, nếu người dân lơ là, bất cẩn trong quá trình sử dụng các thiết bị điện, nguồn nhiệt sẽ dễ xảy ra các sự cố cháy, nổ, nhất là ở các khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp của các cơ quan chức năng, người dân cần nêu cao ý thức để ngăn ngừa “bà hỏa”.

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tổ chức thực tập phương án chữa cháy, CNCH và tuyên truyền cài đặt App 114 tại công trường thi công Quảng trường biển Sầm Sơn. Ảnh: Cao Hường (Phòng Cảnh sát PCCC& CNCH, Công an tỉnh)

 

Nguy cơ không trừ ai

Còn nhớ vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra vào đêm ngày 27-12-2021, một ngôi nhà 3 tầng giữa trung tâm TP Thanh Hóa (số 02, phố Triệu Quốc Đạt, phường Điện Biên) bất ngờ bốc cháy trong đêm. Vụ hỏa hoạn khiến nhiều người bàng hoàng và xót xa khi cướp đi sinh mạng của 3 người trong 1 gia đình. Căn nhà ống được chủ nhà sử dụng tầng 1 để kinh doanh bể cá cảnh, tầng 2 và tầng 3 chứa đồ kết hợp sử dụng để ở, sinh hoạt. Thời điểm xảy ra vụ cháy, nhiều người dân phát hiện mùi khét kèm theo tiếng nổ lẹt đẹt nên chạy ra ngoài quan sát thì thấy ngôi nhà hàng xóm bốc cháy nghi ngút. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng điều động 3 xe chữa cháy, 1 xe bồn cùng 25 cán bộ, chiến sĩ có mặt tại hiện trường. Lúc này ngọn lửa đã bao trùm toàn bộ ngôi nhà, nguy cơ cháy lan sang các nhà dân bên cạnh, sinh ra bức xạ nhiệt lớn, nhiều khói, khí độc.

Quá trình tiếp cận, chữa cháy và cứu người bị nạn, lực lượng chức năng đã gặp không ít khó khăn, do ngôi nhà chỉ có một lối vào duy nhất, lan can các tầng trên đều bị quây kín bằng “chuồng cọp” với khung thép chắc chắn. Vừa tổ chức chữa cháy, các cán bộ, chiến sĩ vừa di chuyển vào bên trong bằng cửa chính và sử dụng các thiết bị chuyên dụng, phá chuồng cọp ở tầng 2. Đám cháy được khống chế, lực lượng chức năng tiếp cận vào được bên trong nhưng chỉ cứu được 1 người, còn cặp vợ chồng cùng 1 con nhỏ đã tử vong thương tâm.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ ngày 15-4-2021 đến 15-4-2022, toàn quốc xảy ra 1.908 vụ cháy, làm 80 người thiệt mạng, 113 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng hơn 826 tỷ đồng. Trong đó xảy ra 850 vụ cháy nhà ở hộ gia đình và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm 44%), làm 70 người thiệt mạng (chiếm 87,5%), 52 người bị thương (chiếm 46%), thiệt hại về tài sản hơn 73 tỷ đồng (chiếm 8,9%).

Cũng trong thời gian trên, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 54 vụ cháy, trong đó có 34 vụ xảy ra tại nhà dân (gồm nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh), làm 3 người thiệt mạng, 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 3,6 tỷ đồng. Về nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn, có tới 17 vụ do sự cố thiết bị điện, 5 vụ do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt...

Nguy cơ xảy ra cháy tại khu dân cư, nhà dân, nhất là trong mùa nắng nóng luôn tiềm ẩn khi nền nhiệt độ tăng cao, hỏa hoạn luôn rình rập, bởi việc sử dụng các thiết bị điện gia tăng. Nhiều nhà liền kề, phía trước dùng để kinh doanh, phía sau là nơi sinh hoạt gia đình nên đa dạng về chất cháy, nhiều nguyên nhân gây cháy. Ngoài ra, các ngôi nhà này thường là dạng nhà ống, chỉ có một lối thoát nạn duy nhất, do đó nguy cơ xảy ra cháy và để lại hậu quả nghiêm trọng là rất cao.

Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân

Thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng cơ sở”, lực lượng công an trong tỉnh đã phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC. Duy trì và phát động hiệu quả 2 mô hình về an toàn PCCC tại khu dân cư: “Khu dân cư an toàn về PCCC”, “Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đạt chuẩn về PCCC”; đồng thời, phát động 5 phong trào toàn dân PCCC như: “Cụm doanh nghiệp an toàn về PCCC” tại Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga; “Nhà tôi có bình chữa cháy”; “Tuyên truyền, vận động người dân tự giác gỡ bỏ lồng sắt, “chuồng cọp” tạo lối thoát nạn thứ 2”...

Công an các cấp đã chủ động tham mưu với UBND cùng cấp quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm tra, hướng dẫn đến từng hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao theo địa bàn quản lý. Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh đã tiến hành kiểm tra 22 cơ sở, yêu cầu thực hiện và khắc phục 92 thiếu sót về PCCC, xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp với số tiền 153,6 triệu đồng. 27 đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện đã kiểm tra 582 cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, đề nghị thực hiện 1.585 nội dung về PCCC, xử phạt 45 trường hợp, phạt tiền 92 triệu đồng; kiểm tra 909 lượt đối với nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, yêu cầu thực hiện 2.897 nội dung về PCCC, xử phạt 14 trường hợp với số tiền 56,4 triệu đồng. Đoàn kiểm tra cấp xã đã hướng dẫn, kiểm tra các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, yêu cầu thực hiện 41.989 nội dung về PCCC.

Công an các xã, thị trấn tham mưu cho UBND cấp xã kiểm tra, duy trì các điều kiện an toàn về PCCC đối với khu dân cư. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện có 24.109 hộ gia đình không đảm bảo tối thiểu 2 lối thoát nạn, cần phải mở lối thoát nạn thứ 2. Trong đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, lực lượng công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã đi từng nhà vận động, hướng dẫn người dân tự giác cùng với chính quyền, lực lượng công an mở lối thoát nạn thứ hai. Đa số người dân đều nhận thức được tầm quan trọng của lối thoát hiểm, từ đó đồng thuận thực hiện. Kết quả, đã vận động được 23.221 hộ gia đình phá dỡ lồng sắt, “chuồng cọp” làm lối thoát nạn thứ 2 (đạt tỷ lệ 96,32%); vận động được 76.384 hộ gia đình tự trang bị phương tiện PCCC. Hiện còn 888 hộ gia đình chưa tạo được lối thoát nạn thứ 2 do không đủ không gian, diện tích hoặc phải phá dỡ ảnh hưởng đến kết cấu của công trình. Đối với các trường hợp này, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường biện pháp khác nhằm bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình sử dụng.

Nhiều biện pháp tuyên truyền, kiểm tra khắc phục thiếu sót của lực lượng chức năng nhằm mục đích lớn nhất đó là khắc phục tâm lý chủ quan, nâng cao ý thức tự giác, chủ động phòng ngừa trong công tác PCCC đối với mỗi người, hộ gia đình, khu dân cư. Kinh nghiệm cho thấy, để tăng tính chủ động, bất cứ cơ sở sản xuất, gia đình nào cũng cần xác định rõ quan điểm “phòng hỏa hơn cứu hỏa” và sẵn sàng phương án thoát nạn trong tình huống khẩn cấp. Bởi nguy cơ cháy, nổ vẫn luôn tiềm tàng và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không trừ ai.

Các quy định về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình đã được quy định cụ thể tại Điều 6 và Điều 7, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC.

Để bảo đảm an toàn PCCC trong mùa nắng nóng, cơ quan chức năng khuyến cáo, các hộ gia đình cần chủ động tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về PCCC; đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong hộ gia đình thực hiện quy định của pháp luật về PCCC và nắm vững kiến thức cơ bản về PCCC, thoát nạn, cứu người trong đám cháy, sơ cứu ban đầu.

Đối với nhà ở gia đình, nhà dạng ống, nhà liên kế, chia lô, không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại các ban công của nhà; tầng sân thượng, mái cần bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới. Đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chứa hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ nên bố trí tách biệt với nơi ở, sinh hoạt; sắp xếp vật dụng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (như: tủ điện, ổ cắm điện...) tối thiểu 0,5m. Ô tô, mô tô, xe gắn máy, máy phát điện và phương tiện khác có sử dụng xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy cần để cách xa nơi đun nấu, nguồn lửa, nguồn nhiệt. Hệ thống điện phải có thiết bị bảo vệ, chống quá tải, đoản mạch; không sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện chung một ổ cắm; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết hoặc khi ra khỏi nhà.

Mỗi hộ gia đình nên trang bị một số phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay, phương tiện cứu nạn, cứu hộ (mặt nạ lọc độc, dây tự cứu, thang dây, dụng cụ phá dỡ thô sơ...); hệ thống hoặc thiết bị báo cháy cục bộ, hệ thống chữa cháy bằng nước... phù hợp với quy mô tính chất, đặc điểm của nhà. Trường hợp nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh thì các khu vực sản xuất, kinh doanh phải trang bị phương tiện PCCC, CNCH theo quy định của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành...

 

Nguồn: Minh Hiền - Báo Thanh Hóa
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu